Nước mía là loại thức uống giải khát phổ biến và rẻ tiền ở nhiều nước nhiệt đới. Ảnh: Pixabay. |
Nước mía được làm bằng cách ép cây mía đã gọt vỏ để lấy nước, có thể trộn với chanh hoặc các loại nước trái cây khác và cho thêm đá để tạo ra nước mía với hương vị ngon hơn.
Trong Đông y, mía còn được mệnh danh "Thang thuốc phục mạch", có vị ngọt tính hàn, bổ dưỡng, dùng để chữa suy nhược cơ thể, thanh nhiệt nhuận hầu họng, chữa ho, hen, nôn mửa, tình trạng hoảng hốt, tâm thần bất định.
Theo y học hiện đại, nước mía rất giàu chất dinh dưỡng. Thành phần chủ yếu trong nước mía là đường saccaro, canxi, crom, kẽm, vitamin (A, B1, B2, B3, B5, B6, C), cùng với nhiều phytonutrient, chất chống oxy hóa, protein và chất xơ hòa tan cần thiết cho cơ thể.
Lợi ích của nước mía
Nhờ công dụng giải nhiệt, bổ sung nước, chất điện giải và hương vị thơm ngon, nước mía trở thành thức uống được ưa chuộng vào những ngày nắng nóng.
Theo India News, ngoài tác dụng giải khát, nước mía còn có nhiều công dụng rất tốt cho sức khỏe khác.
- Tăng cường năng lượng tức thì: Saccarose tự nhiên trong mía có thể cung cấp cho cơ thể năng lượng phù hợp để làm việc và vận động. Chất này cũng giúp cân bằng quá trình giải phóng năng lượng trong cơ thể. Ngoài ra, nước mía cũng là sự lựa chọn tốt nhất để bù nước cho cơ thể và xua tan mệt mỏi.
- Giúp lợi tiểu: Uống nước mía sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu, đặc biệt khi bạn bị tiểu rát. Ngoài ra, uống nước mía cũng giúp mọi người hạn chế nguy cơ sỏi thận.
- Chống sâu răng và hôi miệng: Nước mía chứa nhiều khoáng chất như canxi và phốt pho, giúp củng cố men răng và bảo vệ răng khỏi sâu răng. Ngoài ra, chất dinh dưỡng trong nước mía cũng giúp chống lại chứng hôi miệng do thiếu chất dinh dưỡng.
- Cải thiện tiêu hóa: Uống nước mía giúp duy trì hệ tiêu hóa tốt. Kali trong nước mía giúp cơ thể vận hành linh hoạt, ngăn ngừa sự nhiễm trùng dạ dày và hạn chế táo bón.
- Hạn chế biến chứng do sốt: Nước mía đã được chứng minh là mang lại lợi ích cho những người gặp biến chứng do sốt. Trong trường hợp này, bệnh nhân, đặc biệt là các trẻ em nhỏ, thường sốt cao dẫn đến co giật và mất protein trong cơ thể. Lúc này, nước mía giúp bổ sung lượng protein bị mất đi và giúp cơ thể phục hồi.
- Chống lão hoá cho da: Nước mía chứa nhiều axit alpha hydroxy có lợi cho làn da. Một trong những axit alpha hydroxy nổi bật nhất là axit glycolic, giúp da duy trì độ căng bóng. Bên cạnh đó, nước mía cũng giúp giảm mụn trứng cá, giảm vết thâm, giảm tốc độ lão hóa và giữ làn da mềm mại.
- Tăng cường khả năng miễn dịch: Thường xuyên uống nước mía giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, đặc biệt là trong những tháng hè. Loại nước thơm ngon này chứa nhiều chất chống oxy hóa và vitamin C nên còn giúp chống lại các rối loạn tiêu hóa, bệnh gan và nhiễm trùng đường hô hấp.
- Tăng cường sức khỏe xương: Sự phong phú của các khoáng chất trong nước mía bao gồm canxi, magie, phốt pho, sắt và kali đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố xương và giảm nguy cơ loãng xương.
Nước mía có nhiều công dụng đối với sức khoẻ. Ảnh: Adobe Stock. |
Ai không nên uống nước mía?
Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, nước mía dù mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời nhưng mọi người vẫn cần phải uống đúng cách, đúng liều lượng.
Dù rất khát, mọi người cũng chỉ nên uống dao động dưới 240 ml mỗi ngày (không quá 2 ly). Nước mía nên được dùng ngay sau khi ép, không để nước mía quá lâu bên ngoài dễ bị nhiễm khuẩn.
Những nhóm người sau không nên uống nước mía hoặc không uống quá nhiều để đảm bảo sức khỏe.
- Người có hệ tiêu hóa kém không nên uống nước mía thường xuyên do loại đồ uống này có tính hàn lương và hàm lượng đường cao, dễ gây đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy. Trong trường hợp cần thiết, mọi người có thể phối hợp với gừng để giảm tính lạnh của mía.
- Người đang dùng những loại thuốc bổ hay thuốc chống đông máu không uống nước mía để tránh gây tương tác thuốc.
- Người mắc bệnh đái tháo đường.
- Người đang ăn kiêng, muốn giảm cân cần uống nước mía có chừng mực vì loại đồ uống này nhiều năng lượng. Nếu dùng quá nhiều, nước mía có thể gây béo phì vì cơ thể thừa năng lượng.
- Phụ nữ mang thai cũng không nên uống quá nhiều nước mía vì dễ gây nhiễm trùng hoặc tiểu đường thai kỳ.
Trong nhiều năm hành nghề y và từng giữ chức trưởng khoa dinh dưỡng của một bệnh viện lớn, tác giả Hạ Manh đã điều trị hơn 10.000 ca bệnh liên quan đến chế độ ăn uống không lành mạnh. Cuốn sách "Ăn chuẩn ít bệnh" (tập 1) được viết ra từ những kinh nghiệm chuyên môn của vị bác sĩ này, nó sẽ mang đến cho người bệnh những kiến thức hữu ích về dinh dưỡng, để xây dựng chế độ ăn hợp lý.