Theo thời gian, Tết Trung thu hiện đại không còn phảng phất bóng dáng xa xưa. Chỉ có số ít những người vẫn đau đáu nỗi niềm hoài cổ, cố lưu giữ nhiều phong vị đã mãi lùi xa.
Mùa thu trái chín, trăng tháng tám lên cao tròn vành, thêm một mùa Trung thu nữa lại về.
Pháo than xoan, pháo hoa hạt bưởi, đèn lồng lon sữa, trống da ếch, mặt nạ mo cau là cả một miền ký ức dịu êm mà xa xăm.
Tượng trưng cho ngày Tết truyền thống của trẻ em chỉ có mấy món đồ giản dị, được làm thủ công bằng tay mà chứa đựng nhiều tâm tình.
Nhiều người có thể than phiền về Tết Trung thu giờ chẳng đọng lại chút nào bóng hình ngày xưa, song vẫn còn đó những con người tài hoa ngoài kia, miệt mài lưu giữ những giá trị truyền thống cứ lặng lẽ khuất bóng dần trong nhịp sống gấp gáp, guồng quay vội vã chốn thị thành.
Từ tháng 4 Âm lịch, căn nhà nhỏ tại xã Tiền Phong (huyện Thường Tín, Hà Nội) đã bắt đầu vang lên tiếng gõ đều đặn ngày đêm của ông Trần Văn Bản (53 tuổi), người có hơn 35 năm theo đuổi nghề đục khuôn bánh trung thu thủ công.
“Ngày xưa, ở làng có hai cụ làm khuôn bánh, tôi thấy yêu thích nên tự mày mò học theo. Từ hồi mới là cậu bé đen nhẻm 15 tuổi, cứ đi học về là tôi rủ em ruột mò mẫm lấy miếng gỗ ra đục cắt, đẽo gọt, xem mẫu người ta bán thế nào rồi tự ước lượng làm theo”, ông vừa kể vừa khẽ phủi bớt lớp mùn cưa vương đầy trên quần áo.
“Ban đầu, sản phẩm tôi làm ra không đạt yêu cầu, khách hàng bảo chỗ này chưa đạt, chỗ này khiến bánh cháy, mình lại nhìn vào sản phẩm lỗi để rút kinh nghiệm”, ông Bản nhớ lại khoảng thời gian tự học.
Ngày trước, trong làng có 5-6 nhà theo nghề đục này, sau thưa thớt dần vì lợi nhuận không cao. Người em học cùng ông cũng chỉ làm được vỏn vẹn 1-2 năm, thấy không ăn thua nên bỏ nghề.
Cuối cùng, chỉ còn lại ông Bản bám trụ với công việc đục khuôn bánh Trung thu đã ngót nghét hơn 3 thập kỉ.
Thời hoàng kim, nhà ông Bản làm khuôn bán quanh năm, các khuôn bánh Trung thu cứ thế nối nhau ra đời mỗi ngày.
“Cách đây 15 năm, tôi đi lấy gỗ trên Sơn Tây thì bị sét đánh giữa đường. Sét đánh đến mức càng xe bong tróc hết sơn, mũ bảo hiểm rúm ró, áo mặc trên người cháy xém, hai lỗ tai chảy máu ròng ròng”, ông Bản vừa nói vừa chỉ vào vết sẹo trên bắp tay, dấu vết còn sót lại của trải nghiệm kinh hoàng.
“Ở viện gần một tuần thì các bác sĩ trả về, còn bảo nếu có tỉnh thì gia đình cũng phải nuôi báo cô. Nhưng chắc do chưa tới số, tôi dần khỏe mạnh lại, tiếp tục công việc. Cũng may là vụ việc ấy không ảnh hưởng gì đến tay chân, đầu óc, đục khuôn bánh vẫn thành thạo, duy chỉ có thính giác là kém đi hẳn”.
Việc thức dậy từ khi mặt trời chưa ló rạng, ngồi miệt mài đục đến trưa, ăn qua bữa vội vàng, rồi tiếp tục làm đến 2-3 giờ sáng, chẳng có thời gian nghỉ ngơi trở thành chuyện ngày thường.
Lúc đắt khách, vợ của ông phải chạy trả hàng vòng quanh thành phố, từ Thường Tín lên trung tâm phố Hà Nội, rồi lại vòng lên Xuân Đỉnh, tới Phạm Văn Đồng, về Phủ Lý để trả khách cho kịp.
Thời huy hoàng của chiếc khuôn thủ công giờ chỉ còn đọng lại trong hai từ “ngày xưa”, trước khi khuôn nhựa “mì ăn liền” tràn lan trên thị trường.
Hiện tại, việc làm khuôn bánh chủ yếu kéo dài từ tháng 4 đến tháng 8 Âm lịch. Hết mùa, ông chuyển sang làm khuôn xôi, khuôn oản.
"Đường nét ở khuôn nhựa nông choẹt, cho ra thành phẩm nhưng chiếc bánh ‘như mù’, không rõ hoa văn. Bánh được đúc từ khuôn nhựa cũng bị nén hơi, thân bánh chắc quá, nhanh mốc bởi bánh bị ẩm bên trong. Khuôn đấy chứa nhiều hóa chất, trong khi khuôn gỗ của mình đặt yếu tố vệ sinh an toàn lên hàng đầu”.
Nhiều lần, các công ty, xí nghiệp đặt mua khuôn nhựa về, vẫn tìm đến chỗ ông Bản, thuê ông đục lại cho sắc nét hơn.
Nhớ lại quãng thời gian chưa có sự trợ giúp của máy móc, ông Bản liên tục nhắc lại câu “vất vả lắm”, “hao sức người kinh khủng”.
Gỗ làm khuôn phải chọn loại gỗ xà cừ to, lâu năm, óng gỗ, không có mẫu mắt, rồi xẻ ra thành tấm, mỗi tấm lại có độ dày mỏng khác nhau. Từng tấm được đem đi phơi cho khô kiệt, hút hết gió, không sợ ẩm mốc, mối mọt.
Khâu pha chế gỗ đặc biệt quan trọng bởi nếu làm không kỹ, khuôn dễ méo mó, không tròn đều, làm xong phơi khô, bề này co vào, bề kia móp lại, không cân đối.
Nếu gỗ còn ẩm còn tươi, khi nướng rất dễ bị dính bánh vào khuôn, lại chịu nhiệt kém, để trên nóc lò là nhanh chóng nứt toác, "xé tan cái khuôn".
Các tấm sau khi phơi khô được kẻ, vẽ thành các phôi rồi vanh ra, bào nhẵn nhụi hai mặt, xong tùy theo kích cỡ, trọng lượng của từng loại bánh mà đặt mẫu vẽ sao cho vừa vặn. Bánh có đường kính lớn thì làm khuôn nông, bánh có kích thước nhỏ thì làm khuôn sâu.
“Máy móc hiện đại cũng chỉ giúp mình khâu đục hình thù cơ bản, còn khâu ‘kẻ vẽ đục hoa’ vẫn phải tự tay làm tỉ mỉ mọi chi tiết”.
Khuôn bánh dẻo đường nét thô, nông, còn khuôn bánh nướng đường nét dày, mau, có vậy nướng bánh mới ra màu vàng đều. Khuôn bánh nướng cũng cầu kỳ hơn vì đòi hỏi các nét đều tăm tắp, nét cao nét thấp dễ gây cháy bánh, ảnh hưởng đến độ bắt mắt.
“Tôi có đến hơn 100 loại đục, từng loại sẽ cho ra đường nét to nhỏ khác nhau. Nhiều chi tiết phải sử dụng đến vài ba loại mới cho ra đường nét ưng ý”.
Trung bình, mỗi khuôn bánh có hình thù đơn giản làm mất 3 giờ đồng hồ và mỗi ngày, ông làm được nhiều nhất chỉ 2-3 cái. Với những khuôn phức tạp, có khi ông Bản mất đến vài ngày mới xong.
“Mỗi người có một mắt nhìn riêng. Người thì thích rồng phượng, người thì thích hoa lá, người thì thích con giống, mình cứ nhận rồi mày mò làm theo. Bên cạnh năng khiếu, kỹ thuật là điều thiết yếu. Khách hàng chủ yếu gửi ảnh qua điện thoại, tôi nhìn cũng phải tự hình dung cái nào vẽ trước, cái nào vẽ sau, đường nét này phải dùng mũi đục nào”.
Suốt ngần ấy năm làm nghề, ông Bản luôn tự hào vì chưa có mẫu vẽ nào khiến ông phải “lắc đầu không nhận”.
“Ngay cả đục hình con rồng thì cũng mỗi con một vẻ, hình dáng giống nhau nhưng đường nét khác nhau. Tất cả tùy thuộc vào quan sát của mình, sao cho khuôn ra phải giống ảnh, các nét phải đều chằn chặn, cái mỏ, cái móng, từng cái vảy phải thật dữ”, ông Bản vừa nói vừa khoe hình ảnh cặp “lưỡng long trầu nguyệt” ông vừa hoàn thành cách đó ít hôm.
Chia sẻ về cái nghề “của một đồng công một nén” của mình, ông Bản khẳng định “riêng nghề truyền thống thì không bao giờ bỏ được”, “còn khách đặt thì còn làm”.
“Lời lãi thu được không nhiều nhưng mình cảm thấy vừa lòng, xứng đáng với bản thân là được rồi. Tôi có hai người con, các cháu cũng được bố truyền dạy lại nghề từ nhỏ”, ông Bản nói với giọng yên tâm.
Tuổi đã ngoài 50, mái tóc dần ngả bạc và mắt buộc phải đeo kính mới nhìn rõ, cùng với chiếc lưng đau thỉnh thoảng lại “hành hạ”, ông Bản vẫn ngày ngày tỉ mỉ đục đục, gõ gõ, như lời ông nói “cố đến khi nào không thể làm được nữa mới thôi”.
Giai đoạn đồ chơi nhựa tràn sang, cả làng lao đao vì những mẫu mã lung linh làm lu mờ đi đường nét chân phương của đồ chơi truyền thống.
“Đồ chơi cổ truyền bị thất thế, không còn ai để ý, ế ẩm nặng. Có những hôm cả làng sáng chở hàng ra Hà Nội bán, tối lại chở về. Hàng không bán được, người làng thậm chí phải nhịn bữa. Người nào bán được vài cái trống là cho nhau vay lấy tiền ăn dọc đường”, cô Thoàn nhớ lại.
Năm ấy, hàng chất đầy trong kho, nhà cô Thoàn phải đi vay lãi để trả tiền thuê nhân công. Cả một mùa coi như trắng tay. Nhiều hộ chịu thua lỗ nặng nề cũng không thể trụ nổi, kiếm kế sinh nhai khác.
“Làm ăn bết bát, cô cũng lung lay nhưng tự nhủ với bản thân không vững lòng thì nghề của làng chẳng mấy chốc mà lụi tàn. Năm nay không bán được thì biết đâu năm sau buôn bán khá khẩm trở lại, hoặc mình tạo ra nhiều mẫu mã mới, sáng tạo hơn”.
Trời không phụ lòng người yêu nghề. Trải qua giai đoạn bấp bênh, khi đồ chơi nhựa bị cảnh báo không an toàn cho trẻ nhỏ, đồ chơi truyền thống phần nào lấy lại được vị thế.
“Các năm gần đây, nhà cô sản xuất đồ chơi quanh năm, đến mùa Trung thu lại đem hàng xuất ra Hà Nội, đưa vào các tỉnh miền Trung, miền Nam. Lúc cao điểm, sân nhà chật kín 20 người làm mới kịp đáp ứng hết đơn đặt hàng”.
Với cô, chủ cửa hàng khen mẫu này vẽ đẹp, bán chạy, nhiều người mua cũng đủ khiến lòng lâng lâng sung sướng.
“Nhưng có lẽ, vui nhất là khi nhìn đám trẻ con cười giòn tan, hăm hở vác theo nào mặt nạ Thị Nở, Chí Phèo, Ông Địa nhà mình làm ra đi phá cỗ, nghêu ngao hát dọc đường”.
35 năm gắn bó, không phải lúc nào người phụ nữ ấy cũng giữ được trọn vẹn tinh thần với nghề của quê cha đất tổ, lắm lúc chán nản, suy nghĩ buông xuôi nhiều lần vụt qua trong đầu.
“Nhưng rồi, tính đi tính lại, cô chỉ thấy rằng bỏ đi thì thật phí. Những năm khó khăn, khủng hoảng trước kia mình còn vượt qua được cơ mà".
Khi được hỏi liệu sau này ai sẽ tiếp quản công việc, cô Thoàn chỉ biết tự nhủ bản thân còn khỏe mạnh, cô vẫn cố gắng tiếp tục duy trì nghề.
“Những lúc vào vụ, các con cháu cũng học nghề, phụ giúp nhiều. Còn quyết định theo nghề bố mẹ hay không, cô để cho chúng nó tự quyết. Không theo thì mình cũng đành chịu, dù tiếc nuối nhiều chứ”, cô nói.
Cách nhà cô Thoàn không xa, cùng trong làng ông Hảo là căn nhà của anh Vũ Hữu Thắng (42 tuổi). Trái với nhà cô Thoàn sản xuất nhiều loại hàng, nhà anh Thắng tập trung làm duy nhất đầu múa lân, đầu sư tử.
Như nhiều người dân lớn lên tại vùng đất này, anh Thắng được gia đình truyền lại cách làm đầu sư tử từ khi vẫn là cậu bé con hàng ngày cắp sách đến trường.
Khi “cơn bão đồ chơi mỳ ăn liền" tràn về, anh không thôi trăn trở về việc làm sao bảo tồn được nghề riêng của làng.
Cuối cùng, người đàn ông quyết định cải tiến đầu sư tử sơn không quen thuộc thành loại “đầu điện”, vẫn giữ yếu tố yếu truyền thống mà đáp ứng thị hiếu người mua.
Những khâu cơ bản như đắp giấy bồi vào cốt lõi bê tông, bọc giấy nhiều lớp được giữ nguyên, còn lồng thêm kim sa lấp lánh, gắn đèn điện nhấp nháy vào mắt sư tử được anh sáng tạo thêm.
Anh Thắng cho biết mẫu đầu sư tử điện cồng kềnh, sản xuất tốn kém hơn, song cũng rất hút khách. Chiếc đầu điện nhỏ nhất có giá 60 nghìn, cái to nhất giá 900 nghìn, cái đẹp hơn, vành to bằng chiếc chậu thau cỡ lớn giá lên đến 3 triệu.
Những lúc đơn đặt hàng đến nhiều, anh phải thuê thêm chục nhân công mới kịp trả hàng cho khách.
“Những mẫu mã đồ chơi nhựa có thể mua, chơi quanh năm nhưng đầu sư tử là đặc sản chỉ có mùa Trung thu nên những người làm như mình cứ lựa theo sức mua mà làm, bán ít làm ít, bán nhiều làm nhiều. Ý nghĩ thôi không làm nữa chưa bao giờ nhen nhóm vì chỉ còn mấy hộ làm nghề, giờ mình mà bỏ thì nghề chả mấy chốc biến mất”, anh Thắng nói chắc nịch.
Nằm trên gác 4 của con ngõ nhỏ hẹp, tối sâu, chỉ vừa một người đi tại góc phố Hàng Lược, là căn gác rộng vỏn vẹn 15 m2 của cụ Vũ Thị Thanh Tâm (90 tuổi) - người duy nhất còn làm thiên nga bông ở Hà Nội.
Đến nay, cụ Tâm đã có hơn 70 năm gắn bó với công việc này.
Trong căn phòng ở từ những năm thủ đô giải phóng, bức hình cụ Tâm bên cạnh giỏ thiên nga bông, cùng nhiều chứng nhận, giấy khen, ghi nhận cống hiến được treo ở vị trí trang trọng nhất. Mỗi khi có ai đến chơi, cụ không quên chỉ cho họ xem với lời kể đầy tự hào.
“Ngày xưa, bà có người nhà ở phố Hàng Gai làm món đồ này, bà thấy thích thú nên ngồi tự học theo. Ngày ấy, làm thiên nga bông là nghề tay trái, làm vào cuối tuần, bên cạnh công việc chính là công nhân nhà máy xí nghiệp”.
Xa lạ với giới trẻ ngày nay, nhưng vào thời bao cấp, thiên nga bông từng là món quà chứa đựng bao niềm vui lấp lánh thơ trẻ mà nhiều bé gái hằng ao ước.
Mỗi giỏ bao gồm 2 chú thiên nga trắng muốt, bên dưới là lớp bông bồng bềnh, điểm xuyết xung quanh là vài ba cây hoa trang trí, cùng với hạt cườm trang trí cho thêm phần sắc màu.
Thoạt qua tưởng chừng đơn giản, nhưng để cho ra mỗi giỏ thiên nga tươm tất cũng lắm kỳ công. Việc chuẩn bị phải bắt đầu từ 1-2 tháng trước, khi phố Hàng Mã sắp sửa vào mùa nhộn nhịp.
Công đoạn tạo hình thiên nga đòi hỏi sự cẩn thận đến từng chi tiết nhỏ. Phần bụng nhồi giấy thật khéo sao cho vừa vặn, không mẩu nào thòi ra thụt vào, rồi đơm bông xuôi tay sao cho thành quả là một lớp bông mềm mại, phẳng phiu bọc quanh.
Phần cánh khi tỉa phải thật nhẹ tay vì xốp mỏng manh dễ gãy, lựa mũi kéo uyển chuyển, tạo dáng cánh xòe rộng vút bay, hai cánh cân xứng đều mỗi bên.
Phần cổ làm từ dây thép, tay cầm kìm uốn cong tinh tế, ra dáng loài thiên nga, không lẫn sang con vịt, con cò nào khác.
“Khó nhất ở phần đầu, làm sao cho đầu con vật nhỏ xinh, nhẵn nhụi. Sau khi phủ bông, tay phải ‘xuê” theo một chiều, nếu xoay hướng khác ngay lập tức bông bị xù ra. Phần mỏ không phải ai cũng vít được vừa vặn, ra dáng nhọn đúng theo mỏ thiên nga, không khéo sẽ thành bè bè, tù tù ngay”, cụ Tâm vừa nói vừa vuốt ve từng con, ánh mắt chứa đựng từng nâng niu, trân quý.
Cuối cùng, con vật được phết một lớp nước cơm vừa phải, tránh bông bị thấm quá nhiều nước, sau đó đem phơi khô, cẩn thận cất đi, chờ đến ngày lắp vào giỏ.
Phần cây trang trí xung quanh quấn giấy bóng kính, cắt dăm dăm rồi “xuê” lại, khi quấn đều tay. Nếu không biết quấn, lớp giấy nhanh chóng xoắn tít, dễ đứt.
“Với loại thiên nga nhỏ, càng đòi hỏi độ tỉ mẩn vì làm con bé khó hơn, phải tự tay bà làm mới ra được con đẹp”, cụ Tâm nói.
Mỗi giỏ thiên bông làm ra tốn nhiều thời gian, song giá bán ra chỉ ở mức 50 nghìn, được cụ Tâm gọi là “lấy công làm lãi”.
Cuộc trò chuyện với cụ Tâm ngắt quãng giữa chừng khi có khách tìm đến hỏi mua thiên nga bông. Giờ đây, niềm vui của cụ chỉ đơn giản ở chỗ vẫn có những người lặn lội tìm đến căn gác chật chội, nằm sâu hun hút này để mua món đồ chơi tỉ mẩn làm bằng tay.
Đã ba năm nay, cứ tháng 8 Âm lịch, chị Phượng (Hà Nội) lại chịu khó đi hơn chục cây số từ quận Thanh Xuân lên phố Hàng Mã, con phố gắn liền với cả một trời kỷ niệm ngày thơ bé để tìm mua thiên nga bông.
“Ngày bé, mỗi mùa Trung thu, tôi lại được bố dẫn lên phố Hàng Mã và chẳng bao giờ chịu quay về nếu không có một giỏ thiên nga bông đem về phá cỗ. Cứ thế, món đồ chơi này đi theo lúc tôi là đứa nhóc 5,6 tuổi đến khi trở thành cô thiếu nữ phổng phao”, người phụ nữ trạc tuổi 40 hào hứng nói.
Ba năm trước, trong một lần dạo phố, tình cờ gặp lại giỏ thiên nga bông năm nào, chị Phượng lại tiếp tục mua ủng hộ.
“Bao nhiêu năm, nhìn giỏ thiên nga vẫn vẹn nguyên cảm giác thích thú nên năm nay, đến góc phố Hàng Lược quen thuộc mà không thấy bán, tôi dò la mãi để tìm được nhà bà, quyết tâm phải mua về một giỏ làm quà cho đứa cháu gái”, chị Phượng chia sẻ.
Thủa còn “vang bóng”, mỗi mùa Trung thu, nhà cụ Tâm có thể tiêu thụ hết 1.000 lẵng thiên nga.
“Bán đắt hàng lắm, làm đến đâu hết đến đấy, cứ xách xuống phố là có người mua. Nhiều nhà trên phố Hàng Mã cũng bán nhưng làm không được tỉ mẩn, đẹp đẽ như nhà mình”.
Song, như nhiều món đồ truyền thống khác, thiên nga bông của cụ Tâm cũng không thể tránh khỏi cảnh nhường sức hấp dẫn cho đồ chơi chạy bằng pin, có đèn nhấp nháy, biết cử động, phát ra âm thanh vui tai.
Lợi nhuận không cao, thu nhập ít mà công sức nhiều, nhiều nhà trên phố Hàng Mã dần bỏ nghề, mỗi mình gia đình cụ Tâm vẫn quyết tâm bám trụ.
“Ai mà học được cái nghề này, lắt nha lắt nhắt từng tí, có mỗi cô con dâu là chịu khó học. Nếu mai kia bà không còn nữa, chả biết còn ai tiếp tục duy trì nghề không”, cụ Tâm nói với vẻ đượm buồn.
“Từ khi quen chú, đến nhà chơi là cô đã thấy yêu thích những giỏ thiên nga bông. Đến khi về làm dâu năm 1988 là cô bắt đầu học nghề”, cô Quách Thị Bắc, con dâu cụ Tâm, kể lại.
Kể từ đó, công việc làm thiên nga của cụ Tâm có thêm người gồng gánh. Mỗi mùa Trung thu, nơi căn gác nhỏ ngổn ngang nào giấy nào bông, hai mẹ con lại quây quần sớm tối bên nhau, cho ra đời những giỏ thiên nga xinh xẻo.
“Thời thế đổi khác, bà cũng buồn nhưng chỉ bảo bán sẽ không chạy như xưa chứ chưa bao giờ có ý định thôi không làm nữa”, người con dâu phụ giúp mẹ chồng suốt hơn 30 năm nay, kể lại.
Khi được hỏi về tương lai liệu còn tiếp tục duy trì nghề này, cô Bắc cũng chỉ biết cười trừ: “Nếu mai này bà không còn thì cũng chưa biết thế nào, không làm nữa thì coi như thất truyền. Đảm đương ngần ấy công đoạn từ đầu đến cuối không phải là chuyện dễ dàng, lại chẳng ai phụ giúp. Thật ra năm nay nhà dự định ngưng nhưng thấy không khí Trung thu rậm rịch quá lại làm, một phần vì nhớ nghề, một phần cho bà vui nữa”.
“Với người già, hay bất kể ai, cái thời đã qua luôn là thời vàng son. Mỗi một thế hệ đều có thời vàng son của họ” - lời như nhà văn Nguyễn Khải viết phần nào đúng với bà Tâm, ông Bản, cô Thoàn hay nhiều lớp người khác từng gắn bó và chứng kiến các món đồ mang đậm phong vị thuần Việt dần mai một, biến mất trong dòng xoáy thị trường.
Nhưng với những người còn nặng tình với giá trị truyền thống, dường như con số năm nay bán ra được bao nhiêu, thu về mấy tiền hàng hay phép giả định “Nếu mai này không còn ai kế nghiệp” chẳng quan trọng bằng việc cố gắng từng ngày lưu giữ lại cái đẹp của một thời quá vãng, hoen màu dần theo thời gian.
Để mỗi mùa trăng rằm, những con người man mác nỗi niềm hoài cổ về Tết Trung thu xưa vẫn có cơ hội tìm lại đôi dấu nét cũ còn đó, như những ánh hồi quang đẹp đẽ, gợi nhớ về thời thơ ấu êm đềm, ngọt ngào của biết bao thế hệ.