Là thành phố tập trung gần như mọi thứ, đối với nhiều người dân xứ kim chi sinh ra ở tỉnh lẻ, "giấc mơ Hàn Quốc" có nghĩa là được gói ghém hành lý đến thủ đô Seoul, cho dù với mục tiêu học hành, sự nghiệp hay đơn giản là tìm kiếm cuộc sống mới, theo Korea Herald.
Thành phố thủ đô, nơi sinh sống của 1/5 dân số Hàn Quốc, là điểm đến mơ ước của nhiều người trẻ khao khát được hòa vào đám đông 10 triệu người nhộn nhịp. Tuy nhiên, khi đã thành công hòa mình vào đó, không ít người lại cảm thấy bị bỏ lại, mắc kẹt.
Áp lực
“Tất cả bạn bè của tôi đều đã trở lại Daegu, về cơ bản, tôi chỉ còn một mình. Dù đã ở Seoul hơn 2 năm, tôi không cảm thấy mình tìm được những người bạn thực sự ở nơi này. Tôi chỉ tự tổ chức tiệc một mình, cố gắng mời ai đó đến chơi và dành cuối tuần ở nhà”, Jeong Eun-ji, nhân viên ngân hàng 32 tuổi, nói.
Jeong cho biết cô đã cố gắng kết bạn mới ở Seoul nhưng hầu như không thành công và chỉ có 2 người bạn trong khu phố và họ không phải lúc nào cũng có thời gian rảnh để tụ tập. Sau giờ làm, cô đã quen với việc dành thời gian ở một mình, lên mạng hoặc đi ngủ sớm.
“Không dễ để tìm bạn ở Seoul. Tôi cũng không muốn trông tuyệt vọng đến mức đến mọi cuộc tụ tập chỉ để kết bạn. Đặc biệt với tình hình dịch Covid-19 như hiện nay, tôi không thể mạo hiểm tham gia các sự kiện xã hội. Giờ, cuộc sống của tôi chẳng khác nào như trên một hòn đảo cô lập".
Nhiều người trẻ Hàn Quốc mệt mỏi vì cuộc sống cô đơn tại Seoul. Ảnh: Nina Ahn. |
Những người cảm thấy cô đơn ở Seoul như Jeong không phải là hiếm. Ở thành phố có hơn một nửa dân số là người ngoại tỉnh, hàng triệu người đang đối mặt các vấn đề tương tự. Mỗi năm, gần 500.000 người lại chuyển đến Seoul sinh sống, có nghĩa là tỷ lệ này ngày càng lớn theo thời gian.
Cứ 5 người ở Seoul thì có 2 người sống một mình. Theo dữ liệu điều tra dân số từ Bộ Nội vụ và An toàn Hàn Quốc, các hộ gia đình chỉ có một người chiếm 42,2% trong số 4,4 triệu hộ của thành phố vào đầu năm nay.
Một cuộc khảo sát năm 2020 của Viện Seoul cho thấy 51% người sống ở thủ đô cảm thấy cô đơn khi tiếp xúc với những người bên ngoài gia đình. Đặc biệt, gần 58% người ở độ tuổi 30 được hỏi có cảm giác này, mặc dù đây là nhóm tuổi được xem là hoạt động xã hội nhiều nhất.
Dù đã tự điều chỉnh để quen với cuộc sống một mình, Jung Ji-yoon (27 tuổi) lao động tự do chuyển từ Busan đến Seoul năm 2014, cũng không tránh khỏi nỗi đau khi đối mặt sự cô đơn trong những năm qua.
Cuộc sống một mình khiến Jung có nhiều thời gian để chăm sóc bản thân hơn song đối với cô, sự quan tâm, lo lắng của các thành viên trong gia đình ở quê mới thật ấm áp. Đôi khi, cô vẫn cân nhắc chuyện chuyển về quê để được gần bố mẹ.
“Sống ở đây gần 8 năm, tôi đã chán nản với việc học, làm việc toàn thời gian. Tôi thực sự nhớ bố mẹ, nhớ cảm giác thư giãn trên bãi biển gần nhà".
Đáng lo ngại
Không có một cuộc sống ổn định kinh tế như Jung, nhiều người trẻ xứ củ sâm còn đang phải vật lộn để tìm việc, chỗ ở trong thành phố đông đúc, đắt đỏ. Không ít người rơi vào trầm cảm.
“Có bằng chứng cho thấy lối sống hiện đại cạnh tranh và xa rời thiên nhiên dễ dẫn đến trầm cảm hơn. Tần suất trầm cảm và tỷ lệ tự tử tăng dù có thu nhập cao hơn cho thấy mối liên hệ giữa trầm cảm và lối sống hiện đại", Shin Yong-wook, giáo sư tâm thần học tại Trung tâm Y tế Asan, cho biết.
Các chuyên gia và quan chức khuyên những người gặp khó khăn về tinh thần đi gặp bác sĩ tư vấn hoặc dùng thuốc. Tuy nhiên, sự kỳ thị xung quanh việc sử dụng các dịch vụ sức khỏe tâm thần vẫn khiến nhiều người trẻ ngại ngần.
Nhiều người Hàn Quốc trầm cảm do áp lực cạnh tranh ở thành phố lớn. Ảnh: Qz. |
Một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế năm 2020 cho thấy 36,8% người dân Hàn Quốc cảm thấy chán nản hoặc trầm cảm, mức cao nhất trong số các quốc gia được khảo sát. Số liệu thống kê năm ngoái cũng cho thấy tỷ lệ tự tử ở nước này là 26,9/100.000 người, cao nhất trong các nước OECD.
Đáng nói, chỉ có 22,2% người được chẩn đoán mắc các bệnh tâm thần sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, theo dữ liệu của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc từ năm 2019.
“Các quan điểm truyền thống Nho giáo coi rối loạn tâm thần là vấn đề chỉ có thể chịu đựng chứ không điều trị được. Điều này khiến nhiều người Hàn Quốc tránh sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần do có thể được xem là liên quan đến sự yếu kém của bản thân”, Park Jee-eun, giáo sư tâm thần học tại Đại học Quốc gia Seoul, kết luận trong một báo cáo năm 2015.