Những người hay khoe khoang về trí nhớ hoàn hảo của mình có lẽ không nên tiếp tục tự tin thái quá. Một nghiên cứu mới trên tạp chí Neuron kết luận rằng việc lãng quên là hoàn toàn bình thường, trên thực tế còn khiến chúng ta thông minh hơn.
Các nhà khoa học Paul Frankland và Blake Richards của Đại học Toronto (Canada) nêu ra luận điểm rằng mục đích của bộ nhớ không phải là truyền tải thông tin chính xác vào mọi thời điểm. Họ cho rằng chúng nhằm tối ưu hóa những quyết định thông minh bằng cách giữ lại những điều quan trọng và bỏ đi những điều không cần thiết.
Các nhà khoa học cho rằng não bộ cần quên đi những chi tiết không cần thiết để ghi đè những ký ức mới phù hợp với hiện tại. Ảnh: Getty Images. |
"Não bộ rất cần quên đi những chi tiết vụn vặt, thay vào đó nên tập trung vào những điều có khả năng giúp chúng ta đưa ra quyết định đúng đắn ở hiện tại", Richards giải thích.
Các nhà nghiên cứu đi đến kết luận sau nhiều năm quan sát dữ liệu trong bộ nhớ, những ký ức mất đi và hoạt động của bộ não ở cả con người và động vật. Chẳng hạn như một nghiên cứu của Frankland áp dụng lên chuột tìm ra rằng khi những tế bào não mới được hình thành trong hồi hải mã - khu vực não có chức năng tiếp nhận thông tin mới, những liên kết mới này sẽ ghi đè lên ký ức cũ và khiến chúng khó tiếp cận hơn.
Việc những ký ức cũ thường xuyên được thay đổi để tiếp nhận cái mới có thể mang lại những lợi ích thực sự đột phá. Chúng cho phép chúng ta thích ứng với tình huống mới bằng cách bỏ qua các thông tin lỗi thời và có nguy cơ gây nhầm lẫn.
"Nếu bạn đang cố gắng thích nghi với thế giới trong lúc bộ não liên tục gợi lại những ký ức tương phản, bạn sẽ rất khó đưa ra quyết định", Richards cho biết.
Não bộ còn giúp chúng ta quên đi những chi tiết cụ thể về các sự kiện trong quá khứ, nhưng vẫn lưu lại bức tranh toàn cảnh. Các nhà khoa học cho rằng chúng tạo cho con người khả năng khái quát kinh nghiệm trước đây và áp dụng tốt hơn vào hoàn cảnh hiện tại.
Một số người thường xuyên quên những điều vừa đọc, người mình vừa gặp hoặc chỗ để chìa khóa. Theo Richards chúng ta nên bớt nghiêm khắc với bản thân ở một mức độ nào đó.
"Bạn không muốn quên mọi thứ, nên việc lỡ quên nhiều hơn mức bình thường có thể gây ra lo lắng. Tuy nhiên, nếu bạn quên đi những chi tiết nhỏ ít khi lặp lại, đó có thể là dấu hiệu cho thấy hệ thống bộ nhớ của bạn hoàn toàn khỏe mạnh và hoạt động đúng chức năng", ông giải thích.