Nếu hết ngày 3/5, phần lớn bạn bè đã bận rộn đi làm trở lại, với Duy Anh (quận Tân Bình, TP.HCM), anh mới bắt đầu lên đường đi du lịch.
Nói với Zing, Duy Anh cho biết chuyến đi chơi không ảnh hưởng đến công việc chính, bởi cấp trên cho phép cả công ty nghỉ thêm 2 ngày.
"Sếp mình tranh thủ dịp này về quê thăm gia đình, ngoài ra cũng tạo điều kiện cho nhân viên có thêm thời gian nghỉ ngơi vì tháng 4 vừa qua, lịch làm việc của team khá dày, mọi người phải chạy deadline hết công suất", anh nói.
Trong kỳ nghỉ lễ vừa qua, một số nhân viên văn phòng chủ động xin nghỉ thêm 2 ngày làm việc trong tuần, giúp họ được nghỉ thông 9 ngày liên tiếp. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Theo lịch nghỉ lễ 30/4 và 1/5 chính thức, người lao động được nghỉ liên tiếp 5 ngày do nối tiếp với ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (từ 29/4 đến 3/5). Tuy nhiên, với một số bạn trẻ, kỳ nghỉ của họ tiếp tục kéo dài đến hết tuần (7/5).
Một số được công ty cho phép nghỉ thêm. Một số chủ động xin nghỉ phép thêm 2 ngày trong tuần để về nhà hoặc đi du lịch. Cộng với 2 ngày cuối tuần, tổng cộng số ngày nghỉ lễ của họ lên đến 9 ngày, dài hơn đợt nghỉ Tết Nguyên đán trước đó. Đến sáng thứ 2 (8/5), họ mới quay trở lại công việc.
Công ty cho nghỉ thêm
Trong hơn một tuần, Duy Anh dành khoảng 2 ngày đầu để giải quyết nốt một số việc cá nhân, thêm 1-2 ngày tiếp theo để ở nhà ngủ bù.
Những ngày còn lại, anh tranh thủ đi chơi để thay đổi không khí. Chuyển vào TP.HCM gần đây, chàng trai gốc Hà Nội chưa có nhiều dịp chơi ở miền Nam vì bận tập trung vào công việc mới. Tận dụng dịp này, anh quyết định tự thăm thú một mình.
"Mình chủ động né đi vào những ngày lễ chính vì nghĩ các địa điểm tham quan, trung tâm du lịch rất đông đúc và đợi đến ngày 4/5, khi phần lớn các nơi đã vắng vẻ hơn", anh cho biết.
Ở lại TP.HCM trong kỳ nghỉ, Duy Anh đạp xe một mình qua một số tỉnh xung quanh. |
Duy Anh chọn tự di chuyển bằng xe đạp tới hai nơi là Bình Dương và Vũng Tàu.
Ngày đầu, anh đạp xe ra núi Châu Thới tại thành phố Dĩ An, Bình Dương. Tổng quãng đường hai chiều hết khoảng 60 km, mất hơn 3 tiếng cả đi cả về. Hôm sau, anh xuất phát từ 5h sáng, xuôi về hướng Nhà Bè, đạp xuống Cần Giờ, bắt phà tới Vũng Tàu, rồi dành một ngày đạp loanh quanh các nơi trong thành phố.
Quay lại TP.HCM vào đúng ngày nắng gắt, nhiệt độ tăng cao khiến Duy Anh phải nghỉ dọc đường, tiếp nước và lau mồ hôi nhiều lần. Khởi hành từ sớm, đến đầu giờ chiều, anh mới hoàn thành quãng đường 80 km để về tới nhà trọ.
Nguyên 2 ngày còn lại, Duy Anh dành để hồi sức, đảm bảo có đủ năng lượng đi làm vào thứ hai.
"Thông thường, các dự án cuốn chiếu liên tục, làm cả vào cuối tuần nên bản thân đã quen với nhịp độ khẩn trương. Việc nghỉ lễ dài có khiến mình cũng sợ bị 'hẫng', mất đà. Hiện tại, mình nóng lòng làm việc lại để nhanh chóng lấy lại tinh thần sau lễ", anh nói.
Kỳ nghỉ của Linh Đào kéo dài hơn với số đông nhưng không có gì thú vị. |
Giống với Duy Anh, công ty cũng cho phép Linh Đào (26 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) nghỉ thêm so với lịch chính thức. Tuy nhiên, cô gái không mấy hứng thú khi biết tin.
Lý do là cô không có kế hoạch đi du lịch xa trong dịp lễ với bạn bè hay gia đình.
Do đó, ý tưởng có 9 ngày chỉ quanh quẩn ở nhà, loanh quanh trong thành phố khiến Linh cảm thấy tẻ nhạt thay vì hấp dẫn, phấn khởi, mặc dù không phải dậy sớm đến công ty vào mỗi sáng.
"Trước đó, mình vừa có mấy ngày nghỉ ốm, rồi mới đi làm được vài hôm lại được nghỉ nguyên tuần", Linh giải thích.
Kỳ nghỉ của cô gái trôi qua khá tẻ nhạt, với lịch trình mặc định sẵn là "ăn và ngủ ở nhà". Ban ngày, có thì giờ ngủ nướng, Linh thường ra khỏi giường khi đồng hồ điểm gần trưa.
"Nhiều thời gian rảnh rỗi, nên bạn bè nào rủ đi cà phê, ăn uống, mình cũng 'nhận kèo' ngay lập tức. Tuy nhiên, con số cũng chỉ có vài lần. Phần lớn, mình vẫn ở nhà chơi điện thoại, xem phim, nhắn tin với hội bạn là chính.
Nhìn mọi người xung quanh kéo vali ra sân bay, check-in ở nhiều nơi, mình có chút chán chường nhưng nhanh chóng qua mau vì bản thân cũng không thích chen chúc vào những chỗ đông người", cô cho hay.
Xin nghỉ phép để đi chơi thêm
Khi biết kỳ nghỉ 30/4 và 1/5 năm nay được nghỉ nhiều, Trần Ngọc (27 tuổi, quận Thanh Xuân) mau chóng lựa chọn, tìm kiếm địa điểm để đi du lịch. Sau một hồi cân nhắc, nữ nhân viên ngành Marketing quyết định đi Đài Loan (Trung Quốc).
"Một là mình chưa có cơ hội đến đảo này lần nào. Hai là du lịch trong nước vào dịp lễ chắc chắn quá tải, còn các nơi khác trong khu vực như Hàn Quốc, Thái Lan cũng sẽ có rất đông du khách Việt bay sang vào dịp đó", cô giải thích.
Quá trình xin visa xong xuôi, đến bước mua vé máy bay, nhận thấy giá vé ở những ngày trước và đầu nghỉ lễ đều cao hơn đáng kể, Ngọc chọn giải pháp lùi ngày khởi hành, tiết kiệm được khoảng 2 triệu đồng.
"Lượt nghỉ phép trong năm mình chưa dùng tới còn khá nhiều, do đó việc xin nghỉ thêm 2 ngày (4-5/5) không gặp khó khăn nào", cô nói.
Ngọc chọn gần hết lễ mới đi du lịch nước ngoài. |
Trung bình, chuyến du lịch Đài Loan 4 ngày 3 đêm tốn 12 triệu đồng. Những ngày khác trong kỳ nghỉ dài hơi, cô chủ yếu ở nhà ngủ, tập đàn, đi chạy bộ thể thao hoặc ngồi quán cà phê tụ tập với hội bạn.
"Về tới nhà, mình có thêm một ngày cuối tuần thảnh thơi. Xả hơi nhiều ngày hơn mọi người, cộng thêm dư âm từ chuyến đi chơi, mình cũng có phần lo lắng việc chưa thể bắt nhịp lại mạch làm việc với năng suất cũ khi mai quay lại văn phòng", Ngọc cho biết.
Còn với Ngọc Châm (25 tuổi, TP Hòa Bình), tận dụng chính sách công ty cho phép làm việc online, cô dành trọn hơn một tuần để về thăm nhà. Từ sau dịp lễ Tết Âm lịch hồi tháng 1, sau gần 4 tháng, cô mới có dịp về quê.
Mấy ngày nghỉ đầu, cô tranh thủ tụ tập với những người bạn đồng hương lâu ngày không gặp. Theo Châm, nếu không tranh thủ hẹn nhau vào dịp mà số đông được nghỉ lễ, sẽ khó hẹn lại vì mỗi người một lịch.
Ngoài ra, các bạn cũng đi làm ở nhiều tỉnh khác nhau, cả năm cũng chỉ gặp gỡ được vài lần. Theo thói quen, cả hội cùng đi picnic bên bờ sông, nướng thịt và ăn nhậu cùng nhau.
"Lần thứ hai trong năm có kỳ nghỉ kéo dài hơn cả Tết, điều mình thấy lợi nhất là quỹ thời gian bên người thân tăng lên đáng kể. Dù những ngày sau, mình vẫn phải túc trực bên điện thoại, laptop trong lúc phụ giúp cha mẹ nấu cơm, làm việc nhà, cảm giác nghỉ lễ lần này vẫn trọn vẹn, hạnh phúc trước khi bắt xe quay lại Hà Nội", cô nói.
Nhóm bạn của Châm đi picnic cùng nhau. |
Niềm vui và nỗi buồn của công việc |
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.