Luo Yufei (28 tuổi) từng là giám đốc sản phẩm của một công ty công nghệ giáo dục Trung Quốc cho đến khi mất việc vào tháng 7 năm nay. Thay vì tìm việc mới, anh bắt đầu dành cả buổi tối để đi lang thang khắp Bắc Kinh để tìm kiếm những món hàng có giá trị bị bỏ lại trên vỉa hè.
“Đường phố chứa đầy những món hàng còn sử dụng được nếu bạn biết tìm ở đâu và khi nào nên tìm”, Luo nói với China Project.
Ở Bắc Kinh, Luo là một trong những người sớm tham gia trào lưu “khom lưng bới rác tìm vàng”. Trào lưu này cộng với xu hướng mua bán đồ cũ đang ngày càng có đông người trẻ Trung Quốc đón nhận.
Cuộc sống hiện tại của Luo Yufei: ban ngày đi làm, đến tối đi lùng sục các bãi rác. |
Quá tốt để vứt đi
Trong một chuyến đi gần đây vào tháng trước, Luo đạp xe đến khu Wudaoying Hutong, một con hẻm được cải tạo trở thành điểm mua sắm cho giới trẻ Bắc Kinh.
Giữa các quán cà phê, cửa hàng và các tòa nhà dân cư, Luo tìm thấy một hộp trang sức bằng gỗ sồi có lót nhung và một chiếc gương bên trong, bị vứt đi vì có vết nứt. Món đồ thứ hai là một kệ để đồ màu trắng, phù hợp chứa sách.
Món hời lớn nhất trong đêm đó là một cặp ghế bành bằng gỗ cẩm lai cổ của Trung Quốc. “Quá tốt để bị vứt bỏ”, Luo tự nghĩ.
Sau nửa tiếng chờ đợi xem chủ nhân của cặp ghế có xuất hiện không, anh chụp lại đồ vật này và rao bán trên trang cá nhân, cùng chú thích “Khá nặng, tình trạng tương đối tốt”.
Vài giờ sau, một trong số người theo dõi đến mua và mang món đồ về nhà.
Đào bới đồ bỏ đi từ lâu đã là một nét văn hóa ở New York (Mỹ), nơi người khác tình cờ thấy một món đồ bỏ trên vỉa hè và đem về sử dụng là điều được số đông chấp nhận.
Sau khi một cặp vợ chồng ở Big Apple mở trang nói riêng về công việc này vào năm 2019, xu hướng này dần xuất hiện ở Amsterdam (Hà Lan), Toronto (Canada). Đến năm nay, nó được đón nhận bởi lớp người trẻ Trung Quốc.
Cặp ghế gỗ Luo tìm thấy trong một lần lùng sục các khu phố "săn rác". |
Luo lần đầu biết đến chuyện đi thu thập phế liệu và đồ cũ từ hồi tháng 8, sau khi anh xem bài đăng của Mikiko ở Thượng Hải, một người cũng đang “khom lưng tìm rác”.
“Nó ngay lập tức thu hút sự quan tâm của tôi”, Luo nói. Tự gọi mình là “người yêu thích tiết kiệm” và “người nhặt rác lành nghề”, Luo cho biết từng nhiều lần đi bới rác, sàng lọc chai lọ và các vật dụng khác để kiếm tiền tiêu vặt khi còn là thiếu niên.
Với hy vọng mang văn hóa này đến đông người hơn, Luo đã tạo ra một trang có tên StoopingBeijing, nơi anh ghi lại những phát hiện của mình và lập bản đồ các địa điểm có nhiều đồ cũ dựa trên đóng góp của cộng đồng.
Luo cho biết nhiều món tìm được có chủ nhân là những người thuê nhà ở Bắc Kinh. Họ là nhóm có xu hướng di chuyển nhiều nơi do những thay đổi trong nghề nghiệp hoặc tình hình nhà ở của họ.
“Tôi từng đối mặt với nỗi lo lắng không biết phải làm gì với đồ đạc của mình khi dọn ra khỏi căn hộ cũ. Nhiều người đơn giản để lại những thứ họ không muốn mang đi cho chủ nhà xử lý”.
Mikiko (Thượng Hải) bên cạnh chiếc sofa cô tìm thấy. |
Rác của người này, món hời của người khác
Trong ngôi nhà 3 tầng của Wu Kaisi ở ngoại ô Quảng Châu, hầu hết đồ đạc – bao gồm nệm, đi văng, rèm cửa – đều được vứt chỏng chơ ngoài lối đi.
Tốt nghiệp ngành Luật tại một trường đại học danh tiếng ở đông nam Trung Quốc, Wu lần đầu tiên chứng kiến thói quen “bới rác tìm vàng” trong một chuyến đi đến Mỹ vào năm 2015.
Tại Long Beach (bang California), Wu phát hiện một chiếc tủ lạnh đặt ngoài lề đường và dán nhãn “miễn phí”.
“Tôi bị sốc. Thật không thể tin nếu có ai đó ở Trung Quốc lại để một món đồ còn khá đẹp đẽ ra ngoài vỉa hè cho người khác lấy tùy thích. Nếu bỏ đi món nào mà họ vẫn thấy có giá trị, họ sẽ bán lại cho những người thu mua đồng nát để kiếm thêm một khoản tiền nhỏ”, Wu kể lại.
Sau khi trở về Quảng Châu, anh theo lối sống tối giản, không mua gì mới ngoài đồ lót. Tốt nghiệp, Wu quyết định biến sở thích “bới rác” thành công việc. Hiện, anh sở hữu 2 cửa hàng thu mua phế liệu và bán đồ cũ ở Phật Sơn và Quảng Châu.
Wu nói: “Những người theo dõi tôi bao gồm người tiêu dùng có ý thức về môi trường, người trẻ tuổi muốn trở thành một phần của xu hướng và những người không có khả năng mua sắm đồ mới. Mẫu số chung là họ đang tìm cách tiết kiệm tiền".
Những món đồ có giá trị hoặc còn công năng sử dụng, song chủ nhân cũ đã không còn nhu cầu dùng và vứt ra đường, lại trở thành những thứ mà người trẻ muốn sắm sửa, mua về. |
Với những người đi săn rác như Wu và Luo, “đối thủ lớn nhất” trong việc thu thập các loại “rác giá trị” là đội ngũ công nhân ở thành phố.
Để tránh cạnh tranh, Wu thường thực hiện các chuyến đi khắp tuyến phố từ 0-4h sáng, trước khi các nhân viên vệ sinh công cộng bắt đầu đi làm vào sáng sớm.
Các điểm đến tìm kiếm hàng đầu ở Quảng Châu bao gồm các khu phố lịch sử như quận Yuexiu, nơi Wu Kaisi cho biết “rất dễ phát hiện đồ nội thất cổ bị vứt ra ngoài vì những vết bẩn nhỏ hoặc các vấn đề có thể sửa chữa khác”. Một nơi khác là khu trung tâm thương mại Tianhe, nơi “nhân viên văn phòng thường vứt những món có giá trị vào thùng rác”.
Đối với Luo ở Bắc Kinh, cuối ngày là thời điểm thích hợp để săn lùng “kho báu bị bỏ hoang”, khi anh đi làm về và có thời gian tìm kiếm. Về vị trí, Luo thích "bới rác" các khu mua sắm thời thượng.
Trong các túp lều hoặc những con ngõ hẹp có sân ở trung tâm thành phố Bắc Kinh, anh phải cẩn thận tránh động vào tài sản của cư dân địa phương, dù nhìn chúng giống đồ bỏ đi đến đâu.
“Nhiều cư dân cao tuổi thường để ghế bên ngoài nhà để tiện nói chuyện. Nếu nhìn thấy 4 chiếc ghế đặt cạnh nhau, tôi biết đó là những món đồ vẫn có người dùng. Ngược lại, những thứ đặt gần thùng rác hoặc nhà vệ sinh công cộng thường tùy ý cho người khác lấy mà không có vấn đề gì”.
Wu đã dành 7 năm để cố gắng xây dựng văn hóa chợ đồ cũ ở Trung Quốc. |
Tiết kiệm là thượng sách
Trong năm qua, Trung Quốc đã phải đối mặt với tình trạng đóng cửa thành phố nhiều lần và kéo dài vì dịch bệnh, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên và sự sụt giảm tài sản ngày càng trầm trọng.
Ví tiền lẫn tâm lý của người tiêu dùng đều đi xuống, buộc mọi người phải suy nghĩ lại về chiến lược chi tiêu và tiết kiệm của họ.
Dân văn phòng mới đi làm eo hẹp về kinh tế đã chọn từ bỏ ăn hàng, dừng dùng các dịch vụ làm đẹp bên ngoài, thậm chí cả cắt tóc. Trên mạng, các video khoe lối sống giàu có từng có đông người xem giờ trở nên lạc lõng với thực tế.
Thay vào đó, những người chia sẻ các mẹo, thủ thuật tiết kiệm tiền lại có lượng người theo dõi đông dần lên.
Victoria Ma, một nhà văn tự do 25 tuổi ở Thượng Hải, đã mua một chiếc ghế sofa từ cửa hàng đồ cũ vào tháng 8, giúp tiết kiệm hàng trăm tệ.
Nữ nhà văn gọi mình “người thụ động” bởi thay vì lùng sục trực tiếp, cô thích lên các diễn đàn do Luo và Wu lập ra rồi mua lại hơn.
Khi không đi “săn rác”, Lu quản lý một nhóm chat gần 4.000 thành viên có chung sở thích.
Về lý thuyết, nhóm này được xây dựng để những người tham gia chia sẻ ảnh kèm theo địa chỉ để ai có nhu cầu có thể đi lấy về những thứ phát hiện được. Trên thực tế, chúng hoạt động giống chợ trời trực tuyến, nơi người dùng có thể mua và bán các loại mặt hàng.
“Phần lớn là những người muốn bán những món đồ không cần thiết với giá chỉ bằng một phần nhỏ so với giá ban đầu. Một số người hào phóng sẽ tặng đồ miễn phí”, Luo nói.
Một số quy tắc cơ bản được thiết lập như không buôn bán động vật nuôi. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với các nguyên tắc của Luo. Những lời phàn nàn phổ biến nhất mà Luo nhận được là về những người mua có đòi hỏi không thực tế.
“Họ đăng tin tìm người đi ‘săn rác’ giúp máy ảnh và xe máy điện, những thứ chắc chắn không hề rẻ”, anh nói.