Những người tình của Trịnh Công Sơn
Người đẹp Lưu Thị Kim Đính thời xuân xanh, một trong những nhan sắc Huế được Trịnh Công Sơn chú ý |
Ngoài nàng Diễm đã được nhiều người biết tới, vẫn còn rất nhiều mỹ nữ khác chưa được nêu tên.
Nàng Dao A.
Nếu như nhân vật Diễm trong Diễm xưa đã từng được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tự bạch: “Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường Đại học Văn khoa ở Huế... Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường. Từ ban công nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận... Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là "Diễm của những ngày xưa".
Khác với cách nói mơ hồ của Trịnh Công Sơn, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, cho rằng: “Diễm xưa của Trịnh Công Sơn chính là cô Bích Diễm, con gái thầy Kh. - người Hà Nội, dạy Pháp văn tại trường Đồng Khánh và trường Quốc Học Huế. Bích Diễm giống bố, người dong dỏng cao, nét mặt thanh tú, bước đi thong thả nhẹ nhàng... Trịnh Công Sơn trút hết nỗi lòng yêu Diễm vào bài Diễm xưa như sau này Sơn đã kể lại nhiều lần”.
Nhưng theo Nguyễn Đắc Xuân, bên cạnh nhan sắc Diễm xưa còn có một thiếu nữ khác gắn bó với nhạc Trịnh mà ít ai biết, đó là nàng Dao A. “Những lúc Trịnh Công Sơn đến nhà Diễm, thì Dao A. - em gái của Diễm còn là một cô bé, nhỏ hơn Diễm đến bốn năm tuổi, chạy loăng quăng theo chị. Không ngờ chỉ mấy năm sau Dao A. trở thành một thiếu nữ xinh đẹp với khuôn mặt bầu bĩnh, dễ thương khác thường. Với cái cầu đã bắc từ hồi yêu Bích Diễm, nói như Đinh Cường “Sơn lại da diết với cái dáng vẻ khoan thai, áo lụa vàng của Dao A. để rồi thất vọng, để rồi...”.
Nga Mi - người đẹp trong gia đình bốn chị em tên Mi, cũng từng “gắn bó” với Trịnh Công Sơn (Ảnh do nhà văn Bửu Ý cung cấp) |
Khác với những lần yêu trước, thất vọng về Dao A., Trịnh Công Sơn không bắt nhạc của anh phải mang cái gánh thất tình của anh. Không ngờ hai mươi năm sau, trải qua bao nhiêu dâu bể, từ bên Mỹ, Dao A. trở về VN tìm Trịnh Công Sơn. Không rõ Dao A. nói gì với Sơn, và còn gì nữa không, mà anh đã rất hài lòng với thực tại. Chính Dao A. là cảm hứng cho Trịnh Công Sơn viết: “Hai mươi năm xin trả nợ dài/Trả nợ một đời em đã phụ tôi” (Xin trả nợ người). Trong hai mươi năm ấy, Dao A. đã có gia đình, đã hiểu rõ cuộc đời, nên “hết phụ” tình Trịnh Công Sơn. Như Đinh Cường đã viết: “Tháng cuối cùng trước khi Sơn mất, Dao A. về thăm, suốt tuần sáng nào A. cũng đến ngồi trên chiếc xe lăn của Sơn, chỉ còn biết nhìn Sơn, cho đến chiều tối mới về nhà.”
Nguyệt trong Nguyệt ca
Những năm tháng ở Huế, ngoài Bích Diễm, Dao A., Nga Mi như đã nói, Trịnh Công Sơn còn “gắn bó” với một nữ sinh Đồng Khánh đẹp thâm nghiêm, quý phái của nét gia phong nơi phủ đệ ngày trước. Cô gái con nhà khuê các tên Minh Nguyệt ở bên kia thôn Vỹ. Lật cuốn album cũ, nhà văn Bửu Ý đã chỉ cho tôi tấm hình đen trắng của người đẹp quý phái này. Tấm hình được lưu giữ cẩn thận hơn ba chục năm qua nhưng vẫn còn giữ được một nét đẹp Huế nền nã. Người nữ sinh Đồng Khánh trong khuôn hình chụp bán thân với vành nón lá rộng. Nét mắt tròn đầy một nét đẹp thanh tú. Bửu Ý kể, trong số những người đã từng “phải lòng” Trịnh Công Sơn, nàng là người mà Sơn yêu sâu sắc nhất. Đó là một tình yêu kín đáo, không mang bóng dáng của nỗi khát khao chiếm đoạt. Chính người con gái này mà Trịnh Công Sơn đã có những ca khúc yêu đương rạo rực:
“Từ khi trăng là nguyệt đèn thắp sáng trong tôi
Từ khi trăng là nguyệt em mang tim bối rối
Từ khi trăng là nguyệt tôi như từng cánh diều vui
Từ khi em là nguyệt trong tôi có những mặt trời
.....
Từ trăng thôi là nguyệt tôi như đường phố nhiều tên
Từ em thôi là nguyệt tôi xin đứng đó một mình”
(Nguyệt ca)
Nhà văn Bửu Ý cho biết, ngoài những người đẹp để lại dấu ấn trong đời và nhạc Trịnh Công Sơn như trên còn có những người đẹp thoáng qua như Cao Thị Phố Châu, Lưu Thị Kim Đính, Hà Thị Như Nguyện... Những người đẹp này không chỉ được Trịnh Công Sơn chú ý mà hầu như thanh niên trí thức cả thành phố Huế hồi đó cũng đều để lòng theo đuổi.
Theo Thanh Niên