Chiều cuối tháng Chạp, Thu Hoài, sinh viên năm thứ ba, ĐH Công nghiệp Hà Nội, vội vã trở về từ chỗ làm thêm, sắp xếp đồ đạc để về quê ăn Tết. Hành lý của Hoài không khác gì thường ngày bởi với cô bạn, lần về này cũng như bao đợt nghỉ khác, dù rằng đây là ngày lễ quan trọng nhất trong năm.
“Ngoài này, đường phố rợp đào còn có chút không khí Tết. Ở quê em, Tết nhạt lắm”, Hoài chia sẻ.
Nỗi lo Tết “nhạt”
Những đứa trẻ quây quần bên nồi bánh chưng. Các bà các mẹ tất bật sửa soạn nhà cửa. Những phiên chợ Tết đông đúc, ngập tràn tranh Tết, câu đối đỏ. Đàn em nhỏ xúng xính váy áo mới. Tất cả dường như trở thành ký ức xa xôi.
Huấn luyện viên thể hình Hana Giang Anh cùng các sinh viên Ngoại thương tưởng tượng về Tết của nghìn năm sau. Ảnh: BTC. |
“Em không biết do mình trưởng thành, mất đi niềm vui đón Tết như lúc nhỏ hay do nhịp sống quá nhanh, khiến mọi người quên mất Tết nữa”, Thu Hoài trầm ngâm khi nói về thái độ lạnh nhạt với Tết cổ truyền.
Những năm gần đây, không chỉ Thu Hoài, nhiều người trẻ không còn mặn mà với Tết. Với họ, Tết lặng lẽ về kiểu “đến hẹn lại lên”, không còn mong chờ, háo hức.
Không ít người cảm thấy hụt hẫng khi Tết dần mất vị trí trong đời sống văn hóa của người trẻ. Họ hoài niệm Tết nhưng lại chưa biết làm thế nào để lưu giữ nét đẹp cổ truyền này.
Nắm được tâm lý đó, các bạn trẻ trong Câu lạc bộ Truyền thông ĐH Ngoại thương Hà Nội (YMC) lên ý tưởng và thực hiện chương trình "Đánh thức Tết - để Tết không còn là hoài niệm".
Năm 2017, chiến dịch được khởi động. Các 9X đời cuối hy vọng chương trình có thể giúp sinh viên nhận thức giá trị của Tết hiện tại, chủ động tận hưởng, nâng niu, giữ gìn những giá trị truyền thống theo cách riêng của người trẻ.
Thành viên YMC hy vọng Tết không chỉ đẹp trong hoài niệm mà thú vị hơn trong mắt người trẻ thời nay. Trong năm đầu tiên tổ chức, chương trình tập trung thể hiện thông điệp “đừng để Tết là hoài niệm”.
Năm thứ hai, chiến dịch chọn chủ đề “có công nghệ, Tết trọn niềm vui”, nhằm nhắn nhủ người trẻ tận dụng công nghệ để đón Tết thêm ý nghĩa, thay vì đổ lỗi nó làm Tết nhạt.
Năm 2019, "Đánh thức Tết" trở lại với chủ đề "Tết thời đại". Bên cạnh clip lan tỏa tinh thần đón Tết, YMC còn xây dựng không gian Tết qua 3 thời kỳ bao cấp - hiện tại - 1.000 năm sau để sinh viên đến gần hơn với Tết cổ truyền.
“Đánh thức Tết 2019" mong muốn truyền đi thông điệp “Cuộc sống thay đổi nhưng Tết vẫn ở đó, vẫn giữ lại giá trị truyền thống”, Thu Thủy - Trưởng ban tổ chức - chia sẻ.
Tết thời bao cấp - hiện tại - nghìn năm sau
Thủy thừa nhận “đánh thức” Tết chưa bao giờ dễ. Những sinh viên trẻ có đủ nhiệt tình nhưng nếu chỉ dựa vào khát vọng, họ không thể hướng giới trẻ về Tết. Vì vậy, trong mỗi năm, YMC lại phải tìm ra ý tưởng, thông điệp và cách thực hiện sao cho sinh viên trong trường cũng như các bạn trẻ trường khác cảm thấy hứng thú.
Trong khi đó, mỗi độ xuân về, các nhãn hàng lớn cũng tập trung làm chiến dịch hướng tới Tết đoàn viên, sum vầy. Chương trình của YMC bắt buộc phải có hướng đi riêng để chiều lòng các bạn trẻ khó tính.
"Tết thời đại" giúp sinh viên trở lại không khí đón năm mới thời bao cấp. Ảnh: BTC. |
Năm nay, sau khi xác định chủ đề, những sinh viên nặng lòng với Tết cổ truyền lại phải tất bật tìm hiểu về văn hóa đón Tết của các thế hệ trước. Thu Thủy cùng các thành viên khác hy vọng có thể giúp người trẻ đến gần hơn với Tết trong quá khứ để tận hưởng Tết hiện tại và giữ được khát khao, mong chờ với Tết tương lai.
Nữ sinh kể để tái hiện không khí xuân về thời bao cấp, nhóm phải tra cứu rất nhiều bài báo, hỏi tìm tư liệu từ bố mẹ, ông bà. Việc đưa ra hình ảnh hình dung Tết tương lai cũng không hề dễ bởi mỗi người lại có một cái nhìn riêng về 1.000 năm sau.
Để lan tỏa chương trình tới giới trẻ, ban tổ chức còn kỳ công làm clip, loay hoay chọn diễn viên, tìm địa điểm đúng với tinh thần và không khí Tết thời đại. Với YMC, đây cũng là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của "Đánh thức Tết" năm nay.
Thu Thủy kể theo lịch, nhóm đăng clip lên fanpage vào ngày 20/1. Hôm đó, Thủy cùng các bạn ngồi làm video ở một quán cà phê ở Tây Hồ, Hà Nội. Đến 22h, nhóm bị “đuổi” ra nhưng vẫn cố đứng trước cửa quán đến 23h30 để dùng ké Wi-Fi.
Thế nhưng, clip vẫn chưa xong. Nhóm nhất quyết đăng trước 24h. Wi-Fi không đủ mạnh, nhóm trẻ YMC lại phóng xe đi tìm quán. Một người ngồi phía sau, giữ máy, chờ xuất video. Đúng lúc pin chỉ còn 4%, nhóm may mắn tìm được một quán bún, vội tạt vào, sạc pin và đăng clip kịp giờ.
Cuối cùng, sau nỗ lực của YMC, chương trình thu hút hàng nghìn bạn trẻ quan tâm. Những dòng bình luận khen ngợi hay một vài câu chia sẻ về Tết của sinh viên trên fanpage đều là sự ghi nhận cho khát vọng “đánh thức” Tết cổ truyền của các bạn trẻ trong Câu lạc bộ Truyền thông ĐH Ngoại thương Hà Nội.
“Cách đón Tết qua mỗi thời đổi thay là điều tất yếu. Nhưng bản thân Tết luôn không thay đổi. Đây luôn là dịp để người ta gặp gỡ, sum vầy sau một năm bôn ba. Bởi vậy, tôi mong mỗi bạn trẻ trân trọng, tận hưởng khoảnh khắc ở cùng người thân yêu, chọn cho mình cách đánh thức Tết riêng, sống đúng với giá trị của Tết cổ truyền”, Thu Thủy nhắn nhủ.