Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những người trẻ ở TP.HCM sáng đi làm, tối ở nhà trong ngày lễ

Dịp lễ nhưng không khác ngày thường là bao khi mỗi sáng Quang Đức vẫn tới công ty làm việc, tối đến thì trở về nhà hoặc đi cà phê, ăn uống loanh quanh trong thành phố.

Trong các ngày lễ giỗ Tổ năm nay, Đoàn Quang Đức (27 tuổi) đều có lịch trực tại một dự án xây dựng ở Thuận An, Bình Dương mà công ty anh đang đảm nhận.

"Một phần vì tính chất công việc trong ngành xây dựng, phần nữa vì các anh em đồng nghiệp đều ở xa gia đình, tôi không có kế hoạch du lịch đợt này nên nhận làm thêm. Hơn nữa, làm ngày lễ, lương sẽ được nhân hệ số theo quy định và cũng được công ty quan tâm, hỗ trợ nhiều", Quang Đức nói với Zing.

Đi chơi, du lịch trong và ngoài nước luôn là lựa chọn hàng đầu của giới trẻ trong các đợt nghỉ lễ dài ngày. Tuy nhiên, cũng có những người chỉ muốn ở nhà, dạo quanh thành phố hoặc đi làm vào dịp này.

Nhiều người lo ngại cảnh đông đúc, chen lấn tại các điểm du lịch, trong khi số khác vướng bận công việc hoặc đơn giản muốn tận hưởng những ngày không cần báo thức, chẳng lo tắc đường.

di lam ngay le anh 1

Biển Vũng Tàu kín người trong ngày đầu kỳ nghỉ lễ giỗ Tổ. Ảnh: Quỳnh Danh.

Làm việc xuyên lễ

Đợt giỗ Tổ năm nay không phải lần đầu tiên Quang Đức làm việc xuyên lễ. Cách đây 3 năm anh từng đi công tác ở đảo Phú Quốc (Kiên Giang) vào đúng dịp 30/4, 1/5.

"Đôi lúc nhìn bạn bè đăng ảnh đi chơi, tôi cũng thấy khá ganh tị, hơn hết là buồn vì không được ở bên cạnh những người thân yêu. Nhưng công việc không thể bỏ lại được. Mọi người làm chung phải chia ra, đợt này mình trực thì kỳ lễ sau lại được nghỉ bù".

Lễ 30/4, 1/5 sắp tới, Đức dự định về quê ở Quảng Trị để thăm gia đình. Tết Nguyên đán đầu năm nay, anh đã chọn ở lại thành phố, thực hiện chuyến trekking Tà Năng - Phan Dũng trong vòng 2 ngày.

"Cảm giác được du lịch, trekking trở lại sau một thời gian dài ngưng trệ vì dịch bệnh thực sự rất tuyệt. Đi du lịch ngày lễ chắc chắn không thể tránh được cảnh đông đúc, lộn xộn, nhưng khó chịu hay thoải mái thì còn tùy vào lựa chọn, cảm nhận của mỗi người. Với tôi, những chuyến du lịch trong các dịp lễ trước đây đều không phải là trải nghiệm quá tệ".

Tương tự Quang Đức, Huỳnh Thị Tuyết Vy (26 tuổi) cũng chỉ đi làm và ở nhà trong các ngày nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương.

"Trong ngày đầu, mình cố làm xong công việc cho kịp deadline, tiếp đến là nghỉ ngơi, cày phim, dọn dẹp nhà cửa".

Nhưng năm trước, Vy cũng từng du lịch, về quê trong các ngày lễ. Tuy nhiên, hầu hết đều là những trải nghiệm không mấy vui vẻ.

"Đi chơi mùa lễ thì đến đâu cũng phải chen chúc vì quá đông khách du lịch. Hơn nữa, giá tàu xe, phòng ốc, dịch vụ ngày lễ thường đắt đỏ. Tất cả khiến tôi không hài lòng. Đi chơi mà cảm giác kém vui nên quyết định ở nhà vẫn là đúng đắn nhất", Tuyết Vy chia sẻ.

Chỉ thích du lịch ngày thường

Sau thời gian dài không được thoải mái đi đây đi đó, khách có nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, trekking đều gia tăng, tạo nên xu hướng "du lịch trả thù" hậu Covid-19.

Năm nay, các đợt nghỉ lễ giỗ Tổ, 30/4 và 1/5 được quan tâm hơn cả khi ngành du lịch vừa mở cửa bình thường trở lại sau 2 năm "đóng băng" do dịch bệnh.

Trong khi hầu hết bạn bè, đồng nghiệp đều đã lên kế hoạch du lịch từ 2-3 tháng trước lễ, Phạm Thị Thu Hà (29 tuổi) vẫn khá bình thản. Gần 5 năm qua, gia đình cô luôn ở lại TP.HCM trong tất cả các đợt lễ, trừ Tết Nguyên đán.

"Trước dịch, một năm, chúng tôi du lịch 1-2 lần, nhưng không bao giờ đi đúng vào ngày lễ. Những đợt như giỗ Tổ, 30/4, 1/5 hay 2/9, gia đình tôi chỉ tổ chức ăn uống, vui chơi tại nhà, tránh phiền phức khi ra ngoài".

di lam ngay le anh 4

Nhiều người không du lịch, đi chơi ngày lễ vì ngại cảnh đông đúc. Ảnh: Duy Hiệu.

Thu Hà cho rằng du lịch ngày lễ không phải xin nghỉ phép, cũng ít khi vướng bận công việc trong lúc đi chơi. Tuy nhiên, nhược điểm là mọi nơi đều đông đúc, dịch vụ thì đắt đỏ.

"Một chuyến du lịch dịp lễ nếu không tính toán cẩn thận có thể đắt gấp 2-3 lần ngày thường. Chưa kể đi đâu cũng phải xếp hàng, mòn mỏi chờ đợi".

Thanh Phong (26 tuổi) dự định du lịch Đà Nẵng, Hội An vào ngày 16-19/4. Các năm trước, anh cũng thường đi chơi trước hoặc sau lễ để tiết kiệm chi phí và có được trải nghiệm tốt nhất.

"Nếu muốn du lịch lễ, bạn phải đặt vé, book phòng trước vài tháng. Nhưng vì tôi hay có công việc phát sinh nên không thể lên kế hoạch sớm như vậy. Đi chơi ngày thường sẽ phải tính vào nghỉ phép nhưng lại rất thoải mái, an toàn".

Phong cho biết anh sẽ dành cả hai kỳ nghỉ lễ trong tháng 4 chỉ để "ăn và ngủ ở nhà". "Tôi quan niệm cuối tuần hay ngày lễ là dịp để nghỉ ngơi, làm bất kỳ điều gì mình thích để nạp lại năng lượng. Ở nhà hay đi chơi cũng được, miễn là bạn cảm thấy thích thú".

Du lịch Hội An, Huế, Nha Trang nhưng chỉ để đổi chỗ ngủ

Không có nhu cầu check-in “sống ảo” hay gặp thời tiết bất lợi, nhiều người trẻ biến chuyến du lịch của mình thành dịp nghỉ ngơi, thay đổi không gian trong vài ngày.

Huệ Lâm

Bạn có thể quan tâm