Có nguồn gốc từ Đông Nam Á, Ấn Độ và Trung Quốc, gừng là thành phần không thể thiếu trong chế độ ăn uống của một số nước, trong đó có Việt Nam. Loại gia vị này được đánh giá cao nhờ vị thơm cay nồng sử dụng nhiều trong ẩm thực và dược liệu.
Gừng là loại thực phẩm, dược liệu phổ biến ở các nước châu Á. Ảnh: Taste of Home. |
Theo BBC Goodfood, 10 g gừng tươi có 4 calo, 2 g chất đạm, 1 g chất béo, 8 g carbohydrate, 2 g chất xơ, 42 mg kali. Dưới đây là các tác dụng của gừng:
Giảm nhẹ các triệu chứng cảm lạnh
Trà gừng là lựa chọn tuyệt vời khi một người bắt đầu có biểu hiện cảm lạnh. Khi uống, người bệnh sẽ toát mồ hôi, do đó có thể hỗ trợ điều trị các tình trạng sốt do cúm hoặc cảm lạnh. Gừng tươi có thể có tác dụng kháng virus.
Làm dịu cơn buồn nôn và ốm nghén
Gừng được ghi nhận làm giảm các triệu chứng liên quan đến say tàu xe bao gồm chóng mặt, buồn nôn, nôn và đổ mồ hôi lạnh. Tác dụng này cũng tốt cho những người vừa trải qua phẫu thuật và chứng buồn nôn liên quan đến hóa trị nhưng cần phải nghiên cứu thêm.
Gừng đã được sử dụng rộng rãi để điều trị chứng buồn nôn và nôn do ốm nghén nhẹ. Tuy nhiên, các sản phụ nên trao đổi với bác sĩ để đảm bảo rằng gừng phù hợp với thể chất của mỗi người.
Chống viêm, giảm đau
Trong gừng có các chất chống viêm giúp tăng cường đặc tính chữa bệnh như giảm triệu chứng viêm khớp. Gừng chứa các thành phần hoạt tính như gingerol tạo nên hương thơm và mùi vị độc đáo. Đây là hợp chất có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp giảm stress oxy hóa, từ đó giảm lượng gốc tự do dư thừa trong cơ thể.
Hợp chất chống viêm mạnh này cũng giúp những người bị viêm xương khớp hoặc viêm khớp dạng thấp giảm mức độ đau và cải thiện khả năng vận động.
Gừng có thể chế biến thành trà uống tốt cho hệ tiêu hóa. Ảnh: Cleveland Clinic. |
Tốt cho hệ tiêu hóa
Chứng khó tiêu do quá trình làm rỗng dạ dày bị chậm. Nghiên cứu cho thấy, những người ăn gừng mất khoảng 12 phút để dạ dày trống rỗng so với 16 phút ở người bình thường.
Gừng thúc đẩy việc loại bỏ khí dư thừa khỏi hệ tiêu hóa, có tác dụng làm dịu đường ruột. Loại gia vị này đặc biệt tốt với trường hợp đau bụng do bất ổn tiêu hóa.
Hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Một số nghiên cứu trên động vật ghi nhận gừng có thể kiểm soát mức cholesterol, giảm tổn thương động mạch và hạ huyết áp - tất cả đều có lợi cho tim và hệ tim mạch.
Những người không nên ăn gừng
Gừng được coi là loại thực phẩm an toàn đối với đa số mọi người. Tuy nhiên, gừng còn là một loại thảo mộc mạnh có tác dụng dược lý, có thể không phù hợp với một số người, bao gồm:
- Người có tiền sử sỏi thận chứa oxalat.
- Những người thường xuyên bị ợ chua, trào ngược axit.
- Những người huyết áp thấp hoặc đang dùng thuốc huyết áp.
Cuốn sách Ăn gì, khi nào của các tác giả Michael Crupain, Michael Roizen, Ted Spiker khám phá điểm giao thoa giữa “ăn cái gì” và “ăn khi nào”, phân tích tỉ mỉ cách thức những thực phẩm lành mạnh nhất tương tác với cơ thể bạn tùy thuộc vào thời điểm bạn ăn chúng, từ đó đưa ra một kế hoạch chi tiết giúp bạn có phương án ăn uống tối ưu mỗi ngày.