Ba năm trước, Chris Maury, 27 tuổi, nhận ra rằng làm việc với màn hình máy tính ngày càng trở nên khó khăn với đôi mắt của mình. Sau khi đi khám, Maury được chuẩn đoán mắc căn bệnh di truyền hiếm gặp: thoái hóa điểm vàng. Căn bệnh này làm anh dần dần mất tầm nhìn và dẫn tới mù lòa. Hiện nay, chưa có phương pháp đặc trị, theo tính toán có khoảng 10.000 người mắc căn bệnh hiếm gặp này.
Chris Maury với người bạn Isabel Arreola. Ảnh: Venturebeat. |
Một năm sau đó, Maury quyết định bỏ công việc và chuyển đến sống ở Pittsburgh (thành phố lớn thứ 2 ở tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ) để phát triển công nghệ cho cộng đồng người khiếm thị: Dự án phát triển các ứng dụng trên iPhone cho người khiếm thị.
Maury là một người dùng iOS trung thành và cũng là nhà phát triển ứng dụng trên nền tảng iOS. Theo thống kê tại Hoa Kỳ có khoảng 60% người khiếm thị sở hữu các thiết bị của Apple. Các thiết bị của "Quả táo" rất thân thiện với cộng đồng người khiếm thị. Với tính năng: VoiceOver (giúp người dùng tương tác với thiết bị ngay cả khi họ không nhìn thấy màn hình, đọc cho bạn những gì hiển thị trên màn hình và sử dụng số ngón tay để tương tác với màn hình cảm ứng).
Android cũng đang cải thiện dịch vụ của mình cho người khiếm thị nhưng việc chuyển đổi hệ điều hành rất khó khăn với những người khiếm thị. Gần đây, Maury bắt đầu đặt câu hỏi liệu Apple có thực sự cam kết hỗ trợ cho cộng đồng người khiếm thị hay không?
Maury cho biết, một số ứng dụng hỗ trợ người khiếm thị như làm thay đổi độ phân giải và màu sắc của màn hình không được chấp thuận bởi Apple. Tầm nhìn của anh hiện tại chỉ là 20/60, nếu không có những ứng dụng này anh sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc sử dụng các thiết bị của Apple.
Apple đang dần bỏ qua việc hỗ trợ cộng đồng người khiếm thị. Theo Elizabeth Stark, một luật gia được đào tạo tại Harvard, hiện đang giảng dạy tại Đại học Stanford và Yale về các vấn đề Internet và an ninh mạng cho rằng, mối quan tâm chính của Apple là kiểm soát trải nghiệm người dùng. Trong đó, việc kiểm soát trải nghiệm của cộng đồng người khuyết tật rất khó khăn và tốn kém so với những người dùng bình thường.
Maury chia sẻ, Apple giờ đây đang phân biệt đối xử đối với những người khuyết tật, và đặt lợi nhuận của công ty lên hàng đầu. Trong khi các thiết bị Android ngày càng cởi mở và thân thiện hơn với những người khuyết tật thì Apple dường như bị ám ảnh bởi việc kiểm soát người dùng.
Stark và Maury hiện đang cộng tác với nhau trong một dự án để tạo ra giải pháp tạm thời cho vấn đề này, đó là tài trợ cho các lập trình viên jailbreak iOS7. Tuy nhiên, về lâu về dài hai người hy vọng rằng chính phủ sẽ can thiệp để bảo vệ cộng đồng người khiếm thị nếu như Apple không có động thái điều chỉnh chính sách của mình.
Jailbreak là phương pháp xử lý vào sâu bên trong hệ điều hành để người dùng có thể sử dụng các phần mềm lậu mà các phần mềm này không được Apple cấp phép có mặt trên kho ứng dụng AppStore. Tại Mỹ, việc jailbreak các thiết bị iOS là hợp pháp. Tuy nhiên, vào tháng 11 vừa rồi, một dự thảo Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương bị rò rỉ cho thấy Apple đang cố gắng đưa jailbreak trở thành bất hợp pháp. Maury, Stark và nhóm của họ đang nghiên cứu và sẽ trình lên tòa án liên bang về việc chống jailbreak sẽ làm tổn thương đến người tàn tật.
Maury và Stark hy vọng họ sẽ trở thành nguồn truyền cảm hứng cho các lập trình viên jailbreak iOS7. Để hỗ trợ cho những người khuyết tật và đặc biệt là những người khiếm thị nhiều hơn.