Nhân vật phản diện là một phần không thể thiếu trong mỗi bộ phim, thường làm nền cho tuyến nhân vật chính diện và góp phần tạo nên những xung đột, mâu thuẫn chính của phim. Trên màn ảnh, nhân vật phản diện là tuyến bị ghét nhiều hơn được thương, đa phần được miêu tả như sự hiện thân của thế lực xấu xa, đen tối, cần phải được diệt trừ hay xa lánh trong xã hội.
Tuy nhiên, bất cứ một kết quả nào xảy ra cũng đều có nguyên nhân của nó. Nếu tìm hiểu kỹ hơn về tuổi thơ, cuộc sống xung quanh những nhân vật phản diện này, chúng ta sẽ thấy họ đáng thương hơn là đáng trách.
“Môi trường sống thế nào sẽ tạo nên con người như thế” - điều này quả không sai, đặc biệt với những nhân vật phản diện.
Xã hội xa lánh, không được ai công nhận
Vốn dĩ có bản chất lương thiện nhưng vì hoàn cảnh xô đẩy, không được nhìn nhận xứng đáng, bị xã hội coi thường vì vẻ ngoài dị dạng hoặc tính cách lập dị, những nhân vật này trở nên dễ nóng giận, bực tức.
Trong một phút không kiềm chế được bản thân, khi phần Con trỗi dậy bên trong, họ vô tình gây ra tội ác. Sau đó, để lấp liếm và che đậy những hành vi sai trái của mình, họ lại tiếp tục vòng lặp tội lỗi. Cứ thế sai càng thêm sai, đến lúc hối hận thì đã quá muộn.
Đây là kiểu nhân vật “thân bất do kỷ”, không bao giờ chịu thừa nhận lỗi lầm của bản thân mà luôn cho rằng mình bị tình thế đưa đẩy đến ngày hôm nay.
Gollum - quái vật độc nhất vô nhị trong lịch sử thần thoại. |
Điển hình như Gollum của Lord of the Rings, được mệnh danh là con quái vật độc nhất vô nhị trong lịch sử thần thoại.
Gollum sinh năm 2430 của thời đại thứ 3, vốn là thành viên trong tộc Stoor, một trong 3 nhánh đầu tiên của người Hobbit, sinh sống gần Gladden Fields.
Từ một anh chàng hiền lành ngây ngô, bị ma thuật của chiếc nhẫn thần làm mờ mắt, Gollum trở thành con quỷ dị dạng, biến thái, không từ mọi thủ đoạn để cướp lấy chiếc nhẫn cho riêng mình.
Gollum bị biến đổi từ thể chất đến tinh thần, không chỉ vẻ bề ngoài trở nên xấu xí, gầy gò, nước da xám ngoét cùng hàm răng nhọn hoắt, vàng khè, mà còn trở thành một con người với hai thái cực đối lập luôn tranh đấu song song với nhau. Lúc là thiện lúc là ác, lúc tử tế lúc nhẫn tâm, nhưng cuối cùng, cái ác vẫn chiếm nhiều hơn bên trong Gollum, để rồi hắn phải trả giá bằng cái chết thương tâm trong biển lửa cùng với chiếc nhẫn quyền lực.
Hay như Magneto của series X-men, ông không hẳn là kẻ xấu hoàn toàn, chỉ là ông đã phải lớn lên trong quá nhiều đau thương và mất mát. Mong ước lớn nhất của ông chính là người đột biến có thể được sống bình đẳng, không bị kỳ thị và là tâm điểm của những cuộc tấn công tiêu diệt như người bình thường.
Hiểu rõ hơn ai hết cảm giác bị kỳ thị và ruồng bỏ, tất cả những hành động bị đánh giá là vị kỷ của Magneto thực chất là để bảo vệ cho đồng loại của mình.
Chấn động tâm lý khi còn nhỏ dẫn đến lý tưởng sai lầm
Họ là những nhân vật vô cùng tài năng, có sức mạnh vô biên và khả năng thao túng người khác bằng quyền lực một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, do những ảnh hưởng từ tuổi thơ bất hạnh, lý tưởng của họ lại vô cùng cực đoan. Dù có hoài bão lớn nhưng đó không phải là những ước mơ giúp nâng tầm nhân loại mà ngược lại, họ sử dụng quyền năng để “nhuốm đen bầu trời”, muốn nhấn chìm hoặc độc chiếm cả thế giới.
Đây là mẫu nhân vật luôn dùng “mục đích biện hộ cho phương tiện”. Họ không quan tâm đến cách thực hiện mà chỉ chú trọng vào kết quả. Dù tàn ác hay nhẫn tâm đến mấy nhưng nếu hành động đó giúp họ đạt được mục đích, họ vẫn sẵn sàng ra tay không khoan nhượng.
Nổi bật của mẫu nhân vật này phải kể đến Voldemort của loạt phim Harry Porter. Sinh ra trong gia đình có cha là phù thủy không thuần chủng, rời đi đúng vào lúc mẹ hắn đang mang thai và cô độc. Ngay sau khi hạ sinh, mẹ Voldemort cũng qua đời sau đó một giờ. Không muốn dùng đũa phép để cứu lấy bản thân, bà đã chấp nhận ra đi, bất chấp đứa con trai bé bỏng đang cần đến mình.
Voldemort bị bỏ rơi ngay từ khi sinh ra khiến hắn có lý tưởng lệch lạc khi trưởng thành. |
Voldemort khi đi học ở trường pháp thuật Howard là một học trò thông minh nổi bật. Hắn làm ra những điều “kinh khủng nhưng vĩ đại”, khiến người khác vừa nể nang vừa khiếp sợ. Vì bị ám ảnh trong quá khứ, Voldemort luôn muốn tiêu diệt những phù thủy không thuần chủng, để làm trong sạch thế giới phù thủy.
Nếu nói Harry Porter là mục tiêu hướng tới thì Voldemort tượng trưng cho thực tại cuộc sống mà mỗi con người đang phải đối mặt hàng ngày. Voldemort tự nuông chiều những cảm xúc tiêu cực bên trong bản thân chỉ để tìm kiếm những điều hoàn hảo, hướng đến mục tiêu vĩ đại.
Một nhân vật phản diện khác nổi tiếng không kém chính là Thanos của Avengers. Thanos giết người chỉ bằng một cái búng tay, là tên ác ma khét tiếng khiến ai nghe thấy tên cũng khiếp sợ. Hắn tin rằng tài nguyên của vũ trụ là hữu hạn nên sự tăng trưởng dân số không thể kiểm soát sẽ khiến tất cả sự sống kết thúc.
Thanos lớn lên trên hành tinh Titan, từng là hành tinh xanh tốt và đầy sức sống. Do dân số quá tải, hành tinh trở nên mất cân bằng. Tự cho mình là Chúa cứu thế, Thanos đã thực hiện cuộc thảm sát ngay trên chính mảnh đất quê hương mình nhằm lấy lại cán cân vũ trụ, và rồi tiếp tục nuôi dưỡng tham vọng lớn hơn là cân bằng dân số của cả nhân loại.
Bị mắc bệnh về thần kinh
Những gã phản diện kiểu này là kẻ biến thái cực độ, mắc những chứng bệnh về thần kinh như đa nhân cách, tâm thần phân liệt,… Vấn đề thần kinh khiến họ không suy nghĩ như người thường, động cơ hành động hay gây án vì thế rất khó truy ra.
Ví dụ Norman Bates của Psycho, hắn được nuôi dạy bởi người mẹ có thái độ vô cùng thù địch với phụ nữ, nên khi lớn lên, hắn trở thành gã sát nhân có tư tưởng cực đoan và lệch lạc với phái đẹp.
Là một người bị mắc chứng tâm thần phân liệt đa nhân cách, gã sắm hai vai cùng một lúc, lúc là chính hắn, lúc lại là mẹ hắn. Mỗi khi giết người, hắn luôn mặc quần áo của mẹ. Cách thức giết người cũng vô cùng ghê rợn khi đâm nhiều nhát vào nạn nhân với một lòng hận thù khó lý giải.
Hannibal Lecter - gã sát nhân tâm thần vô cùng thông minh và mưu mẹo, có một không hai trên màn ảnh. |
Hoặc như bác sĩ tâm thần Hannibal Lecter trong Sự im lặng của bầy cừu. Vừa là nhà tâm lý học tài ba, vừa là kẻ giết người ăn thịt hàng loạt, những sự đối lập và mâu thuẫn trong tính cách của hắn đến nay vẫn là câu hỏi khó lý giải với nhiều chuyên gia và khán giả theo dõi.
Gã vô cùng thông minh nhưng là “thông minh một cách bệnh hoạn”. Gã thích ẩn giấu sự thật trong từng lời nói dối, đưa ra những manh mối chỉ dẫn lạc hướng bằng phương thức đảo chữ cái và kéo những người mà gã muốn vào trong trò chơi mà gã đã tạo ra.
Hannibal hầu như là “nhân vật phản diện duy nhất tôn vinh sự giết chóc lên thành một nghệ thuật” và cực kỳ bí ẩn, khó đoán trong từng ánh mắt, lời nói hay hành động.