Mới đây, trong kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM khoá IX, HĐND TP.HCM đã thông qua đề án xây dựng nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch trị giá hơn 1.500 tỷ đồng ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2018-2022.
Nhà hát có chức năng tổ chức biểu diễn các chương trình âm nhạc hàn lâm, giới thiệu những tác phẩm âm nhạc lớn quốc tế hay của các nhạc sĩ Việt Nam, thông qua các hình thức như hòa tấu giao hưởng, vũ kịch, hát opera, múa ballet... nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc ngày càng cao của người dân và khách du lịch.
Bên trong một phòng hòa nhạc tại Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Lincoln ở New York, Mỹ. Nhà hát opera, giao hưởng luôn có tầm quan trọng trong nền văn hóa đương đại. |
Trên thế giới, nhà hát giao hưởng, opera có một vị trí đặc biệt trong đời sống xã hội ở các thành phố có lịch sử lâu đời cũng như gắn liền với nền văn hóa đương đại.
Không chỉ có sứ mệnh là cầu nối đưa nghệ thuật hàn lâm đến với đông đảo công chúng, nhà hát giao hưởng, opera, vũ kịch nói chung còn mang trong mình nhiều ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, kiến trúc gắn với quốc gia.
Những nước có nền âm nhạc phát triển đều có những nhà hát mang tính biểu trưng và được đầu tư xây dựng công phu, độc đáo.
Từng gây tranh cãi, nhà hát Sydney trở thành di sản thế giới
Bên cạnh các nhà hát có chiều dài lịch sử lâu đời như nhà hát Teatro di San Carlo (Italy), nhà hát Minack (Anh), nhà hát Seebühne (Áo), nhà hát Teatro de Cristóbal Colón (Colombia), trên thế giới có rất nhiều những công trình nhà hát giao hưởng theo phong cách hiện đại được xây dựng trong vòng khoảng 30 năm trở lại đây.
Nhà hát con sò Opera Sydney nổi tiếng ở Australia mang tầm vóc về văn hóa, nghệ thuật có ý nghĩa to lớn mà bất cứ du khách nào đến đây cũng phải ghé đến. Tuy nhiên, công trình này từng gây rất nhiều tranh cãi trong quá trình xây dựng.
Nhà hát con sò Opera Sydney được xem là biểu tượng văn hóa, du lịch của Australia. |
Dự án được lên kế hoạch từ cuối thập niên 1940 và hoạt động xây dựng chính thức bắt đầu vào tháng 3/1959. Ban đầu, kiến trúc sư Jørn Utzon được cấp gần 15 triệu USD và phải hoàn thành dự án trong 18 tháng. Nhưng quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn vì ý tưởng xa rời thực tiễn.
Đến năm 1966, Jørn Utzon bị kiến trúc sư Peter Hall thay thế vì làm chậm tiến độ. Sự kiện này gây rất nhiều tranh cãi. Tờ Sydney Morning Herald nhận định: "Không một kiến trúc sư nào trên thế giới có được sự tự do thoải mái như ông Utzon. Cũng có rất ít khách hàng kiên nhẫn và độ lượng như người dân và chính quyền bang New South Wales".
Peter đã thay đổi khá nhiều cấu trúc và thiết kế của công trình và làm chi phí xây dựng tăng vọt lên đến gần 87 triệu USD. Không những thế thời gian xây dựng tiếp tục kéo dài. Cuối cùng, nhà hát Opera Sydney chính thức được hoàn tất vào năm 1973 với tổng đầu tư lên đến 102 triệu USD.
Nhà hát Opera Sydney được UNESCO công nhận là di sản thế giới. |
Sau này, kiến trúc sư Utzon không bao giờ quay trở lại nơi có lẽ đã ghi dấu ấn đậm nét nhất trong sự nghiệp của ông.
Bất chấp quá khứ gây tranh cãi, nhà hát Opera Sydney sau đó trở thành công trình kiến trúc độc đáo của Sydney nói riêng, là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu nhất thế kỷ 20, được UNESSO công nhận là di sản thế giới vào tháng 6/2007. Trước đó 2 năm, nhà hát đã lọt vào danh sách di sản quốc gia Australia.
Bên trong nhà hát Opera Sydney có một phòng hòa nhạc với 2.679 chỗ ngồi, nơi Dàn nhạc giao hưởng Sydney thường xuyên biểu diễn, rạp hát Joan Sutherland với 1.507 chỗ ngồi, thêm 2 rạp hát nhỏ hơn và hai studio, cũng như một số cơ sở khác.
Mỗi năm nhà hát tổ chức hơn 1.500 chương trình biểu diễn, thu hút hơn 1,2 triệu khán giả. Ngoài ra, ước tính hơn 2 triệu người đến tham quan nhà hát Opera Sydney mỗi năm.
"Trái sầu riêng" Singapore và những công trình biểu tượng
Nếu Sydney của Australia nổi tiếng với nhà hát Opera có cấu trúc hình vỏ sò thì nhà hát “trái sầu riêng” của Singapore bên bờ vịnh Marina cũng được đánh giá là biểu tượng kiến trúc văn hóa của quốc gia này.
Nhà hát Esplanade là khu phức hợp văn hóa nghệ thuật nổi tiếng ở Singapore. |
Nhà hát Esplanade là khu phức hợp nghệ thuật hoành tráng và độc đáo, gồm phòng hòa nhạc 1600 chỗ, rạp hát 2.000 chỗ, studio Recital có sức chứa 250 người và một studio khác có sức chứa 200 người.
Ngoài ra, ở đây còn có nhà hát ngoài trời, thư viện nghệ thuật và trung tâm mua sắm, nhà hàng. Tổng kinh phí xây dựng tổ hợp này lên đến hơn 433 triệu USD. Hoạt động xây dựng bắt đầu từ tháng 8/1996 và đến tháng 2/2001 chính thức hoàn thành.
Nhà hát Esplanade chính thức khai trương vào tháng 10/2002 và đến nay trở thành một trong những nhà hát sôi động nhất thế giới. Mỗi năm, nhà hát tổ chức khoảng 3.000 chương trình biểu diễn âm nhạc, vũ đạo, sân khấu... cũng như các cuộc triển lãm nghệ thuật hình ảnh ấn tượng.
Bên trong nhà hát tại Trung tâm Sejong. |
Tương tự ở Hàn Quốc cũng có khu phức hợp văn hóa và nghệ thuật nổi tiếng, tọa lạc tại thủ đô Seoul. Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Sejong (mở cửa vào năm 1978) có thể xem là tổ hợp nghệ thuật đa dạng hàng đầu châu Á với rất nhiều loại hình biểu diễn khác nhau từ truyền thống, cổ điển đến hiện đại.
Trung tâm Sejong có diện tích nội lên đến 53.202 m2, được xây dựng trong 4 năm và mở cửa vào tháng 4/1978. Đến nay, Trung tâm Sejong đã trở thành cái nôi phát triển văn hóa và nghệ thuật của cả thủ đô Seoul và đất nước Hàn Quốc.
Không kém cạnh, người Trung Quốc rất tự hào với Trung tâm nghệ thuật biểu diễn quốc gia, tọa lạc ở thủ đô Bắc Kinh. Là tác phẩm của kiến trúc sư người Pháp Paul Andreu, nhà hát có biệt danh là "Quả trứng lớn", có hình dáng như một viên ngọc trai khổng lồ nằm trên trung tâm mặt hồ.
Trung tâm nghệ thuật biểu diễn quốc gia Trung Quốc. |
Công trình hoành tráng này có kinh phí đầu tư lên đến 3,2 tỷ NDT (tương đương 462 triệu USD) và mất hơn 8 năm để hoàn thành. Với diện tích gần 12.000 m2, nhà hát có 3 phòng hòa nhạc với sức chứa lên đến gần 5.500 người.
Ở Nhật Bản, Nhà hát Quốc gia mới (New National Theatre) ở khu Shinjuku, Tokyo là trung tâm quốc gia đầu tiên (khánh thành vào năm 1997) và quan trọng nhất của Nhật Bản về nghệ thuật biểu diễn bao gồm opera, múa ba lê, múa đương đại và kịch nghệ.
Đây được xem là "thánh địa" của loại hình opera tại Nhật Bản với sân khấu được xây dựng hoành tráng, có hơn 1.800 chỗ ngồi. Mỗi năm, nhà hát tổ chức hơn 300 chương trình biểu diễn sân khấu (bao gồm hơn 20 dự án hoàn toàn mới), thu hút hơn 200.000 khán giả.
Bên trong Nhà hát Quốc gia mới ở Nhật Bản với hơn 1800 chỗ ngồi. |
Chia sẻ về việc ủng hộ xây dựng công trình này tại TP.HCM, NSƯT Trần Vương Thạch - Giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch - cho biết cần phải xây dựng nhà hát càng sớm càng tốt.
"TP.HCM hiện nay không có một nhà hát đàng hoàng nào cả. Người dân không có nơi nào để thưởng thức những chương trình nghệ thuật chất lượng cao", nhạc trưởng cho biết. TP.HCM cũng không thể là điểm đến trong các chuyến lưu diễn hàng năm của các dàn nhạc lớn trên thế giới bởi không có đủ không gian", ông cho biết.
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Nguyễn Văn Dũng lưu ý công trình Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch cần có thiết kế độc đáo, có khu cây xanh liền kề, thiết kế đạt chuẩn quốc tế, xứng tầm là nơi hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của người dân, là địa điểm độc đáo để thu hút khách du lịch quốc tế.