Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Những nhà viết kịch bản, hãy nghỉ ngơi vài tháng'

Trong hoàn cảnh phim ảnh Việt thiếu trầm trọng kịch bản phim như hiện nay, lời đề nghị của bà Nguyễn Thị Trúc Mai - Giám đốc sản xuất Hãng M.T.Pictures nghe rất lạ lùng…

Sáng 27/10, trong buổi ra mắt giới thiệu phim Mặn hơn muối (38 tập, kịch bản Lê Quang Thanh Tâm - Vy Uyên, đạo diễn Nhâm Minh Hiền - Đạo diễn xuất sắc giải Cánh diều vàng 2014, lên sóng HTV7 từ 28/10, thứ hai - thứ năm hàng tuần trong khung giờ vàng 20h), bà Trúc Mai chia sẻ: "Mới đây, tôi có nói với mấy anh/chị/em biên kịch - những người thường xuyên viết, gửi kịch bản và có kịch bản được M.T.Pictures lựa để làm phim là, các bạn làm ơn hãy nghỉ ngơi, đi chơi, 1-2 thậm chí 3-4 tháng.

Đi và tĩnh tâm, lắng nghe và quan sát để có thể nghĩ ra những cái mới. Một năm, cao tay lắm, một biên kịch chỉ có thể viết 2-3 kịch bản tương đối tốt đủ để làm phim. Tần suất kịch bản được dựng phim nhiều, ắt có sự lặp lại…”.

Ngọc Lan trong phim “Mặn hơn muối”. Ảnh: M.T.P
Ngọc Lan trong phim Mặn hơn muối. Ảnh: M.T.P

Lời đề nghị của bà Mai là có cơ sở, từ một kinh nghiệm không vui. Gần nhất, tháng 9 rồi, M.T.Pictures bị "tổ trác" khi khán giả truyền hình phát hiện kịch bản phim Ngoại tình với vợ (của nhóm HAYDEN) phát sóng trên SCTV 14 giống y hệt tới 3 phim: Sự quyến rũ của người vợ (Hàn Quốc), Hoa hồng có gai (Trung Quốc), Mặt nạ hoa hồng (Philippines).

“Ngay cả trong những kịch bản của những biên kịch - cộng tác viên lâu năm với hãng (phần nhiều là các tay viết nữ, tự chuyển thể tiểu thuyết của mình thành kịch bản phim truyền hình hoặc nhóm bạn trẻ được gọi với tên Nhóm chế tác kịch bản - NV) cũng có sự lặp lại. Tỷ lệ kịch bản bị trả về, vì chúng tôi phát hiện ra nhiều sự quen, không được chọn dựng phim càng ngày càng cao hơn trước” - bà Mai nói.

Trong số các hãng phim, công ty truyền thông tham gia sản xuất phim truyền hình hiện nay ở phía nam đất nước, M.T.Pictures hiện là đơn vị được đánh giá là vẫn còn cần cù, chịu khó làm phim, mặc dù phần nhiều phim, mấy năm qua, vẫn chưa thoát khỏi cái bóng quen, theo công thức là tình - tiền - tù tội. Thảng hoặc có một phim dành riêng cho thiếu nhi, phim đề tài lịch sử, một hai phim tâm lý xã hội được đầu tư kỹ lưỡng mà nhóm làm phim thường tự hào làm với tất cả tâm huyết có mục đích mang đi thi và luôn được giải quốc gia.

Hãng này, ít nhất mỗi tháng sản xuất 2 phim (70-80 tập/tháng), có sóng ổn định trên HTV và SCTV. Tốc độ làm phim như vậy ngốn kịch bản phim, làm phim có kịch bản phim ta không khác mấy với phim người, cũng là điều không khó hiểu.

Nhà sản xuất có thể tự biện khi bị phát hiện phim mình sản xuất giống phim người, là “Chúng tôi không thể xem xuể hết các phim trong, ngoài nước…”. Dù có vậy, nhà sản xuất vẫn có lỗi khi làm khán giả mất hứng vì xem những bộ phim giống nhau. Phần lỗi lớn thì thuộc về các tay viết kịch bản, mà trình độ và vốn sống của họ là cả một câu chuyện dài, nhùng nhằng cả chục năm nay, vẫn chưa ra đầu ra đũa.

Đi mãi cũng thành đường. Một con đường đi mãi cũng thành… mòn vì cái sự lười, cứ muốn ăn ngay - tình cảnh không lạ với chuyện kịch bản phim của phim ảnh Việt.

http://laodong.com.vn/van-hoa/nhung-nha-viet-kich-ban-hay-nghi-ngoi-vai-thang-391279.bld

Theo Thuỳ Vân/Lao Động

Bạn có thể quan tâm