Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những nhân viên Twitter bị mắc kẹt với Elon Musk

Nghỉ việc không phải là lựa chọn tiên quyết của các nhân viên nhập cư của Twitter - những người đang phụ thuộc vào Elon Musk để duy trì visa làm việc.

Elon Musk chính thức trở thành CEO Twitter kể từ ngày 31/10 sau thương vụ trị giá 44 tỷ USD. Ảnh: Reuters.

Ngày 16/11, Elon Musk đưa ra tối hậu thư cho các nhân viên của Twitter, yêu cầu họ cam kết làm việc “nhiều giờ với cường độ cao”, hoặc nghỉ việc với trợ cấp 3 tháng.

Đề nghị này được đưa ra sau khi hơn 3.000 người bị sa thải trong vòng một tuần dưới sự lãnh đạo của tỷ phú. Theo New York Times, ước tính hơn 1.000 người đã chọn rời bỏ công việc.

Tuy nhiên, đối với những người bị phụ thuộc vào doanh nghiệp để xin thị thực làm việc, lựa chọn nào cũng đầy khó khăn: hoặc đánh liều với tương lai bất định của Twitter, hoặc từ bỏ công việc và rời khỏi Mỹ, VICE đưa tin.

Khó khăn của ngành nghề quyền lực

Theo Sở Di trú và Nhập tịch Mỹ, khoảng 300 nhân viên tại Twitter đang làm việc theo thị thực H-1B.

Chương trình H-1B cho phép người lao động nước ngoài có tay nghề cao trong các lĩnh vực như kiến trúc, kỹ sư và kinh tế làm việc tại xứ cờ hoa. Nhiều công ty công nghệ lớn, như Amazon và Meta, đang tuyển dụng người lao động theo diện H-1B.

Elon Musk anh 1

50% trong số 7.500 lực lượng lao động toàn cầu của Twitter đã bị cho thôi việc. Ảnh: Jonathan Newton/Washington Post.

Việc sa thải hàng loạt nhân viên ở ngành công nghệ gần đây đã đặt những người lao động H-1B vào tình thế bấp bênh. Họ chỉ có 60 ngày sau khi nghỉ việc, hoặc đến lúc visa hết hạn để tìm một doanh nghiệp mới bảo lãnh thị thực cho mình.

“Tôi thực sự cảm thấy rất tiếc cho họ - những người bị sốc trước cách lãnh đạo công ty của Elon Musk nhưng cảm thấy không thể bày tỏ mối quan ngại của mình”, David Widder, nghiên cứu sinh tại trường Khoa học Máy tính thuộc ĐH Carnegie Mellon (Mỹ), chia sẻ.

Nhằm phục vụ nghiên cứu, ông Widder đã nói chuyện với hơn 100 kỹ sư phần mềm về những lo ngại liên quan đến đạo đức mà họ gặp phải khi làm việc.

Nghiên cứu này giải thích rằng cấu trúc của những chương trình như H-1B khiến người lao động rơi vào thế bất lực - nơi họ có thể không đồng ý với đạo đức của ban lãnh đạo công ty hoặc công việc đang làm - nhưng không thể lên tiếng, hay nghỉ việc do áp lực tài chính và tình trạng nhập cư.

Với một số người, có thể họ đã chứng kiến hậu quả xảy ra khi những đồng nghiệp lên tiếng - bị sa thải một cách không thương tiếc. Họ không muốn điều đó lặp lại với chính mình.

Nhiều người còn phải trả khoản thế chấp, nuôi con cái hay chăm sóc sức khỏe cha mẹ mình. Những điều này khiến họ nhất định phải duy trì bảo hiểm, hoặc tình trạng visa.

“Những ví dụ trên cho thấy dù có địa vị quyền lực trên thị trường lao động, các kỹ sư phần mềm vẫn có thể rơi vào tình huống khó khăn”, ông nói.

Chấp nhận bất cứ giá nào

Trong số những người ông Widder phỏng vấn, một kỹ sư phần mềm cho biết thông thường, những nhân viên thuộc diện H-1B “phải tìm một công việc trong khoảng thời gian rất ngắn hoặc phải rời khỏi Mỹ. Bởi vậy, họ sẽ chấp thuận bất cứ đề nghị công việc nào”.

Elon Musk anh 2

Mạng xã hội “chú chim xanh” nằm trong số các công ty công nghệ thực hiện cắt giảm nhân sự trong năm nay. Ảnh: Richard Drew/AFP.

“Việc các doanh nghiệp quay lưng lại với những người lao động nhập cư lúc này là hành động đặc biệt tàn nhẫn, phá hoại, đồng thời làm sụp đổ niềm tin của những nhân tài trên thế giới đang đặt hy vọng vào nước Mỹ và các cơ hội mà quốc gia này đem lại”, một cựu nhân viên Twitter nói với CNN.

Theo nghiên cứu sinh Widder, thật không công bằng nếu đổ lỗi, trách móc những nhân viên chọn ở lại Twitter.

Hiện mạng xã hội đang nổi lên nhiều lời đồn đoán rằng người lao động H-1B tại công ty công nghệ này đang làm những việc bất chính. Tình huống này sẽ chỉ càng phóng đại vấn đề, tạo ra sự khác biệt về quyền lực giữa họ và người sử dụng lao động.

Hiện các chuyên gia về lao động và công nghệ đang khuyến khích các nhân viên Twitter còn lại tham gia công đoàn. Ở Anh, 1/3 nhân viên của Twitter đang được đại diện bởi một công đoàn có tên là Prospect.

Công đoàn này đã viết thư cho công ty công nghệ và yêu cầu sắp xếp một cuộc họp để thảo luận về mối quan tâm của họ đối với tương lai của công ty.

Một vụ kiện tập thể chống lại gã khổng lồ truyền thông xã hội, được tổ chức bởi các cựu nhân viên Twitter, đã diễn ra. Họ cáo buộc công ty đã vi phạm luật lao động và luật tiểu bang Califonia do không thông báo trước hoặc trợ cấp thôi việc cho những nhân viên bị chấm dứt hợp đồng.

Nhân viên lũ lượt rời Twitter vì Elon Musk

Hàng trăm nhân viên đang rời Twitter sau khi Musk đưa ra "tối hậu thư". Một số nguồn tin cho biết các kỹ sư tài giỏi cũng đã lần lượt rời đi.

Ánh Dương

Bạn có thể quan tâm