Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Những nốt lặng trong đại dịch năm 2021

Trong những ngày khó khăn nhất, tin nhắn, cuộc gọi từ người lạ trở thành sợi dây kết nối, giúp nhiều người có niềm tin vượt qua đại dịch.

Zalo anh 1

Những ngày TP.HCM chìm trong trầm lặng và đau thương, mọi guồng quay cuộc sống và mối giao lưu giới hạn trong vòng phong tỏa và giới nghiêm. Nhưng đâu đó, sự kết nối vẫn diễn ra, bất chấp dịch bệnh.

Lời hứa không bao giờ thực hiện được của mẹ

Những ngày cuối tháng 7, Bùi Tiến Đạt cùng em trai tìm kiếm thông tin về mẹ mắc Covid-19 đang nằm viện. Ruột gan anh nóng như lửa đốt khi 3 ngày trôi qua vẫn không biết tình trạng sức khoẻ bà ra sao. Đạt chỉ biết mẹ bị hôn mê, đang thở máy tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, TP.HCM.

Sau nhiều bình luận trên fanpage của bệnh viện, Đạt được bạn bè chia sẻ và kết nối với ê-kíp phóng viên đang tác nghiệp tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19.

Đạt mừng rỡ khi phóng viên gửi một vài hình ảnh mẹ anh nằm trong phòng bệnh. Thế nhưng, anh không ngờ rằng đó cũng là những hình ảnh cuối cùng của mẹ. Hai ngày sau, Đạt nhận tin từ bác sĩ, bà đã mất do Covid-19 trên thể trạng béo phì.

Zalo anh 2

Bà H. những ngày nằm thở máy tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19.

Mẹ Đạt là bà N.T.H (55 tuổi), sống cùng con gái và cháu ngoại tại một xóm trọ nhỏ sát con kênh Tàu Hủ (quận 8). Đầu tháng 7, dịch bệnh âm thầm lây lan trong khu trọ lúc nào không hay. Lần lượt những người trong xóm phải đi cách ly vì dương tính. Ngày 13/7, bà H. đi cách ly. Ngày 7/8, con trai đi nhận tro cốt bà trước sự bất ngờ và đau xót của cả gia đình.

"Mẹ vui vẻ, dễ gần, nấu ăn ngon. Xa mẹ hơn 3 năm, năm nay mẹ hứa sinh nhật tôi sẽ lên Biên Hòa để nấu cơm cho nhưng chưa kịp thì mẹ đi rồi", Đạt ngậm ngùi.

Zalo anh 3

Đạt nghe thông báo mẹ mất qua điện thoại, anh không biết làm gì khác ngoài chờ tro cốt của mẹ được đem về.

“Cảm ơn em, con chị không còn đói nữa rồi”

Buổi trưa đầu tháng 10, Phan Nhật nhận được tin nhắn Zalo “cầu cứu” của một phụ nữ vì con nhỏ hết sữa và tã đã nhiều ngày.

Chiếc xe máy mạnh mẽ gồng gánh hàng tá đồ đạc từ trước ra sau, chừa duy nhất chỗ trống cho một người lái. Trời mưa lâm râm, Nhật băng qua con đường Ngô Tất Tố vắng tanh, dừng trước đầu hẻm bị căng dây chằng chịt.

“Em đến đầu hẻm rồi, chị ra nhận giúp em nhé!”, anh gửi tin nhắn. Hơn 5 phút sau, dáng một người phụ nữ chừng 40 tuổi liêu xiêu chạy ra từ phía trong hẻm sâu hơn trăm mét.

“Chị cảm ơn em nhiều, con chị không còn đói nữa rồi!”, chị nhận túi đồ từ tay Nhật, rưng rưng lặp đi lặp lại câu cảm ơn. Phía sau lớp khẩu trang, đôi mắt người phụ nữ đỏ hoe như sắp khóc.

Zalo anh 4

Phan Nhật mang rau củ tặng người khó khăn trong đại dịch.

Từ những ngày đầu TP.HCM phong tỏa theo Chỉ thị 16, không dành thời gian ở nhà để tận hưởng cuộc sống chậm lại, Phan Nhật chọn ra đường với chiến dịch tự tạo “Lan tỏa yêu thương”.

“Cuối tháng 8, tôi lướt Zalo Connect và vô tình thấy rất nhiều người gửi tin nhắn xin hỗ trợ, có người chỉ xin một túi gạo, một hộp sữa cho con. Cùng thời điểm này, thành phố tiếp tục phong tỏa, tôi nhắn tin cho một người bạn, rồi cả 2 cùng mua nhu yếu phẩm hỗ trợ bà con, ban đầu là người cùng khu phố, sau đó mở rộng khu vực xa hơn”, Nhật chia sẻ.

Hơn 9 năm sống ở TP.HCM, nhưng chính những tháng ngày rong ruổi khắp con đường lớn nhỏ, Nhật mới cảm nhận rõ nhất những khó khăn và nỗi đau của người dân thành phố trong mùa dịch.

“Có những nhu yếu phẩm bình thường người ta dễ dàng mua được, nhưng trong thời điểm khó khăn, tất cả trở thành thứ quý giá, có khi nuôi sống cả gia đình. Với chúng tôi, đó là những ngày sống hết mình, ý nghĩa nhất và nhận lại nhiều thứ còn quý giá hơn vật chất”, anh chia sẻ.

Có gia đình bán ve chai, đông người nhưng chỉ xin túi gạo và một ít rau củ. Có một số tình huống giao nhu yếu phẩm cho F0, Nhật phải để đồ ở phía xa, sau đó họ ra ngoài lấy.

“Sự nguy hiểm của mình cũng chưa là gì so với sự thiếu thốn của rất nhiều người khác. Giữa lúc khó khăn như thế này, sự giúp đỡ kịp thời còn hơn cả chiếc phao cứu sinh”, anh nói.

Sâu trong tuyến đường sầm uất, khu đô thị nhộn nhịp của TP.HCM là những con hẻm nhỏ, đông đúc, chật hẹp và vô số mảnh đời chưa thể thoát được những vật chật, mưu sinh thường nhật.

Trong lúc khó khăn, chương trình thiện nguyện 0 đồng, những tính năng kết nối ra đời đã giúp người dân thành phố nương tựa, giúp đỡ nhau vượt qua ngày tháng cùng cực nhất.

Sợi dây kết nối tình thương giữa đại dịch

Trong căn phòng trọ chỉ vài mét vuông, chị Thanh Thị Bảo Yến nhẹ nhàng đưa võng ru cô con gái ngủ. Trong tháng 8-9, dịch Covid-19 quét đến xóm trọ của chị tại Khu công nghiệp Sóng thần 1 (Dĩ An, Bình Dương). Gia đình chị 42 ngày liền sống trong khu phong tỏa.

Rời mảnh đất Bình Thuận, chị Yến cùng chồng xuống Bình Dương làm việc được một năm thì dịch bệnh ập tới. Không còn cách nào khác, hai vợ chồng phải nghỉ việc, thu nhập hoàn toàn đứt đoạn.

“Gia đình dưới quê cũng khổ, không có tiền gửi lên. Tôi trụ thêm được ngày nào trên này thì trụ thôi”, chị Yến vừa nói vừa nhìn cô con gái đang ngủ say sưa trên võng.

Zalo anh 7

Chị Yến ru con ngủ trong phòng trọ, đó là ngày thứ 42 chị sống trong khu phong tỏa.

“Yến ra đây lấy hộp sữa con bé này”, tiếng một người gọi với vào trong phòng chị Yến. Người phụ nữ 29 tuổi vội vã chạy ra, vui mừng vì hôm nay con gái cô lại có bữa ăn đủ chất.

Như một thói quen, trong khu “siêu phòng trọ” cả trăm người sinh sống, nhà ai cũng thiếu thốn nhưng luôn dành sữa tươi, sữa bột cho trẻ con trong xóm.

“Những ngày này, lương thực thực phẩm chỉ nhờ mọi người xung quanh, mạnh thường quân giúp đỡ. Nhà bị phong toả, tôi chẳng biết nhờ vả ai khác”, chị Yến nói.

Zalo anh 8

Chị Bảo Yến là một trong hàng trăm người “mắc kẹt" ở dãy nhà trọ bị phong tỏa, mọi nhu yếu phẩm đều phải trông chờ trợ giúp bên ngoài.

Tại xóm lao động nghèo ở Bình Dương - nơi những mảnh đời khác nhau nhưng chung nỗi nhớ quê nhà và sự kiệt quệ, mọi người quyết định rời khu nhà trọ, trở về quê nhà.

Bỏ phố về quê, khái niệm trước nay thường chỉ những người muốn tìm không gian sống mới, nhưng trong đại dịch, đồng nghĩa sự chạy trốn và bất lực.

Có những bạn trẻ vì công việc hay sự an toàn của gia đình bám trụ lại thành phố, để rồi mỗi ngày đều đặn nhận các cuộc gọi thấp thỏm từ gia đình.

Zalo anh 9

Minh Huệ (24 tuổi) sống một mình, cả ngày quanh quẩn trong nhà với chiếc điện thoại và laptop.

Người ở tâm dịch lo lắng tình hình ở quê, người ở quê cũng ngày ngày như “lửa đốt”. Huệ đã có những ngày khó quên như thế ở ngưỡng tuổi 24.

“Trước khi thành phố phong tỏa, mẹ gọi dồn dập kêu bỏ hết, về nhà. Nhưng tôi đang trong vùng phong tỏa vì có ổ dịch, trở về quê lúc này vô tình mang đến nguy hiểm cho gia đình. Vậy là tôi quyết định ở lại thành phố. Mẹ và bà ngoại gọi video call, khóc như mưa. Tôi bên này cũng như lửa đốt trong lòng”, cô gái chia sẻ.

Để mẹ yên tâm, Huệ tạo cho mẹ một tài khoản Zalo, mỗi ngày, cô đều đặn gửi hình, chụp lại những bữa cơm. Lúc xong việc, cô gọi video nói chuyện với gia đình.

Zalo anh 10

Trong khoảng thời gian giãn cách xã hội tại TP.HCM, cô gái thường xuyên cập nhật tình hình ăn uống, sức khỏe cho mẹ.

“Nhờ vậy, mẹ cũng yên tâm hơn nhiều, nhìn thấy con khỏe mạnh nên bà không khóc nữa. Những ngày khó khăn đó đã giúp tôi nhận ra gia đình quan trọng hơn bao giờ hết”, cô chia sẻ.

Câu chuyện của Huệ hay nỗi buồn nơi xóm trọ chỉ là 2 trong rất nhiều nốt lặng giữa đại dịch. Trong những ngày khó khăn nhất cuộc đời, những cuộc gọi, tin nhắn từ người thân đã mang đến sự kết nối ấm áp, xoa dịu đi nỗi đau trong giai đoạn khó khăn, giúp mọi người vượt qua và sống chung với Covid-19.

Zalo anh 11

Giang Tiểu San

Bình luận

Bạn có thể quan tâm