Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những nữ anh hùng thời chiến bất tử trên màn ảnh Việt

Dù trải qua mưa bom lửa đạn nhưng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam vẫn được tái hiện chân thật và dung dị qua từng thước phim.

Chị Tư Hậu - Phim Chị Tư Hậu (1962)

Chị Tư Hậu là một phim truyện nhựa của điện ảnh Việt Nam, do hãng Phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1962, đạo diễn Phạm Kỳ Nam chỉ đạo. Phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học Một chuyện chép ở bệnh viện của nhà văn Bùi Đức Ái viết năm 1958.

Chị Tư Hậu - một tượng đài bất tử trong nền điện ảnh cách mạng Việt Nam
Chị Tư Hậu - một tượng đài bất tử trong nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Có thể nói Chị Tư Hậu đã trở thành tác phẩm mẫu mực, kinh điển của điện ảnh Việt Nam với những sáng tạo nổi bật về ngôn ngữ điện ảnh trên nền một câu chuyện xúc động. Bộ phim kể về chị Tư Hậu, người phụ nữ sống trong thời chiến, chịu nhiều vất vả, tủi nhục. Trong một trận càn của giặc Pháp, chị Tư Hậu bị cưỡng hiếp. Nỗi đau ấy khiến chị suýt tự tử nhưng khi nghe tiếng khóc xé lòng của đứa con nhỏ khát sữa, chị bừng lên ý nghĩ phải sống, phải chiến đấu, phải đòi lại hạnh phúc, giành lại quyền sống, quyền được bình yên cho đồng bào. Tuy gặp nhiều đau khổ, bất hạnh, chồng hy sinh, con bị giặc bắt, nhưng với sự trưởng thành và cứng rắn qua đạn bom gian khổ, chị Tư Hậu ngày càng vững vàng hơn để trở thành một nữ chiến sĩ cách mạng kiên cường.

Một số cảnh trong phim
Một số cảnh trong phim

Bộ phim nhận về nhiều giải thưởng lớn như giải Bạc LHP Quốc tế Moskva 1963, Bông Sen Vàng LHP Việt Nam 1973, được trình chiếu liên tục tại nhiều quốc gia trên thế giới trong các liên hoan phim, tuần phim, chương trình trao đổi văn hóa… Với vai diễn chị Tư Hậu, Trà Giang đã trở thành gương mặt tỏa sáng trên bầu trời điện ảnh cách mạng Việt Nam. Bà đã minh chứng chân lý: người diễn viên nên khai thác triệt để tính sáng tạo của bản thân nhằm thể hiện một cách sâu sắc hơn, chuẩn xác hơn tư tưởng cũng như tư duy hình ảnh của đạo diễn.

NSND Trà Giang - người thể hiện xuất sắc vai diễn chị Tư Hậu
NSND Trà Giang - người thể hiện xuất sắc vai diễn chị Tư Hậu

Chị Út Tịch - Phim Mẹ vắng nhà (1979)

Mẹ vắng nhà là bộ phim được chuyển thể từ truyện ngắn nổi tiếng Người mẹ cầm súng của nhà văn Nguyễn Thi. Chuyện lấy nguyên mẫu chị Nguyễn Thị Út. Cả hai vợ chồng chị đều là những chiến sĩ trinh sát dũng cảm và mưu trí, tham gia kháng chiến, lập được nhiều thành tích trong việc tiêu diệt và tịch thu vũ khí của giặc. Dù vướng 9 con nhỏ nhưng chị Út Tịch vẫn không để chuyện gia đình ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu. Như thấu hiểu công việc của cha mẹ, các con của chị Út đều sớm có tinh thần tự lập, chăm sóc, bảo ban lẫn nhau để mẹ cha an tâm công tác. Trong một trận oanh kích bằng máy bay B52 của Mỹ vào ngày 27/11/1968 xuống vùng Tân Châu, Châu Đốc (nay thuộc tỉnh An Giang), chị Út Tịch và người con gái thứ 3 không may tử thương. Khi đó cô con gái út của chị mới được 14 ngày tuổi.

Khi chuyển thể tác phẩm cảm động này thành phim, đạo diễn Nguyễn Khánh Dư giữ nguyên được hồn cốt, tinh thần tác phẩm và thu hút được sự yêu mến của khán giả. Mẹ vắng nhà không chỉ nêu bật được tình yêu thương của một người mẹ dành cho các con mà còn nói lên lòng trung thành và tình yêu quê hương đất nước của người phụ nữ dũng cảm. Chị Út Tịch – người mẹ trong Mẹ vắng nhà không chỉ là tấm gương sáng, là niềm tự hào của các con mình mà còn là đại diện tiêu biểu của rất nhiều người mẹ thời chiến.

Chị Sứ - Phim Hòn đất (1983)

Hòn Đất được chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Anh Đức, bắt nguồn từ câu chuyện có thật về cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân miền Nam trong giai đoạn chiến tranh đặc biệt. Hòn Đất là một thiên sử thi điện ảnh bi tráng với các tuyến nhân vật được xây dựng công phu và đã trở nên nổi tiếng trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, trong đó nổi bật nhất là nhân vật chị Sứ.

Bộ phim mô tả cuộc chiến ác liệt đầu năm 1961 giữa một bên là những du kích Hòn Đất chỉ với những vũ khí thô sơ và bên kia là đội quân Sài Gòn cùng các cố vấn Mỹ hùng hậu với những vũ khí tối tân. Trong cuộc đối đầu ấy, những mất mát, hy sinh là không tránh khỏi, nhưng những chiến sĩ Hòn Đất dũng cảm đã vượt qua tất cả để chiến thắng mọi mưu đồ thâm hiểm nhất của kẻ thù.

Nổi bật trong bộ phim là hình tượng chị Sứ, một nữ du kích đằm thắm, dịu dàng nhưng vô cùng bất khuất, ngoan cường trước quân địch. Bị địch bắt, tra tấn, hành hạ dã man nhưng chị Sứ vẫn cắn răng, không khai nửa lời về đồng đội. Hình ảnh người con gái Kiên Giang với suối tóc dài chấm gót bị kẻ địch dùng dao chém, gậy đâm đã khiến bao thế hệ người xem ứa nước mắt và sôi sục lòng căm thù quân địch bất nhân, tàn độc. Cuối cùng, chị Sứ chấp nhận bị giặc chặt đầu để bảo toàn sự sống cho đồng đội, bảo vệ lý tưởng cách mạng mà chị nguyện suốt đời đeo đuổi.

Hình tượng chị Sứ được xây dựng từ nguyên mẫu hình ảnh nữ anh hùng Phan Thị Ràng – một người con vùng đất xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Bộ phim Hòn Ðất của đạo diễn Hồng Sển (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Anh Ðức) từng gây tiếng vang lớn trong làng điện ảnh cách đây gần 30 năm. Vai nữ chính (chị Sứ) được giao cho người lần đầu đóng phim: cô giáo Ngô Thị Hiệp Ðịnh (sinh năm 1954), giáo viên dạy Sử của Trường trung học sư phạm TP.HCM. Sau vai diễn để đời này, Hiệp Ðịnh trở về với nghề dạy học dù không ít đạo diễn mời bà tham gia các phim khác.

Chị Võ Thị Sáu - Phim Người con gái đất đỏ (1994)

Bộ phim Người con gái đất đỏ của đạo diễn Lê Dân được xây dựng nguyên mẫu từ cuộc đời nữ anh hùng Võ Thị Sáu, một người con vùng đất Bà Rịa anh hùng.

Chị Sáu tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi với vai trò liên lạc, tiếp tế. Năm 17 tuổi, chị bị chính quyền Pháp bắt và kết án tử hình vì đã ném lựu đạn tại chợ Đất Đỏ, giết chết cai tổng Tòng và gây thương tích cho 20 tên lính Pháp. Sau gần 3 năm tra tấn, giam cầm, quân Pháp đưa chị ra giam ở Côn Đảo. Do chị Võ Thị Sáu chưa đủ 18 tuổi nên quân Pháp không dám công khai hành quyết mà lén lút đem chị đi thủ tiêu. Người con gái vùng đất đỏ đã ngã xuống vùng đất Côn Đảo khi vẫn chưa đủ tuổi thành niên, trở thành huyền thoại sống ngàn đời về lòng yêu nước, ý chí tiêu diệt quân thù.

Ca sĩ Thanh Thúy đến nay vẫn được nhắc đến với hình tượng chị Võ Thị Sáu ngày nào
Ca sĩ Thanh Thúy đến nay vẫn được nhắc đến với hình tượng chị Võ Thị Sáu ngày nào

Vai diễn người anh hùng Võ Thị Sáu được giao cho Thanh Thúy – một ca sĩ, diễn viên thuộc đoàn Nghệ thuật Quân khu 7. Khi ấy chị cũng mới 17 tuổi, vừa đoạt giải nhất cuộc thi Tiếng hát truyền hình TP.HCM 1994 với bài hát Biết ơn chị Võ Thị Sáu. Đạo diễn Lê Dân rất ấn tượng với hình ảnh cô gái trẻ biểu diễn ca khúc cách mạng thật trong trẻo và tình cảm nên mời vào vai nữ anh hùng Võ Thị Sáu trong phim Người con gái đất đỏ. Không phụ lại sự tin yêu đó, Thanh Thúy đã diễn xuất nhập tâm gây ấn tượng mạnh cho người xem.

10 cô gái ngã ba Đồng Lộc - Phim Ngã ba Đồng Lộc (1997)

Ngã ba Ðồng Lộc là một địa danh lịch sử nằm tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Nơi ấy, 10 cô gái thanh niên xung phong của tiểu đội thanh niên xung phong đã vĩnh viễn ngã xuống khi tuổi đời phơi phới với đầy khát vọng sống, khát vọng yêu thương, khát vọng hạnh phúc. Với quyết tâm “tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả để chiến thắng”, họ đã gác lại đằng sau mọi mơ ước đời thường, quyết tâm bám trụ tại tọa độ chết người – ngã ba Đồng Lộc.

Mười cô gái ấy đã anh dũng hy sinh khi tuổi mới vừa tròn mười chín, đôi mươi. Các chị ra đi nhưng sự anh dũng của các chị sẽ mãi gắn với nền hòa bình dân tộc, gắn với con đường huyền thoại, để ngã ba Ðồng Lộc không còn là một tên riêng. Mảnh đất thiêng liêng nơi đây trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại khốc liệt của quân và dân ta. Địa danh lịch sử này đã nhiều lần đi vào thơ văn, phim ảnh.

Cuộc sống của 10 cô gái trẻ vùng chiến trường ác liệt. Tuy sống giữa mưa bom bão đạn nhưng các chị vẫn giữ được sự can đảm, tinh thần lạc quan, yêu đời.

Lấy nhân vật trung tâm là mười cô gái anh hùng Tần, Cúc, Hạ, Hường… đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã tái hiện cuộc sống của tiểu đội thanh niên xung phong anh hùng qua bộ phim Ngã ba Đồng Lộc. Qua những tình tiết chân thực, đời thường của phim, người xem càng thấy được sự tàn khốc của chiến tranh bao nhiêu thì lại càng cảm phục sự quả cảm của các nữ anh hùng bấy nhiêu. Giữa vùng "tọa độ chết", mỗi một mét vuông có đến 3 quả bom địch, các chị vẫn anh dũng chiến đấu, hồn nhiên sống, làm nhiệm vụ rà phá bom mìn, sửa đường thông xe cho bộ đội ta ra mặt trận. Công việc của các chị âm thầm nhưng vô cùng nguy hiểm, đóng góp không nhỏ vào cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta. Dù biết chỉ một sơ suất nhỏ khi chạm vào ngòi kích nổ của bom có thể khiến hi sinh tính mạng nhưng không một ai sợ sệt. 10 nữ thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành 10 đóa hoa bất tử đi vào lịch sử Việt Nam.

Bộ phim cảm động, làm người xem sống lại một thời hào hùng đã nhận được nhiều giải thưởng, trong đó có giải Ủy ban Bảo vệ hòa bình tại Liên hoan phim Bình Nhưỡng năm 1998, giải Bông sen vàng Liên hoan phim Quốc Gia năm 1999.

Bác sĩ Đặng Thùy Trâm - Phim Đừng đốt (2009)

Năm 2005, cuốn sách Nhật kí Đặng Thùy Trâm đã tạo nên một hiện tượng văn học trong giới trẻ chỉ sau vài tuần phát hành. Qua những trang viết còn sót lại của nữ bác sĩ, chiến sĩ Đặng Thùy Trâm, công chúng, đặc biệt là giới trẻ thêm hiểu, thấm thía và cảm phục tinh thần chiến đấu, hi sinh của thế hệ cha anh thời bom đạn. Bốn năm sau đó, đạo diễn Đặng Nhật Minh đưa cuốn nhật kí này lên màn ảnh, lấy tên Đừng đốt. Cũng giống như nguyên bản văn học, bộ phim tạo nên tiếng vang lớn trong nhiều liên hoan phim quốc tế khắp năm châu.

Cuộc đời sống và chiến đấu của bác sĩ trẻ Đặng Thùy Trâm được tái hiện qua bộ phim Đừng đốt.
Cuộc đời sống và chiến đấu của bác sĩ trẻ Đặng Thùy Trâm được tái hiện qua bộ phim Đừng đốt.

Ban đầu, bộ phim được mang tên Đừng đốt, trong đó đã có lửa. Đây là lời nói của Huân, sĩ quan Việt Nam cộng hoà, trước khi trao cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm cho Frederic Whitehurst, người lưu giữ nó trong suốt mấy chục năm. Sau đó Đặng Nhật Minh, tác giả kịch bản kiêm đạo diễn quyết định rút ngắn tên phim lại thành hai từ đơn giản Đừng đốt.

Nhân vật chính trong phim là liệt sĩ – bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm và những tháng ngày sống, công tác tại chiến trường Đức Phổ, Quảng Ngãi. Khi lệnh sơ tán khẩn cấp được ban bố, các bác sĩ và thương binh di chuyển hết, chỉ còn bác sĩ Trâm cùng hai y tá được phân công ở lại chăm sóc những thương binh quá nặng.

Ðồng đội ra đi với lời hẹn ba ngày sau quay lại đón. Nhưng họ chờ đã ba ngày, sáu ngày, chín ngày. Họ bị bỏ quên giữa chiến trường, trên đầu là máy bay, bom đạn và những trận mưa rừng nhiệt đới, xung quanh đầy biệt kích. Đêm đêm bên ngọn đèn dầu, nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ người yêu, nữ bác sĩ trẻ Hà thành viết lại những trận bom và những nỗi đau cô phải chứng kiến lên trang nhật kí. Nhưng thật đau xót, cô gái tài năng, bản lĩnh ấy phải vĩnh viễn nằm lại nơi trận địa ác liệt trước khi giấc mơ hòa bình trở thành hiện thực. Năm 1990, tức 20 năm sau ngày cô mất, gia đình mới được đón cô trở về với mảnh đất Thủ đô yêu dấu.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi công chiếu, Đừng đốt đã nhận nhiều giải thưởng danh giá như giải khán giả bình chọn của LHP Fukuoka ở Nhật Bản, giải Bông sen vàng, Cánh diều vàng, được công chiếu tại nhiều nước trên thế giới.

http://www.tiin.vn/chuyen-muc/phim/nhung-nu-anh-hung-thoi-chien-bat-tu-tren-man-anh-viet.html

Theo Huyền Trang/Báo Đất Việt

Bạn có thể quan tâm