Cả hai đều chạm đến những dấu mốc khó khăn của tuổi già, với hai tư cách: nghệ sĩ và phụ nữ, ở hai độ tuổi khác nhau.
Già cỗi, nhảy nhót và cô đơn
“Đừng kìm hãm tôi” – Yoko Ono, người vợ của John Lennon quá cố, viết một bức thư có tiêu đề như thế nhân dịp tròn 82 tuổi vào ngày 18/2 vừa qua. Còn Madonna vừa ngã ngửa trên sân khấu lễ trao giải âm nhạc Anh (Brit Awards) tuần qua, trong màn biểu diễn được kỳ vọng là sự trở lại hoành tráng sau 20 năm tại giải thưởng này. Nhiều người cho tai nạn đó là vì tuổi tác.
Trong bức thư công khai “Don’t stop me” (Đừng kìm hãm tôi), Ono thừa nhận một thực tế: công chúng thấy kỳ lạ khi bà vẫn tiếp tục sáng tác và biểu diễn âm nhạc ở độ tuổi này.
“Tôi không muốn già cỗi, ốm yếu như nhiều người cùng lứa với mình. Đừng biến tôi thành một con người già cỗi khác” – bà bắt đầu lá thư - “Tôi chỉ sợ một điều thôi. Thái độ chỉ trích bất công với tuổi già cuối cùng cũng ảnh hưởng đến tôi. Vì nhảy nhót trong một xã hội định kiến tuổi già thực ra rất cô đơn”. Năm 2013, Ono trên 80 tuổi mặc quần short cực ngắn trong MV Bad dancer gây tranh cãi.
“Cô đơn” là một từ chính xác. Ono là một trong những nghệ sĩ già nhất hiện nay vẫn duy trì sự nghiệp nghệ thuật đa ngành. Tuổi tác giờ đây trở thành một trong những thách thức với bản thân bà. Nhưng không cần phải sống đến 82 tuổi, người ta mới cảm thấy điều đó.
Madonna, ở tuổi 56, thức dậy vào buổi sáng sau lễ trao giải âm nhạc Anh hôm 25/2 để thấy rằng, trên Twitter, có hàng trăm bình luận cho rằng cô ngã nhào trên sân khấu vì đã già và không còn phản xạ nhanh nhạy như xưa.
Trước khi chỉ trích lại những bình luận “trẻ trâu” như thế, nên dành chút thời gian suy ngẫm. Madonna cũng từng có thái độ kẻ cả như vậy với tuổi già, thời cô mới 23 tuổi. Không ai có thể trách móc những người trẻ tuổi khi họ coi tuổi già như một thứ đáng sợ, đáng thương hại.
Và trớ trêu thay, chính Ono, ngay giữa tuổi già của mình, cũng mô tả nó như một thứ bà muốn chối bỏ - ốm yếu, suy giảm sức hút, dễ dàng đối diện với chỉ trích nếu chỉ hơi nổi loạn.
Madonna (trái) và Yoko Ono, hai phụ nữ mạnh mẽ của âm nhạc thế giới. |
Cưỡng lại thời gian
Bất công với tuổi già đang ảnh hưởng đến cả nam giới và nữ giới trong xã hội. Còn trong ngành công nghiệp âm nhạc, ảnh hưởng đến nữ giới là rõ rệt hơn. Chỉ cần bạn qua tuổi 40, điều đó có thể xảy ra. Một ngày bạn nhìn vào gương và nhận ra những dấu hiệu tuổi tác đã xuất hiện. Tuổi trẻ nhường chỗ cho thứ gọi là sự trưởng thành. Nhưng cũng từ đó, bất công cũng bắt đầu, đó là một cảm giác riêng tư của mỗi người, nhưng lại phổ biến đến nỗi bất cứ ai cũng gặp phải.
Các nghệ sĩ, mỗi người có một cách tiếp cận tuổi già của riêng mình. Yoko Ono công khai chê bai tuổi già, đẩy vấn đề ra xa bản thân mình. Trong khi đó, Madonna lờ đi, tiếp tục hẹn hò với những nam người mẫu thuộc lứa tuổi con mình, vẫn mặc đồ táo bạo và cố gắng bắt kịp những xu hướng của thời internet. Sau cú ngã kể trên, cô bị thương và khá đau đớn, nhưng những gì diễn ra trên sân khấu là Madonna đứng dậy tức khắc và tiếp tục hát múa. “Nữ hoàng nhạc pop” hành xử như cô vẫn ở tuổi 20.
Nam ca sĩ Iggy Pop nổi tiếng với phong cách không mặc áo khi biểu diễn trên sân khấu. Nhưng khi 67 tuổi, ông xuất hiện trong các quảng cáo về bảo hiểm nhân thọ hơn là tiếp tục phô ra thân hình của một người đàn ông sau tuổi 60. Đại thụ âm nhạc Tony Bennett tuổi 88 vẫn đi lưu diễn, cộng tác cùng giọng ca thuộc hàng cháu chắt Lady Gaga.
Riêng Madonna, từ lâu cô đã tạo ấn tượng muốn cưỡng lại thời gian. Cô gái đầy nổi loạn của thập niên 1980 muốn vượt lên trên thái độ ái ngại, xa lánh của xã hội đối với phụ nữ lớn tuổi, muốn khẳng định mình vẫn là một nghệ sĩ thành công, một phụ nữ hấp dẫn ở độ tuổi trung niên.
Có một danh sách dài những người mẫu, vũ công tuổi 20 từng là người yêu của Madonna. Báo chí gọi họ bằng một danh từ không khoan nhượng: cậu bé đồ chơi (toy-boy).