Những ông chồng bị vợ... bạo hành
Khảo sát tại Canada, có tới 8% số phụ nữ bị chồng bạo hành nhưng cũng có tới 7% số đức lang quân bị vợ "ăn hiếp".
>>Chuyện những ông chồng bị bạo hành
>>Bạo hành câm
Ảnh minh họa
Đề cập đến vấn đề bạo hành, người ta thường nghĩ nạn nhân là phụ nữ “chân yếu tay mềm”. Nhưng hiện tại đang xảy ra một sự thật cũng rất phổ biến trong đời sống gia đình, đó là ngày càng có nhiều người chồng bị vợ đánh đập, chì chiết, thậm chí sát hại...
Giấu chuyện bị vợ đánh vì... sĩ diện
Theo thống kê chưa đầy đủ của Viện Khoa học xét xử (Tòa án Nhân dân tối cao), trong 10.608 vụ án hôn nhân và gia đình được xét xử, có 42% số vụ án ly hôn mà nguyên nhân từ bạo lực gia đình. Trong đó, tỷ lệ vợ đánh chồng là 0,6%, vợ mắng chửi chồng là 8,5%, vợ ép chồng quan hệ tình dục là 1,6%.
Tuy nhiên, nhiều nhà xã hội học cho rằng, con số trên là tương đối thấp vì đàn ông bị vợ bạo hành đang là xu hướng khá phổ biến. Bởi trên thực tế, ít có người đàn ông nào lại tự vỗ ngực khoe rằng trong cuộc sống, họ không bao giờ bị các bà vợ chì chiết hay cấm vận... “chuyện ấy”.
Nghiên cứu của các nhà xã hội học phương Tây cho thấy, nạn chồng bị vợ ăn hiếp rất phổ biến trong gia đình thuộc mọi giai tầng xã hội. Khảo sát tại Canada, có tới 8% số phụ nữ bị chồng bạo hành nhưng cũng có tới 7% số đức lang quân bị vợ "ăn hiếp".
Sophie Torrent - chuyên gia xã hội học người Thụy Sĩ đã thực hiện một cuộc điều tra nghiên cứu về chủ đề bạo hành ngược tại Đại học Fribourg bằng cách phỏng vấn các ông chồng bất hạnh nhất. Dưới đây là những hình thức bạo hành phổ biến nhất rút ra từ nghiên cứu của bà:
Chửi bới, đay nghiến:Đàn ông sợ nhất là bị đay nghiến, chì chiết, mạt sát trước đám đông. Chê bai bất cứ việc gì chồng làm, so sánh chồng mình với chồng người khác, ghen bóng ghen gió vô căn cứ, hay gây gổ bất cứ chuyện nhỏ hay chuyện lớn, kiểm soát sinh hoạt riêng tư, kiểm soát chi tiêu... Tác giả Sophie Torrent cho rằng, bạo hành tâm lý vô cùng tinh vi, đầy ẩn ý, có chủ đích khiêu khích khiến người chồng phải tức khí, nổi nóng và phản ứng lại bằng bạo lực, như đập bàn ghế, sử dụng vũ lực để phản kháng. Nhưng lúc ấy chính đàn ông đã sập bẫy phụ nữ, vì nạn nhân của bạo hành đã thành thủ phạm.
Hạ thấp vai trò của đàn ông: Hình thức “cấm vận” của các bà vợ khiến đàn ông cực kỳ khổ sở, tâm lý căng thẳng. Chê bai chồng kém trong “chuyện ấy”, cũng là hình thức tra tấn tâm lý đàn ông một cách ghê gớm. Ngoài ra, theo ý kiến của các nam tử bị bạo hành, nỗi đau còn tăng gấp bội khi họ bị vợ hạ thấp nhân phẩm trước mặt bạn bè và con cái. Đó là chưa kể chuyện nhiều ông chồng thường xuyên bị vợ “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”, dùng hung khí sát thương phải vào bệnh viện cấp cứu.
Tổn thương về thể xác, tinh thần
Người đàn ông bị vợ áp chế thường bị tổn thương rất nặng cả về thể xác lẫn tâm hồn, cả trong sinh hoạt, công việc và giao thiệp xã hội. Hậu quả là đàn ông rơi vào trạng thái tâm lý lo âu, buồn chán, trầm cảm, mất tự tin. Họ cảm thấy bất lực, mệt mỏi và muốn tránh xa tổ ấm. Đặc biệt, đàn ông lớn tuổi dễ bị trầm cảm hơn khi vợ bạo hành.
Sống với người vợ bạo hành, đàn ông muốn giải thoát cuộc hôn nhân cũng không phải là dễ dàng. Thứ nhất là sợ mất sĩ diện, thứ hai là sợ mất con vì toà án thường xử chiều hướng có lợi cho phụ nữ. Anh ta sợ nếu ly dị thì anh ta ít có cơ hội gặp con, vai trò làm cha dần mất đi. Ngoài ra, đàn ông bị vợ bạo hành thường có cá tính nhu nhược, sống lệ thuộc vợ, nhất là khoản kinh tế. Sự lệ thuộc tài chính dễ dẫn tới lệ thuộc về tinh thần.
Theo Sophie Torrent, bạo hành gia đình cần phải có hai người, nó là hậu quả của một lực giao lưu phản hồi có qua có lại. Chính vì thế, khi bị vợ bạo hành, nhiều ông chồng nghĩ mình cũng có một phần trách nhiệm trong đó. Anh ta không dám phản kháng mạnh vì nghĩ rằng, mình có những kế hoạch để làm cho cuộc sống tốt lên.
Tâm lý “sợ vợ mình chứ đâu phải sợ vợ người ta” cũng là một phép thắng lợi tinh thần giúp nhiều đàn ông sống qua ngày bên các bà vợ dữ dằn. Câu chuyện này giống như chuyện về nhà triết học người Hy Lạp cổ đại Socrates. Ông ta là một người cực kỳ sợ vợ, thậm chí trước mặt các môn đệ, bạn bè. Nhưng Socrates vẫn khuyên người đời là nên lấy vợ, vì theo ông nếu gặp được một cô hiền lành, nết na thì nhà cửa trong ấm ngoài êm, còn không may vớ phải bà vợ “sư tử Hà Đông” thì biết đâu lại trở thành một triết gia?
Theo Gia Đình & Xã Hội