Nhưng tất nhiên, đôi khi báo chí và giới phê bình phải lắc đầu ngán ngẩm khi một bộ phim dở tệ mà họ chỉ trích không tiếc lời lại thành công vang dội tại phòng vé. Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả trái ngược này.
Một trong số đó là sức ảnh hưởng quá lớn của bộ phim và lượng fan đông đảo từ tác phẩm gốc vượt lên trên chất lượng của nó. Tháng 8 năm ngoái, tháng thấp điểm nhất trong mùa phim hè của Hollywood “nóng” lên với bom tấn Suicide Squad thuộc Vũ trụ Điện ảnh DC (DCEU).
Suicide Squad bị chỉ trích dữ dội nhưng vẫn ăn khách. Ảnh: DC. |
Tuy nhiên, chỉ vài ngày trước khi ra rạp, Suicide Squad nhận cơn mưa “bom” chỉ trích của giới phê bình với số điểm rất tệ hại: 40% trên trang Metacritic và 25% trên Rotten Tomatoes.
Trước phản ứng tiêu cực của giới phê bình và báo chí, đạo diễn David Ayer đăng đàn với câu trích dẫn nổi tiếng của người anh hùng Mexico Zapata (từng được lên phim do huyền thoại Marlon Brando đóng): “Thà chết đứng còn hơn sống quỳ”.
Ý ông Ayer muốn nói là ông không quỵ lụy giới phê bình và làm bộ phim này “vì khán giả và fan của bộ truyện tranh”. Tức giận trước làn sóng chỉ trích của giới truyền thông, những người hâm mộ bộ truyện tranh DC cũng khiêu chiến trực tiếp với giới phê bình và thậm chí còn kích động “đánh sập” trang Rotten Tomatoes.
Bị báo chí dội bom, phim vẫn sống khỏe
Nhưng bất chấp phản ứng tiêu cực của giới phê bình và những ồn ào xung quanh bộ phim, Suicide Squad vẫn có màn xuất quân ấn tượng với 267 triệu USD từ 59 quốc gia trong 3 ngày cuối tuần đầu tiên, lập kỷ lục là phim ăn khách nhất trong tháng 8 từ trước đến nay.
Suicide Squad kết thúc với tổng doanh thu lên đến 745 triệu USD khắp toàn cầu). Tương tự, Batman vs. Superman: Dawn of Justice, một siêu phẩm của DC tung ra vào tháng 3 năm 2016, cũng nhận số điểm thấp của giới phê bình (27% Rotten Tomatoes) nhưng thu về tới 873 triệu USD doanh thu toàn cầu.
Chiến thắng của Batman vs. Superman và Suicide Squad khiến giới phê bình đặt ra câu hỏi tại sao một bộ phim dở vẫn chiến thắng phòng vé? Một trong những nguyên nhân được đưa ra là do sức ảnh hưởng từ hai bộ truyện tranh của DC quá lớn. Khán giả bất chấp những phản ứng tiêu cực của giới phê bình để đến rạp ủng hộ những người hùng của họ.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng không phải là giới phê bình không có tác động đến sự thành công về doanh thu của hai bộ phim này. Nếu chúng được đánh giá tích cực, chắc chắc doanh thu không chỉ dừng lại ở mức trên dưới 800 triệu USD toàn cầu mà có thể vượt mốc 1 tỷ USD, điều mà những bom tấn của Marvel - đối thủ của DC - làm được khá dễ dàng trong vài năm qua.
Và nhận định đó càng được củng cố khi mùa hè năm nay Wonder Woman - bộ phim siêu anh hùng đầu tiên của DC được giới phê bình khen ngợi - đã có chiến thắng giòn giã tại phòng vé và hiện đang dẫn đầu doanh thu phim ăn khách nhất mùa hè năm nay.
Batman v Superman: Dawn of Justice gây thất vọng nhưng vẫn đạt doanh thu tốt. Ảnh: DC. |
Thành công của hai siêu phẩm DC hè năm ngoái khiến những người quan tâm đến thị trường điện ảnh lục lại những trường hợp tương tự trong quá khứ và đưa ra những phân tích về thị hiếu của khán giả cũng như văn hóa đại chúng.
Năm 1988, sau khi Top Gun đưa Tom Cruise trở thành siêu sao có sức ảnh hưởng toàn cầu, bộ phim lãng mạn Cocktail của anh ra mắt. Phim bị giới báo chí chê bai thậm tệ, nhận số điểm thấp kỷ lục là 5% trên Rotten Tomatoes.
Một trong những nhận xét “cay độc” nhất là của cây bút Ben Yogoda thuộc tờ Philadelphia Daily News: “Triết gia Hannah Arendt từng viết trong một tác phẩm về sự tầm thường của ác quỷ. Sau khi xem xong bộ phim Cocktail, tôi muốn viết về... ác quỷ của sự tầm thường”.
Mặc những chỉ trích dữ dội, nụ cười quyến rũ của Tom Cruise vẫn lôi kéo phụ nữ đến rạp và thu về tới 171 triệu USD (tính trượt giá là 337 triệu USD ở thời điểm hiện nay) so với mức kinh phí 20 triệu USD. Cocktail một lần nữa củng cố quyền lực của Tom Cruise.
Nhờ fan cứu vớt
Nếu không có siêu sao quyền lực như Tom Cruise, một phim dở cũng phải có một “bí quyết” nào đó để chiến thắng phòng vé, như người ta từng lý giải thành công của thảm họa điện ảnh The Last Airbender (2010) của đạo diễn gốc Ấn M.N. Shyamalan.
The Last Airbender nhận số điểm 6% Rotten Tomatoes. Trên báo The Guardian, nhà phê bình Peter Bradshaw viết đầy hài hước: “Sau khi chỉ xem năm phút đầu tiên, bạn sẽ có cảm giác như bạn vừa bị tra tấn suốt hai tiếng rưỡi. Theo đó nhân lên, bạn có cảm giác như vừa trải qua bốn ngày rưỡi để xem hết bộ phim này”.
Mặc dù vậy, The Last Airbender vẫn thu về tới 319 triệu USD và các nhà sản xuất vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra cho M.N. Shyamalan làm phim, bất chấp số lượng Mâm xôi vàng mà đạo diễn này được đề cử qua mỗi bộ phim ngày càng tăng.
Một bộ phim bị ném “cà chua thối” khác nhưng thành công phòng vé là Sex and the City 2 (2010) với điểm số 15% trên Rotten Tomatoes và 308 triệu USD doanh thu. Phim bị chỉ trích là ăn theo “thấy bở đào mãi”, “vô vị, vô mục đích”, “mô tả đời sống tình dục sống sượng của phụ nữ trung niên ở đô thị”. Nhưng sức hấp dẫn từ loạt phim truyền hình nhiều năm trước vẫn là lý do lôi kéo nhiều chị em đến rạp để được sống lại những ký ức “tình dục và đô thị” của họ.
Lượng fan hùng hậu từ tác phẩm văn chương mà bộ phim chuyển thể, độ phổ biến của series truyền hình mà phim ăn theo, quyền lực của ngôi sao... Nói chung là “quyền lực của văn hóa pop” đại chúng là những nguyên nhân giúp các bộ phim điện ảnh chiến thắng phòng vé, bất chấp sự chê bai của giới phê bình.
Thảm họa điện ảnh The Last Airbender thể hiện không quá tệ ở phòng vé. Ảnh: Collider. |
The Da Vinci Code và Angels and Demons, hai phần đầu của loạt phim chuyển thể từ tiểu thuyết Dan Brown, với ngôi sao Tom Hanks thủ vai giáo sư biểu tượng học Robert Langdon, nhận hai số điểm tiêu cực là 24 và 37% trên trang Rotten Tomatoes, nhưng lần lượt đạt mức doanh thu ấn tượng là 758 và 473 triệu USD.
Lượng fan nữ hùng hậu có sẵn từ tác phẩm văn chương cũng là nguyên nhân đem lại thành công cho những loạt phim chuyển thể, nổi bật nhất là Twilight (Chạng vạng) và Fifty Shades of Grey (50 sắc thái).
Loạt phim Cướp biển vùng Caribbean với quyền lực của ngôi sao Johnny Depp lúc đang còn ở đỉnh cao cũng thành công lớn bất chấp những lời chê bai.. Pirates of the Caribbean: At World’s End nhận số điểm 45% trên Rotten Tomatoes thu về 961 triệu USD, Pirates of the Caribbean: Dead Man’s Chest có số điểm 53% kiếm được tới 1,66 tỷ USD. Và Pirates of the Caribbean: On Stranger Tides chỉ đạt 33% điểm vẫn bỏ túi 1 tỷ USD toàn cầu...
Trong khi đó, thành công vang dội về doanh thu tỷ lệ nghịch với số điểm cà chua thối của cả bốn phần loạt phim Transformers (Người máy biến hình) của nhà sản xuất - đạo diễn Michael Bay. Lý do là độ phổ biến của trò chơi hãng Hasbro và phần nào là khả năng chế biến của ông hoàng cháy nổ khi chuyển thể chúng lên phim.
Chết vì giới phê bình
“Nhưng đừng coi thường sức mạnh của giới phê bình, ngay cả khi sở hữu một thương hiệu mạnh”. Nhận định trong một bài phân tích trên trang Boxofficemojo ngày càng đúng với ngay cả những bộ phim bom tấn có đủ các công thức thành công, nhất là ở thị trường Bắc Mỹ.
Thất bại của Pirates of Caribbean 5 và Transformers 5 trong mùa hè năm nay là những minh chứng xác thực nhất. Hai phần tiếp theo của hai thương hiệu mạnh tỷ đô này đạt doanh thu kém cỏi: 171 và 129 triệu USD tại thị trường Bắc Mỹ, thấp hơn rất nhiều so với các phần trước.
Và không chỉ hai thương hiệu phần tiếp theo nói trên, một loạt phim bom tấn ngã ngựa trong mùa hè doanh thu giảm kỷ lục như năm nay cho thấy sức ảnh hưởng ngày càng lớn của những trang tổng hợp bài phê bình như Rotten Tomatoes và Metacritic.
Những bom tấn được kỳ vọng đạt doanh thu cao trước đó đều thất bại, từ phim sử thi King Arthur: Legend of the Sword đến phim hài làm lại từ series truyền hình cùng tên Baywatch, từ The Mummy (với ngôi sao Tom Cruise) đến The Dark Tower (với Matthew McConaughey).
Doanh thu đáng thất vọng của Transformers The Last Knight cho thấy những lời chê bai của giới phê bình cũng có tác động đáng kể. Ảnh: CBR. |
Cũng phải kể đến siêu phẩm khoa học giả tưởng đầy tham vọng của đạo diễn Pháp Luc Besson là Valerian and the City of a Thousand Planets có nguy cơ lỗ khoảng 150 triệu USD. Tất cả các bom tấn ngã ngựa này đều có một điểm chung là không được lòng giới phê bình và báo chí, nếu không nói là bị “dội bom” từ khi mới ra mắt.
Phải chăng quyền lực của ngôi sao, lượng fan hùng hậu từ các bộ truyện hay series phim truyền hình gốc, sức mạnh của kỹ xảo CGI... đã hết phát huy tác dụng. Và sức mạnh, tiếng nói của giới phê bình ngày càng có sức ảnh hưởng đến quyết định của khán giả khi bỏ tiền ra để mua tấm vé vào rạp?