Tank Girl (1995) (Điểm Rotten Tomatoes: 34%): Ra đời vào giữa thập niên 1990, câu chuyện kỳ lạ lấy bối cảnh hậu tận thế, nơi một cô gái trẻ nổi loạn chống lại tập đoàn tội ác mang tên "Nước & Sức mạnh" từng bị khinh thường và chê bai là "chẳng có gì ngoài mấy cảnh máu me". Nhưng khi thời gian trôi qua, cả nguyên tác lẫn phiên bản chuyển thể Tank Girl được coi là tượng đài của phong trào nữ quyền, chứa đựng nhiều tình tiết táo bạo. Dẫu đây chưa phải là tác phẩm xuất sắc, số điểm 34% là quá thấp so với chất lượng thực sự của bộ phim. Ảnh: United Artists |
The Phantom (1996) (Điểm Rotten Tomatoes: 43%): Vì The Phantom mà tài tử Billy Zane phải vật lộn để duy trì danh tiếng cũng như sự nghiệp. Khi đó, người ta tự hỏi liệu phép lạ nào đã khiến đạo diễn Simon Wincer thực hiện một tác phẩm về gã người hùng mặc đồ bó màu tím trông nực cười khó tả. Nhưng sau 20 năm, công chúng sẽ thấy The Phantom mang nỗ lực vượt ra khỏi dòng phim siêu anh hùng thông thường, cố gắng hướng đến dòng giễu nhại như Kick-Ass hay Deadpool sau này. Ngoài ra, phần hành động của bộ phim là khá tốt, có nhiều cố gắng trong việc tạo ra sự khác biệt. Ảnh: Paramount |
Blade (1998) (Điểm Rotten Tomatoes: 54%): Đây là bộ phim siêu anh hùng mở đường cho sự ra đời của X-Men và Spider-Man sau này, nhưng lại bị giới phê bình chê bai khi ra mắt năm 1998. Trên thực tế, hình tượng nhân vật Blade của Wesley Snipes là rất hoàn hảo, với thanh kiếm sắc bén hạ gục nhiều sinh vật ma cà rồng độc ác. Gạt qua phần nội dung có phần “mỏng cơm”, các pha hành động trong Blade đến nay vẫn được coi là hiện đại và đẹp mắt. Ảnh: New Line Cinema |
Blade 2 (2002) (Điểm Rotten Tomatoes: 57%): "Tái xuất giang hồ" sau 4 năm, nhưng Blade vẫn không thể chiều lòng giới phê bình. Dưới bàn tay nhào nặn của đạo diễn kỳ tài Guillermo del Toro, Blade 2 đẩy cao sự kịch tính và bạo lực của phần trước, nhưng các bài bình luận dành cho phim vẫn chỉ ở mức trung bình. Hãy đừng để tâm quá nhiều tới cốt truyện, bởi chỉ riêng phần hành động của tác phẩm, với sự góp mặt của Chân Tử Đan, đã đủ giúp nó rất đáng xem. Ảnh: New Line Cinema |
Constantine (2005) (Điểm Rotten Tomatoes: 46%): Khi mới ra mắt, Constantine bị cả giới phê bình lẫn công chúng tấn công, bởi nội dung phim đi quá xa với nguyên tác truyện tranh Hellblazer. Nhưng nếu nhìn nhận tác phẩm ở góc độ khác, đây thực sự là một phim noir siêu nhiên thành công, chủ yếu nhờ màn thể hiện của Keanu Reeves trong vai chính là một thám tử tâm linh. Cốt truyện của Constantine cũng chứa đựng nhiều tình tiết bất ngờ và giúp bộ phim điện ảnh sở hữu tiếng nói riêng so với “tiền bối” là phiên bản truyền hình mới đây. Ảnh: Warner Bros. |
Man of Steel (2013) (Điểm Rotten Tomatoes: 56%): Tác phẩm đầu tiên thuộc thế giới phim siêu anh hùng DC gây ra nhiều tranh cãi khi mới ra mắt. Dẫu còn nhiều khiếm khuyết ở mặt kịch bản, các yếu tố kỹ thuật như dựng phim, quay phim, kỹ xảo hình ảnh hay âm nhạc hoàn toàn có thể giúp Man of Steel xứng đáng nhận điểm trên 60%. Henry Cavill rõ ràng hợp vai Siêu Nhân hơn nhiều so với Brandon Routh của Superman Returns (2006). Sự ghẻ lạnh mà giới phê bình dành cho bộ phim có lẽ đến từ kỳ vọng quá cao mà họ dành cho tác phẩm của đạo diễn Zack Snyder. Ảnh: Warner Bros. |
Kick-Ass 2 (2013) (Điểm Rotten Tomatoes: 30%):Trước Deadpool, công chúng đã có một phim phản anh hùng vừa hài hước, vừa sâu sắc như Kick-Ass. Dẫu không hay bằng phần một của Matthew Vaughn, Kick-Ass 2 vẫn mang đậm tính giải trí dựa trên nền tảng bạo lực. Tài tử Aaron Taylor-Johnson và người đẹp Chloë Grace Moretz tiếp tục tỏa sáng, mang đến nhiều nét mới mẻ cho hai nhân vật Kick-Ass và Hit Girl. Sự thật là Kick-Ass 2 không tệ như số điểm 30% trên Rotten Tomatoes mà nó phải đón nhận. Ảnh: Universal |
Sin City: A Dame to Kill For (2014) (Điểm Rotten Tomatoes: 43%): Thất bại của bộ phim có lẽ đến từ việc nó ra đời quá lâu sau phần một. 9 năm đủ khiến người ta quên mất Sin City hấp dẫn ra sao và thất bại tại phòng vé càng khiến công chúng nghĩ rằng A Dame to Kill For là một tác phẩm “thảm họa”. Nhưng sự thật không phải như vậy. Nếu ai là người yêu thích nguyên tác truyện tranh Sin City và mang thái độ cởi mở, họ hoàn toàn có thể tìm thấy nhiều điểm thú vị ở phần hai. Chưa kể, chỉ minh tinh Eva Green thôi cũng là một lý do xác đáng để bạn theo dõi A Dame to Kill For. Ảnh: Dimension Films |