Dưới đây là 4 bộ phim ngắn nhận được nhiều tình cảm từ khán giả.
Cô bé câm để dành tiền để ba về ăn Tết
Ra mắt vào ngày đầu năm mới 2013, câu chuyện này này đã khuấy đảo cộng đồng mạng một thời gian khá dài. Hình ảnh cô bé câm với khuôn mặt đầy tâm sự nhưng không nói ra khiến người xem xót xa. Đắt giá nhất là phân cảnh cô bé dùng thủ ngữ để nói với ba qua màn hình máy tính rằng mình đã để dành đủ tiền lì xì, ba không cần phải đi xa làm việc vất vả nữa mà hãy về nhà đón Tết. Suy nghĩ tưởng chừng như đơn giản, ngây ngô nhưng xuất phát từ trái tim chân thành mong mỏi cha về của cô bé khiến nhiều người cảm động.
Sự mong chờ và niềm hy vọng duy nhất của cô bé câm là Tết này cha sẽ về. |
Cái Tết cô đơn của cha mẹ già
Chỉ bằng một câu nói “Cái gì cũng có, chỉ thiếu chúng nó”, phim ngắn Tết 2015 khiến người trẻ ngỡ ngàng nhận ra bao lâu nay mình đã vô tâm với nỗi lòng cha mẹ. Năm này sang năm khác, chúng ta - những đứa con dần trưởng thành, rồi bận bịu với công việc. Khi có gia đình riêng, sự xa cách càng tăng lên, chúng ta quên rằng nơi quê nhà có cha mẹ đằng đẵng đợi chờ mỗi dịp Tết đến. Ý nghĩ chỉ cần để cha mẹ có cuộc sống đầy đủ về vật chất là trọn vẹn, nhưng quan điểm ấy hoàn toàn sai lầm. Điều những người làm cha làm mẹ cần nhất lại chính là khoảnh khắc sum vầy cùng con cháu.
“Cái gì cũng có, chỉ thiếu chúng nó”. |
Lời nói dối của cha
Ngôi sao trong phim Tết 2016 là nhân vật người cha cùng những lời nói dối của mình. Khi nghe điện thoại của con, người cha liên tục nói mình khỏe dù đang đau nhức, phải sắc thuốc uống. Có tiếng cười nói sum họp của gia đình nhà bên, ông lại tiếp tục nói dối rằng có bạn bè đến thăm dù cảnh nhà hiu quạnh, không chút trang hoàng dịp Tết.
Sự đối lập giữa lời của người cha và cảnh thật xót xa đã đánh thức giá trị của gia đình và sự hy sinh của cha mẹ trong lòng nhiều người. Bạn Huy Lâm (nhân viên văn phòng tại quận 1, TP.HCM) chia sẻ: “Xem xong đoạn clip mình mới giật mình, có lúc gọi điện hỏi thăm, ba mẹ cũng đều trả lời y hệt vậy, là ba mẹ khỏe, ở nhà vui. Nhưng giờ nghĩ lại không biết liệu những lần ấy có phải là ba mẹ nói dối để mình an tâm hay không nữa…”.
Khuôn mặt đượm buồn của người cha phải gượng cười nói dối để con yên lòng. |
Những người phải đón Tết xa quê
Khác với các năm trước, phim Tết của Neptune năm nay là một chuỗi những nhân vật rất đời thường trong cuộc sống. Đó là cậu sinh viên nghèo tất tả đi làm thêm trong mùa Tết để có tiền trang trải việc học tập, giúp đỡ gia đình. Cậu sinh viên này đã nói lên tâm sự của rất nhiều bạn sinh viên khác phải đón Tết xa nhà.
Hình ảnh thứ 2 là người công nhân vì miếng cơm manh áo mà phải ở lại nơi xứ người, mong lắm một cái Tết bên người thân nơi quê hương mà không thể thực hiện được. Mảnh ghép thứ 3 là chân dung của những con người hy sinh thầm lặng để mọi người có cái Tết trọn vẹn. Đơn cử như chú lái tàu ngày đêm thực hiện nhiệm vụ, để lại trăn trở: “Chú về thì ai đưa mọi người về đây?”.
Nhân vật tạo ra nhiều tranh luận trong phim Tết năm nay là cô gái trẻ - người vốn thích đi du lịch thay vì ở nhà đón Tết cùng gia đình. Cho đến một ngày khi chỉ còn một mình trong căn nhà lạnh lẽo, lật lại từng trang hộ chiếu, cô mới nhận ra điều đó chẳng có ý nghĩa gì khi ba mẹ đã mãi mãi rời xa mình.
Bạn Xuân Phượng chia sẻ bên dưới clip: “Mình nhớ ai đó đã nói, chúng ta thường bận rộn trưởng thành mà quên mất rằng ba mẹ cũng ngày càng già đi, rồi sẽ chẳng còn bao lâu ở bên cạnh chúng ta nữa. Ngày xưa mình cũng hay đi đây đó với bạn bè vào mấy ngày nghỉ Tết, nhưng những năm nay chỉ muốn ở nhà với ba mẹ thôi, vì không đâu bằng đón Tết với gia đình”.
Mỗi nhân vật đều có những tâm sự rất riêng. |
4 nhân vật trong phim ngắn Tết 2017 của Neptune là bốn hoàn cảnh khác nhau nhưng đều đại diện cho rất nhiều người không có điều kiện về nhà sum họp vào dịp Tết. Một lần nữa Neptune đã tạo được sự đồng cảm và lan truyền mạnh mẽ trong cộng đồng mạng với thông điệp đầy giá trị nhân văn. Mỗi bộ phim đều là lời nhắc nhở người trẻ hãy luôn trân trọng từng giây phút đoàn viên khi còn có thể.