Những phim truyền hình Việt gắn với thanh xuân của sinh viên
Thứ sáu, 4/5/2018 15:22 (GMT+7)
15:22 4/5/2018
Ngoài "Phía trước là bầu trời", "Xin hãy tin em", "Cổng mặt trời", "Ký túc xá" cũng là những bộ phim truyền hình về đề tài sinh viên được nhiều khán giả say mê, yêu thích.
Phía trước là bầu trời (2001): Sau 17 năm, bộ phim của đạo diễn - NSƯT Đỗ Thanh Hải bất ngờ gây bão mạng xã hội những ngày qua. Nhiều khán giả 8X, 9X đã xem lại như để thương nhớ về thời thanh xuân với những câu chuyện xung quanh cuộc sống sinh viên ở trọ, tìm kiếm việc làm hay vấn đề yêu đương mà bộ phim đề cập.
Phía trước là bầu trời xoay quanh 3 nhân vật chính là Nguyệt (Hà Hương), Thương (Thu Nga) và Nhung (Kiều Anh). Cả ba đều xuất thân tỉnh lẻ, vừa tốt nghiệp đại học và chưa có việc làm ổn định. Họ sống trong một xóm trọ sinh viên, nơi mỗi người là một hoàn cảnh, mỗi người là một tính cách. Xóm trọ trong Phía trước là bầu trời cũng như một xóm trọ kiểu mẫu, mà khó có sinh viên tỉnh lẻ nào lại không thấy mình trong đó.
Xin hãy tin em (1997): Ngoài Phía trước là bầu trời,màn ảnh nhỏ từng có nhiều bộ phim về đề tài sinh viên gắn liền với thanh xuân của cả một thế hệ, trong đó không thể không kể đến Xin hãy tin em - bộ phim đầu tay của đạo diễn Đỗ Thanh Hải. Nội dung phim xoay quanh cuộc sống của một nhóm sinh viên trong ký túc xá trường đại học. Trong đó, tâm điểm là nhân vật Hoài “thát- chơ” (Lệ Hằng đóng) và chuyện tình với anh chàng Phong "lãng tử" (Lê Vũ Long).
Phim cũng có sự tham gia của Hoa Thúy trong vai Thắm - một cô bạn tốt bụng, người đã luôn cố gắng giúp Hoài thay đổi. Xin hãy tin em được đánh giá là chân thực trong việc xây dựng cuộc sống của những sinh viên tỉnh lẻ, qua đó chuyển tải nhiều thông điệp về con người, tình yêu, khát vọng. Xin hãy tin em cũng chính là tiền đề để Đỗ Thanh Hải làm phim Phía trước là bầu trời với mục đích kể tiếp câu chuyện về sinh viên và hoài bão tuổi trẻ.
Hướng nghiệp (2005): Phim xung quanh một nhóm bạn trẻ vừa tốt nghiệp đại học trước những ngã rẽ sau khi ra trường. Có người trong số họ chọn sự nghiệp làm đầu, quyết tâm tìm một chỗ đứng vững chắc để khẳng định mình, lại có người tìm kiếm và đi theo tiếng gọi tình yêu. Nhưng giữa họ, tình bạn đẹp vẫn luôn tồn tại và dắt nhau qua những thời điểm khó khăn nhất.
Bộ phim hấp dẫn bởi tính chân thực với đủ các cung bậc yêu thương, hận thù, sa ngã… Trước sự yêu mến của đông đảo người xem, phần 2 cũng đã được sản xuất sau đó, khai thác sâu hơn vào từng mối quan hệ làm ăn, những vấp ngã, sai lầm của các bạn trẻ. Xem phim, khán giả cảm nhận được những chua chát, đắng cay của cuộc đời và đồng cảm cho những bạn trẻ chẳng may sa cơ lỡ bước.
KTX (2007):KTX lấy cảm hứng cuộc sống sôi động của thế hệ trẻ đương thời. Tên phim xuất phát từ việc viết tắt của cụm từ "ký túc xá" cũng như tên của nhóm nhân vật: Kiều, Tuấn, Kiên, Xuân, Tùng... Họ xuất thân từ các vùng quê khác nhau lên TP.HCM học tập và làm việc.
Khai thác chuyện tuổi trẻ và cuộc sống xa nhà, phim gửi thông điệp về trách nhiệm của giới trẻ với gia đình, tình yêu. KTX còn gợi kỷ niệm cho khán giả, nhất là với người xem từng trải qua thời ở ký túc xá, một thời tuổi trẻ đối mặt cám dỗ và nỗ lực hiện thực hóa ước mơ tươi đẹp của mình.
Sóng tình (2009):Sóng tình đề cập đến hiện tượng sống thử của sinh viên. Họ cho rằng thử chung sống có thể phát hiện những ưu khuyết điểm của nhau rõ ràng trước khi tiến đến hôn nhân. Bốn đôi trẻ ở chung xóm trọ, đó là: Hằng - Đạt, Tuấn - Xuyến, Trọng - Diệp, Linh - Trinh. Cặp Hằng - Đạt sống thử với suy nghĩ tiết kiệm được chi phí thuê nhà cũng như quên đi nỗi nhớ gia đình. Hằng (Ngân Khánh) có thai với Đạt (Thành Đạt) nhưng bị anh ruồng bỏ.
Tình yêu rạn nứt buộc Hằng phải phá thai.
Tuấn sống thử với Xuyến. Để có tiền lo cho người yêu, anh lao vào cuộc tình tạm bợ với Mỹ Hà - cô gái giàu có. Là sinh viên trường sân khấu, Trọng và Diệp chỉ lo ăn chơi phung phí, yêu cuồng sống vội. Trọng ngày càng sa ngã và giở trò vũ phu với Diệp. Trình và Linh may mắn hơn những cặp trên. Tuy hai gia đình không môn đăng hộ đối và mẹ Linh nhất quyết bắt Linh về gả nơi giàu có, đôi bạn đã liều sống thử và cương quyết cùng nhau vượt mọi trở ngại để nắm bắt hạnh phúc.
Cổng mặt trời (2010): Là bộ phim truyền hình được yêu thích nhất trên HTV năm 2010, Cổng mặt trời đã được phát đi phát lại nhiều lần trên các kênh sóng khác nhau và được đông đảo khán giả yêu mến, theo dõi. Bộ phim là bước đệm đưa hàng loạt những diễn viên trẻ như Tú Vi, Lê Bê La, Lương Thế Thành... đến gần hơn với công chúng.
Phim xoay quanh năm chàng trai và sáu cô gái trọ đối diện nhà nhau. Mỗi người mang tính cách, xuất thân khác nhau. Thế nhưng, họ có nỗi lo chung là cuộc sống sinh viên thiếu thốn. Sống xa nhà, họ nhiều lần gặp rắc rối trong tình yêu, tình bạn, sa chân vào cám dỗ xã hội.
Chạm tay vào nỗi nhớ (2013): Thuộc thể loại tâm lý hình sự, song phim lại tập trung đề cập đời sống, tình cảm và những trải nghiệm của sinh viên trường cảnh sát. Phim kể về nhóm sinh viên năm thứ nhất của học viện cảnh sát trong đó có Quân - con của một vị Thiếu tướng trong ngành - được mẹ chiều chuộng và ỷ vào chức vụ của bố nên ngang tàng và hống hách. Quân tự xưng mình là “cậu” để chứng tỏ vẻ bề trên so với các bạn và thách thức mọi kỷ luật của nhà trường, coi thường giáo viên chủ nhiệm.
Cô bạn học cùng lớp là Ngân Hà luôn cảm thấy khó chịu trước những trò phá phách của Quân và nhiều lần lên tiếng can thiệp. Tuy nhiên, sau này Quân và Hà lại nảy sinh tình cảm với nhau. Hà tìm đến sự giúp đỡ của thầy giáo Minh - người cũng từng trải qua thời tuổi trẻ xốc nổi và có một điểm rất giống Quân là tình yêu với nghề cảnh sát. Cùng Ngân Hà, thầy Minh đã giúp Quân lấy lại được niềm tin và thay đổi.
Tôi đã xem "Phía trước là bầu trời" từ khi còn rất nhỏ, ở quê nhà, để rồi mộng mơ về một cuộc sống sinh viên nơi xóm trọ - thật vất vả nhưng ấm áp và tràn ngập niềm vui.
Sau 17 năm, "Phía trước là bầu trời" vẫn có thể gây bão mạng xã hội vì đã xây dựng chân thực câu chuyện về một xóm trọ sinh viên với những hoàn cảnh và tính cách khác nhau.