Bão qua làng
Bộ phim 30 tập của đạo diễn, NSƯT Trần Quốc Trọng từ khi họp báo ra mắt đã nhận được nhiều lời khen ngợi. Phim thể hiện đề tài nông thôn đổi mới gắn liền với những sự kiện mang tính thời sự như vấn đề thu hồi đất đai, bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo, quá trình đô thị hoá và các hệ luỵ dẫn đến tệ nạn, sự tha hoá… Bão qua làng thuộc thể loại chính luận – một trong những thế mạnh của VFC hứa hẹn sẽ tạo nên luồng gió mới sau một loạt các tác phẩm để lại dấu ấn khó phai trong lòng khán giả như Đất và người, Bí thư tỉnh uỷ, Ma làng, Gió làng Kình…
Bão qua làng - câu chuyện làng quê thời hiện đại với nhiều mâu thuẫn bắt nguồn từ việc đô thị hóa ồ ạt. |
Chuyện phim Bão qua làng được bắt đầu từ không khí sôi sục của cuộc bầu cử Trưởng thôn làng Đợi đang đến gần. Cái chức “mõ làng” bao năm không ai chú ý nay bỗng “đắt giá” bởi tin đồn: ngôi làng nằm giáp ranh Thủ đô có thể được quy hoạch để trở thành thành phố vệ tinh. Hàng loạt ứng cử viên sáng giá cho chức Trưởng thôn đã cùng cạnh tranh với các chiến dịch vận đồng đầy thủ đoạn.
Vào phút cuối, dân làng đã bỏ phiếu bầu cho Nguyễn Phất Lộc (do NSƯT Quốc Khánh thủ vai) – một nhà báo nửa mùa chuyên nhận sửa chữa vặt miễn phí cho dân làng, tốt tính và thương người. Chuyện Lộc trúng cử gây náo động và chứng tỏ mong muốn chấm dứt tình trạng quan liêu, sách nhiễu trong nhóm cán bộ của dân làng Đợi.
Quốc Khánh gặp lại khán giả màn ảnh nhỏ sau một thời gian vắng bóng. |
Mặc dù phim chỉ diễn ra trong phạm vi làng Đợi bé nhỏ nhưng những va chạm, xung đột, tệ nạn xảy ra không chỉ là “cơn bão” qua làng mà hoàn toàn có thể biến thành “lốc xoáy” tiếp tục quét qua nhiều làng khác, tàn phá các giá trị văn hoá, đạo đức truyền thống nếu không có những người lãnh đạo có trách nhiệm với dân như Trưởng thôn Lộc.
Gia đình vợ chồng Lận - Đận là biểu tượng cho rất nhiều gia đình Việt. |
Với nội dung thú vị, gần gũi và dàn diễn viên gạo cội, Bão qua làng hứa hẹn sẽ tạo nên “cơn bão mới” ấn tượng của phim truyền hình trong lòng khán giả. Phim hiện đang được chiếu trên trên VTV1 vào khung giờ vàng 20h30 thứ 5, 6 hàng tuần.
Ma làng
Ma làng là bộ phim với đề tài nông thôn nhận được sự yêu thích của khán giả xem truyền hình. Dưới bàn tay Nguyễn Hữu Phần, bức tranh nông thôn Việt Nam từ thời bao cấp khó khăn đễn những sóng gió thời kinh tế thị trường được khắc họa chân thực, sâu sắc. Phim được chia làm hai phần là Ma làng và Làng ma 10 năm sau.
Chọn bối cảnh xã hội những năm 80 với những biến động của thời cuộc ảnh hưởng đến từng con người trong xã hội, Ma làng (phần 1) lấy bối cảnh một vùng quê đói nghèo, lam lũ - nơi mà những trì trệ, u mê vẫn tồn tại, song hành với đó là nỗ lực của những con người cố gắng thoát khỏi những trì trệ đó.
Phần 2 của Ma làng lấy bối cảnh 10 năm sau đổi mới ở làng Bâm Dương với những thay đổi chóng mặt về quy hoạch đô thị và cuộc sống con người. Phim đi sâu phân tích đời sống tâm lý xã hội của nông thôn với khát vọng làm giàu nhanh, làm giàu bằng mọi giá trong khi còn thiếu các điều kiện tri thức, cơ sở vật chất, trình độ nghề nghiệp… cần thiết. Cách nhìn nhận sai lệch ấy đã dẫn đến những bi kịch trong từng cá nhân, từng gia đình, tạo ra tình trạng mất ổn định xã hội và sự phá hủy nền tảng văn hóa, đạo đức đã được xây dựng và gìn giữ từ nhiều đời nay của nông thôn Việt Nam.
Bí thư tỉnh uỷ
Năm 2009, Đài truyền hình Việt Nam cho ra mắt Bí thư tỉnh ủy, bộ phim truyền hình dài 50 tập gây được tiếng vang lớn trong lòng người xem. Phim lấy cảm hứng từ cuộc đời ông Kim Ngọc – Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc – với câu chuyện khoán 10 giúp nâng năng suất lúa lên gấp đôi đã làm thay đổi cuộc sống của người dân.
Diễn viên Dũng Nhi đảm nhận vai chính trong phim. |
Khắc họa hình tượng một nhân vật lớn, bộ phim miêu tả sinh động, chân thực một con người tài năng nhưng không khoa trương mà rất đỗi bình dị, cũng gặp bao vấn đề như bất cứ ai khác. Nghệ sĩ Dũng Nhi đã thể hiện rất tốt nhân vật bí thư, người tạo nên cả một cuộc cách mạng trong lao động sản xuất nhưng lại hứng chịu không ít dư luận trái chiều vì bị cho là đi ngược với đường lối của Đảng và Nhà nước trên con đường tập thể hóa.
Bí thư Tỉnh ủy đã tạo nên tiếng vang lớn tại Lễ trao giải Cánh diều vàng năm 2010 với 3 giải thưởng dành cho phim truyện video - truyền hình, biên kịch phim truyện video - truyền hình và diễn viên nữ chính.
Đất và người
Đến nay, Đất và người vẫn là một trong những bộ phim xuất sắc nhất về đề tài làng quê Việt những năm đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường, bắt đầu phát sóng năm 2002. Với những tình tiết thật như bước ra từ chính cuộc sống người nông dân, Đất và người chiếm được cảm tình của số đông khán giả.
Mượn chuyện của một gia đình, một dòng họ, Đất và người cho thấy cuộc sống làng quê Việt cả một thời kỳ. |
Phim kể về mâu thuẫn giữa hai dòng họ Trịnh - Vũ ở làng Giếng Chùa và đời sống ở nông thôn những năm đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Mâu thuẫn từ thời trẻ giữa hai ông trưởng họ kéo theo cả sự thù hằn bao trùm một vùng quê và ảnh hưởng đến hạnh phúc đôi lứa của các thế hệ sau.
Được yêu thích nhất trong Đất và người có lẽ là nhân vật Chu Văn Quềnh do Hán Văn Tình đóng. Anh chàng trai quê chân chất vừa có chút AQ, vừa có chút Chí Phèo gây ấn tượng sâu sắc và chiếm trọn cảm tình của khán giả dù đã hơn 10 năm kể từ ngày phát sóng.
Hán Văn Tình đạt được thành công ngoài mong đợi với Đất và người. |
Gió làng Kình
Khác với Đất và người hay Ma làng, phản ánh những câu chuyện về nông thôn thời bao cấp, Gió làng Kình đi trực diện vào nông thôn thời đổi mới. Phim phản ánh mặt trái của các vùng quê trong thời kinh tế thị trường, từ hiện tượng người dân đang sôi sục vì đất cát, nóng lòng trong cơn sốt làm giàu, đến chuyện sử dụng quyền dân chủ cơ sở qua tấm phiếu bầu không đúng đắn.
Gió làng Kình được xây dựng vững chắc về tuyến truyện, nhân vật, cách xử lý vấn đề. Nhân vật trong phim được xây dựng công phu, có cá tính sắc nét và được thể hiện bởi các diễn viên chuyên nghiệp. Bộ phim dài 25 tập, kịch bản ban đầu mang tên Những trận gió người khi làm phim đổi thành Gió làng Kình, được thực hiện ở nhiều địa phương đồng bằng Bắc Bộ như Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tây cũ...