Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những phó chủ tịch xã tuổi hai mươi

Làm công chức xã không chỉ để ăn lương mà còn có cả sự cống hiến, lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, những cán bộ tuổi 20 này đang giúp bộ mặt nông thôn vùng cao thay đổi từng ngày.

 

Những phó chủ tịch xã tuổi hai mươi

Làm công chức xã không chỉ để ăn lương mà còn có cả sự cống hiến, lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, những cán bộ tuổi 20 này đang giúp bộ mặt nông thôn vùng cao thay đổi từng ngày.

Đợt tuyển dụng, bổ nhiệm vừa qua, huyện Mường Khương có 7 trí thức trẻ được phân công về công tác tại 7 xã nội địa, giữ chức vụ Phó Chủ tịch xã phụ trách kinh tế và văn hóa - xã hội. Sau khi hoàn thành 3 tháng tập huấn, trong đó có một tháng thực tế ở cơ sở và qua đợt bầu cử, những trí thức trẻ mới tốt nghiệp trường đại học đã giữ trọng trách khá lớn so với độ tuổi và kinh nghiệm của mình.

Nhưng qua công việc của đội viên dự án mới nhận nhiệm vụ chính thức được hơn 4 tháng, có thể nhận thấy, những cán bộ trẻ này đang tạo một luồng không khí mới trong hoạt động quản lý, điều hành ở các xã vùng cao Lào Cai.

Trong báo cáo danh sách của Phòng Nội vụ huyện Mường Khương có một đội ngũ cán bộ trẻ, tuổi đời trung bình ngoài 20, đều có trình độ đại học, đa số là người dân tộc thiểu số. Đặc biệt, trong 7 cán bộ, có hai người là vợ chồng, mỗi người công tác một xã. Đó là đôi bạn trẻ Lục Tuyền Huy, dân tộc Nùng, Phó Chủ tịch làm việc tại xã Cao Sơn và Bùi Thị Huấn, dân tộc Mường (quê Hòa Bình), Phó Chủ tịch xã phụ trách kinh tế ở xã Nấm Lư. Có lẽ, họ là một cặp hiếm hoi khi đều giữ chức vụ như nhau nhờ Dự án 600 Phó Chủ tịch xã.

Bùi Thị Huấn, Phó Chủ tịch xã Nấm Lư đang trao đổi với bà con về sâu bệnh của cây thuốc lá.

Huấn và Huy học cùng trường Đại học Tây Bắc, Huy học chuyên ngành Lâm sinh còn Huấn học Giáo dục Chính trị. Khoảng cách về địa lý và những khó khăn, thử thách khi hai người quyết định cùng đăng ký dự tuyển chức danh phó chủ tịch xã đã được họ lường trước. Nhưng cô gái dân tộc Mường vẫn mạnh dạn rời bỏ công việc giảng dạy để lên vùng cao Lào Cai cùng bạn đời lập nghiệp, bước vào công việc mới mẻ đầy khó khăn, thử thách.

Cô gái nhỏ nhắn, khá nhanh nhẹn và thông minh này chia sẻ: "Khi mới lên đây, em rất bỡ ngỡ vì thiếu kinh nghiệm, tiếng địa phương, phong tục tập quán không am hiểu, địa hình lại xa xôi, đường tới các thôn chỉ đi bộ... Nhưng được xã tạo điều kiện thuận lợi, sắp xếp chỗ làm việc, phân công người giúp đỡ tìm hiểu tình hình... Đến nay, em đã hòa nhập với công việc và ổn định dần".

Khi nói về cán bộ dự án trẻ, Bí thư Đảng ủy xã Vàng Dỉ Phà khẳng định: "Đồng chí Huấn rất nhiệt tình, chịu khó tìm hiểu tình hình địa phương, hăng hái trong mọi công việc được phân công. Đặc biệt, cán bộ trẻ giúp xã rất nhiều trong việc hoàn thành các văn bản, thủ tục hành chính".

Huấn tâm sự, khi giữ trọng trách Phó Chủ tịch xã, thử thách đầu tiên của cô chính là triển khai dự án trồng cây thuốc lá. Vốn không học chuyên ngành kinh tế, lại không nói được tiếng địa phương nên khá khó khăn trong việc vận động người dân tham gia dự án. Nhưng do có khả năng nói, thuyết trình của người học nghiệp vụ tuyên truyền, khi tới cơ sở cô đã cùng các trưởng thôn, đoàn thể trong thôn vận động nhân dân bằng nhiều cách.

Tại đây, năm trước, cây thuốc lá gặp khó khăn về đầu ra nên nhiều hộ dân bỏ mặc, không mặn mà với cây công nghiệp này. Thực hiện chủ trương, kế hoạch của tỉnh là tiếp tục phát triển diện tích thuốc lá, tìm đầu ra cho sản phẩm nên năm 2012, địa phương đẩy mạnh chương trình. Nhưng lấy lại được lòng tin của người dân không dễ. Nói một lần không được, nói ba - bốn lần, rồi các cán bộ làm trước, nhà nào cũng có một nương thuốc lá, khuôn viên trụ sở ủy ban nhân dân xã cũng trồng thuốc lá.

Cán bộ quyết tâm như thế, bà con đã làm theo, do đó, năm nay xã trồng được 70 ha, thời điểm này bắt đầu thu hoạch. Một doanh nghiệp đang ký hợp đồng thu mua nên người dân địa phương tin tưởng hơn vào chương trình này. Qua câu chuyện trao đổi về tình hình của xã, tôi rất bất ngờ khi Huấn trả lời rất nhanh các số liệu. Điều đó chứng tỏ sự nỗ lực thích ứng của người cán bộ trẻ khi bước vào cương vị mới.

Thời gian này “ông xã’ của Huấn và anh Lục Tuyền Huy đang bận rộn cùng nhân dân xã Cao Sơn ra quân trồng chè. Cũng như vợ của mình, khi về địa phương, Phó Chủ tịch Huy năng nổ, nhiệt tình khi được giao nhiệm vụ. Gia đình ở ngay thị trấn Mường Khương nhưng chỉ cuối tuần Huy mới về nhà vì đường đi lại khó khăn và công việc của xã nhiều. Đối với những cán bộ ở lứa tuổi 20, làm công chức xã không chỉ để ăn lương mà còn có cả sự cống hiến, lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Trong đội 7 người, duy nhất có Lưu Đức Mạnh, sinh năm 1987, trú ở thành phố Lào Cai, được phân công công tác tại xã Thanh Bình. Mạnh ở nhà công vụ của xã, ban ngày làm việc tại trụ sở hoặc xuống thôn, chiều về chăm vườn rau và vườn thuốc lá mà anh và một số người cùng trồng. Mạnh bảo: Cái mà tôi làm được khi giữ cương vị Phó Chủ tịch xã là góp phần vận động nhân dân địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng; hạn chế trồng ngô dễ xói mòn đất sang trồng cây thuốc lá, cây chè; bảo vệ và phát triển rừng; chăm sóc đàn gia súc...

"So với các bạn cùng đội dự án, khó khăn lớn nhất của tôi là ngôn ngữ bất đồng, tập quán địa phương. Nhưng tôi lại được bà con trong các thôn, bản quý mến, giúp đỡ rất nhiều, nhất là những người cao tuổi. Họ giúp tôi am hiểu phong tục tập quán, phiên dịch, trao đổi với người dân khi tôi không nói được tiếng địa phương', Mạnh chia sẻ.

Lưu Đức Mạnh, Phó Chủ tịch xã Thanh Bình tại văn phòng làm việc.

Hướng dẫn nhân dân che chắn chuồng trại bảo vệ gia súc trong mùa đông.

 

Hơn 4 tháng, thời gian còn quá ngắn để đánh giá sâu sắc về đội viên Dự án 600 Phó Chủ tịch xã nhưng đủ để nhận định về khả năng thích ứng và sự nỗ lực của từng đội viên dự án trên vùng cao Mường Khương (Lào Cai). Bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng phòng Nội vụ đã có những đánh giá cao về đội ngũ cán bộ trẻ thuộc Dự án 600 Phó Chủ tịch xã ở Mường Khương.

"Chúng tôi phải xuống từng địa phương để tuyên truyền cho cấp ủy, chính quyền về nội dung của chương trình, nhấn mạnh ưu điểm của dự án. Ban đầu cũng khó khăn vì theo tư tưởng, nếp nghĩ của cán bộ cơ sở từ trước đến nay đều muốn bổ nhiệm cán bộ tại chỗ, địa phương cũng chưa thực sự tin tưởng đội ngũ trí thức trẻ không có kinh nghiệm thực tế. Tuy nhiên, sau khi thống nhất, các đội viên đều được bầu với số phiếu rất cao và được xã tạo điều kiện tốt nhất để làm việc.

Qua một thời gian công tác, nhìn chung các xã đều nhận xét khá tốt về đội viên dự án. Điểm mạnh của họ là nhiệt tình, ham học hỏi, nhanh nhẹn. Hầu hết, các đội viên đáp ứng tốt công việc, trong đó có những đội viên nữ, không quản khó khăn lăn lộn cùng cơ sở. Chỉ một, hai đội viên chậm bắt nhịp nên vẫn chưa tham mưu được nhiều cho cấp ủy, chính quyền địa phương", bà Hà cho biết.

Theo Hải Quan

Theo Hải Quan

Bạn có thể quan tâm