Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những phụ huynh hi sinh cuộc đời nuôi giấc mơ ĐH cho con

Sống trong cống hoang, vay lãi ngày, vay nợ hàng trăm triệu là những hi sinh lớn lao của cha mẹ để con cái học hành "đến nơi đến chốn".

Bố thủ khoa ĐH Y Hà Nội: Sống trong cống kiếm tiền nuôi con 

Nguyễn Hữu Tiến là thủ khoa ĐH Y Hà Nội với số điểm 29,5, sống trong một gia đình nghèo, mẹ phải đi nhổ lông vịt thuê kiếm tiền cho cậu ăn học. Nhưng có đến tận nơi, nhìn tận mắt mới thấy hết nỗi xót xa khi bố của cậu (bác Nguyễn Hữu Định) phải sống trong một chiếc cống hoang.

Vì con, chú Định không ngại vất vả khó khăn thậm chí ở ngoài đường hay ống cống.

Công việc bấp bênh, tạm bợ, ngày nắng có khi bác kiếm được hơn trăm nghìn, ngày mưa thì có khi tay trắng. Trước Tiến còn có hai người chị đang học ĐH và cao đẳng tại Hà Nội, dưới còn có em trai đỗ ĐH Bách Khoa nên gánh nặng kinh tế càng oằn lên đôi vai khó nhọc.

Vì thế, bác luôn phải chắt chiu từng đồng để nuôi con. Hơn 10 năm ở Hà Nội, bác không hề biết nhà trọ với điện là gì. Khi thì bác ngủ ở gầm cầu, khi thì ngủ nhờ chốt bảo vệ, khi thì dựng lán bên vỉa hè và giờ thì sống trong một chiếc cống hoang ở đường Lê Văn Lương kéo dài.

Vất vả, khó nhọc là thế nhưng mỗi khi nhắc đến con cái là mắt bác Định lại sáng lên niềm tự hào vô hạn. Bác mừng vì đứa con hiếu học lại chăm chỉ giúp phụ việc gia đình. Đã 52 tuổi nhưng bác chưa hề có ý định “nghỉ hưu” vì còn phải hoàn thành tâm nguyện cho con cái học thành tài.

Người mẹ vay nợ hơn 100 triệu, 4 lần đưa con đi thi ĐH

Ba người con với bốn lần thi ĐH, đó là một gánh nặng quá lớn đè lên đôi vai cô Dinh ở Đục Khê, Mỹ Đức, Hà Nội. Hai sào ruộng không đủ để gánh vác kinh tế trong nhà, cô phải đi bán rau, làm thuê đủ nghề trong thôn kiếm sống. Vào mùa lễ hội chùa Hương, cô lại tranh thủ chèo đò thuê để kiếm tiền nuôi con ăn học.

“Ai thuê gì làm nấy, người ta thuê cấy, gặt thì mình làm. Nếu không phải mùa màng thì đi đổ bún bán được dăm ba chục mỗi ngày. Tiền chở khách lễ hội chùa Hương chẳng được bao nhiêu, hôm nào đông khách thì vài trăm, có hôm không mời được khách, về tay không. Nếu chở thuê được 100 – 150 nghìn đồng/chuyến, còn may mắn đi mời khách thì được 30 nghìn đồng/người” - cô Dinh cho biết.

Cô Dinh đứng ngóng con khi giờ thi kết thúc (Ảnh: Soha.vn).

Làm lụng vất vả, cấy hái thuê không đủ nuôi con học ĐH, cô Dinh phải vay tiền với lãi suất cao để có tiền cho 3 đứa con mỗi người hơn 1 triệu đồng/tháng để vừa chi tiêu ăn uống, thuê trọ trên thành phố.

Với người khác thì con cái về nhà chơi là niềm vui nhưng với cô lại là một nỗi lo lớn. Nhiều lần, cô phải giấu con đi bán thóc hoặc đi vay lãi để đưa tiền cho con ăn học. Qua vài năm "giật gấu vá vai", số tiền vay nợ đã lên đến hơn một trăm triệu.

Niềm động viên, an ủi duy nhất của cô là những chia sẻ của con cái: "Mẹ cứ lo cho con học hành, bố mẹ không có tiền thi vay cho chúng con đi học, ra trường chúng con sẽ bươn chải để trả nợ. Một lần mấy đứa con khóc bảo rằng: "Lúc chúng con thành đạt mà không có bố mẹ thì chẳng còn ý nghĩa gì nữa".

Lần thi ĐH này, cô lại vay 5 triệu cho cậu út thi vào ĐH Quốc gia Hà Nội. Cô chỉ mong con đỗ đạt được trường như ý, sau này ra xin được việc làm, đỡ đần bố mẹ. Cứ thế, người mẹ nghèo vẫn hàng ngày bươn chải trên đường đời để dành tất cả cho tương lai.

Bố thợ mộc, mẹ phụ hồ nuôi con đỗ thủ khoa

Những ngày gần đây, dư luận nhắc đến Nguyễn Đức Thảo như là một thủ khoa tiêu biểu khi vừa đỗ điểm cao, vừa biết làm nghề mộc. Nhưng không phải ai cũng biết rằng, bố mẹ cậu cũng đã phải hi sinh rất nhiều cho sự nghiệp học hành ấy.

Bố của Thảo là Nguyễn Đức Hồng (43 tuổi), quần quật quanh năm với xưởng mộc tại gia. Ai kêu gì chú cũng làm từ đóng bàn ghế, giường tủ, làm trần nhà hay trang trí nội thất. Mỗi ngày cặm cụi, chú kiếm được vài chục nghìn nuôi con.

Hai bố con Nguyễn Đức Hồng, Nguyễn Đức Thảo cùng làm thợ mộc (Ảnh Internet).

Mẹ Thảo - cô Mai Thị Bé, cũng chẳng khá khẩm hơn. Hàng ngày cô đi làm thuê đủ nghề kiếm sống: từ phụ hồ, bốc vác. Từ sáng tinh mơ đến tối mịt, cô cũng chỉ kiếm được khoảng 100 nghìn đồng.

Lúc đưa con đi thi ĐH, bố mẹ Thảo lo sốt vó vì chẳng có tiền cho con làm lộ phí. Đến trước ngày Thảo ra Đà Nẵng, ông Hồng mới mượn được từ người bà con 3 triệu đồng cho cậu đi thi. Khi thi xong rồi ra Huế, hai cha con phải chi tiêu tiết kiệm để còn đem về trả cho người ta vì ông sợ “nợ chồng thêm nợ”.

Cố gắng vất vả nhưng hai vợ chồng luôn sống vui vẻ vì người con hiếu thảo lại chăm học. Nhiều lần đi bốc trấu thuê, mỗi bao được chủ trả 2000 đồng thì Thảo liền xin đi theo. Có lúc chui sâu vào hầm, bị trấu bám đầy người và nổi mẩn nhưng cậu vẫn cười để mẹ khỏi lo. Khi biết tin cậu đỗ thủ khoa ĐH Kinh tế Đà Nẵng, gia đình đã có thêm niềm hi vọng và những tiếng cười cho sự cố gắng không mệt mỏi suốt 12 năm qua.

Câu chuyện của những phụ huynh tần tảo vất vả nuôi con, có kể ra cũng không hết. Bởi sự học của con là niềm mơ ước và kỳ vọng của nhiều cha mẹ. Hình ảnh cha đưa con đi thi ĐH, mẹ tất tả xách đồ cho con, những lúc cha mẹ ngồi vất vưởng chờ đợi con làm bài thi... chỉ là 1 phần khó khăn trong chuỗi thời gian dài từ lúc sinh ra con, bế ẵm, đến khi cho con ăn học thành người. Mong các bạn trẻ, dù đã theo hay không theo con đường ĐH, sẽ phấn đấu hết sức mình để bù đắp công lao của cha mẹ.

Theo Báo Đất Việt

Bạn có thể quan tâm