Sở hữu ngoại hình đẹp là một lợi thế trong xã hội hiện nay. Vì vậy, ngày càng nhiều cô gái bỏ tiền để chỉnh sửa những đường nét không vừa ý trên gương mặt.
Ngoài những phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ dễ phát hiện khi sử dụng chất liệu độn như nâng mũi, độn cằm,... Hiện nay, một số phương pháp rất khó nhận biết, ngay cả khi chụp X-quang và chụp cắt lớp vi tính (CT scan).
Chuyên gia thẩm mỹ Nguyễn Vũ Phương Ngọc (tu nghiệp tại Thái Lan, nguyên giảng viên khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch,TP.HCM), cho biết một số loại hình thẩm mỹ không thể phát hiện như thẩm mỹ nội khoa với phương pháp tiêm botox, filler lượng ít, laser hoặc các máy móc nâng cơ, làm săn và trẻ hóa da (Ultherapy, Hifu,...).
Tân hoa hậu Đại Dương thừa nhận mình từng nâng mũi, sau đó đã tháo đệm. Ảnh: Thanh Tùng |
Với các phương pháp này, vật liệu độn mềm, ngậm nước, trong suốt, không phản xạ khi chiếu, không có vết rạch hay làm biến dạng cơ thể, thay đổi nhân trắc học người Á Đông.
Bệnh cạnh đó, một số biện pháp làm đẹp rất khó phát hiện dù sử dụng phương tiện chuẩn đoán hình ảnh hiện đại như hút mỡ đùi, bụng, eo, hông, cấu mỡ lượng ít vào mũi, cằm, má, thái dương, phẫu thuật làm lúm đồng tiền, nhấn mí không lưu chỉ hoặc sử dụng chỉ tan.
Bác sĩ Phương Ngọc cũng giải thích: "Người từng nâng mũi bằng mỡ, khi dùng máy soi sẽ chỉ thấy mô mỡ và gây lầm tưởng đây là mô mỡ tự nhiên. Tương tự, phương pháp nhấn mí bằng chỉ tự tiêu cũng không để lại sẹo, nếp mí mới hoàn toàn giống với mí thật".
Nếu sử dụng những phương pháp này, các chuyên gia thẩm mỹ rất khó để xác định, kiểm tra liệu người đó có giải phẫu thẩm mỹ hay không. Muốn phát hiện, chúng ta chỉ có thể so sánh hình ảnh hiện tại và trước đây để tìm điểm khác biệt.