Những quan niệm sai lầm về lốp xe hơi
Lốp xe được cho là bộ phận quan trọng nhất trên một chiếc ô tô. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ các thông số về nó. Dưới đây là những quan niệm sai lầm hay mắc phải nhất của người dùng.
>>Thoát chết nhờ ‘đốt lốp’
>>Nissan giới thiệu công nghệ cảnh báo áp suất bánh xe mới
1. Hệ thống kiểm soát áp suất lốp (TPMS) trên những model xe mới có thể đảm bảo lốp xe có đủ áp suất cần thiết
Sự thật: TPMS thường được thiết lập để đưa ra thông báo cho lái xe khi áp suất thấp hơn 25% mức kiến nghị của hãng sản xuất. Tuy nhiên, theo hiệp hội các công ty cao su, với mức áp suất như vậy, lốp không thể mang tải trọng tối đa của chiếc xe. Mặt khác, những cảnh báo của TPMS được đưa ra để thông báo bánh xe cần được bơm thêm áp suất, chứ không phải để thông báo lốp xe của bạn vẫn đủ áp suất.
Tốt nhất, người dùng nên trang bị cho mình một chiếc thước đo lốp xe chất lượng và cung cấp đúng áp suất, theo khuyến nghị của nhà sản xuất, cho lốp xe của mình. Người dùng cũng có thể cung cấp áp suất cao hơn từ 3 đến 5 psi so với mức khuyến nghị. Mặt khác, đồng hồ đo áp suất lốp xe có thể không chính xác, và lốp xe thường bị rò rỉ 1 psi áp suất mỗi tháng. Mức áp suất lốp cao giúp cải thiện khả năng kháng trượt. Người dùng cũng nên kiểm tra lốp xe khoảng 6 tháng một lần.
2. Khi thay thế hai lốp xe, lốp mới sẽ được lắp ở phía trước
Sự thật: Lốp sau mang lại sự ổn định cho xe, giúp chiếc xe có thể chống được một số vấn đề về lái xe hoặc phanh xe khi di chuyển trên mặt đường trơn trượt. Nếu bánh trước của xe là lốp mới, trong khi bánh xe vẫn là lốp cũ thì chiếc xe có khả năng bị trượt khỏi đường rất cao. Do đó, hãy luôn sử dụng lốp mới ở phía sau, cho dù chiếc xe của bạn dẫn động cầu trước, cầu sau hoặc cả 2 cầu.
Xem thêm đoạn clip dưới đây để hiểu rõ hơn:
Clip so sánh việc lắp lốp mới ở bánh trước và bánh sau xe. |
3. Lốp xe có nguy cơ bị nổ nếu có áp suất vượt quá mức “max press” ghi trên lốp
Sự thật: chỉ số “max press” không liên quan gì đến áp suất gây nổ lốp. Thay vào đó, “max press” và “max load” là để ám chỉ mức áp suất phù hợp để mang tải trọng tối đa. Thậm chí, những chiếc lốp mới, chất lượng tốt còn không đề cập đến chỉ số “max press”. Mức áp suất làm nổ lốp rất khác nhau tùy thuộc vào từng loại, nó có thể lớn gấp đôi mức “max press”. Tuy nhiên, nếu chiếc xe đâm phải một “ổ gà” lớn với lốp xe có áp suất cao, nguy cơ nổ lốp rất dễ xảy ra.
4. Lắp lốp xe thành mỏng trên những bộ la-zăng cỡ lớn cải thiện việc điều khiển xe
Sự thật: lốp thành mỏng có tác dụng cải thiện khả năng phản ứng của bánh xe khi người dùng điều chỉnh vô lăng. Do đó, nó mang lại cho người lái cảm giác (thường là sai) lốp xe có độ bám đường rất tốt. Tuy nhiên, yếu tố quyết định độ bám đường lại là chất lượng bề mặt cao su của lốp. Ngoài ra, việc kết hợp la-zăng cỡ lớn và lốp thành mỏng thường mang lại trọng lượng nặng hơn so với bộ lốp và la-zăng nguyên bản. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ làm giảm bớt tác dụng của hệ thống treo.
Lốp xe thành mỏng. |
5. Lốp xe mang cùng kí hiệu sẽ có kích thước giống hệt nhau
Sự thật: Nhiều người suy nghĩ lốp mang kí hiệu 225/35R19s sẽ có chiều rộng chính xác 225 mm và thành lốp cao đúng bằng 35% chiều rộng, nhưng đây là quan niệm sai lầm. Vì lốp xe của các hãng sản xuất khác nhau sẽ có những sai số khác nhau.
Thông thường, những lốp có cùng kí hiệu hoặc cùng một lô hàng cũng có thể rộng hơn hoặc hẹp hơn đôi chút so với thông thường. Bên cạnh đó, thành lốp cũng cao hơn hoặc thấp hơn vài phần trăm so với mức nhà sản xuất đưa ra. Lý giải cho điều này, có thể đây là một cách thức kinh doanh, lốp nhỏ hơn và ngắn hơn sẽ sử dụng ít vật liệu hơn, do đó chi phí sản xuất giảm.
Tuấn ngọc
Theo Infonet.vn