Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những quy định giáo dục có hiệu lực từ tháng 1/2025

Kể từ tháng 1/2025, xe buýt chở học sinh phải sơn màu vàng đậm; các trường có thêm tiêu chí để đánh giá, xếp loại học sinh.

Xe buýt đưa đón học sinh phải sơn màu vàng đậm và có người giám sát (đối với xe chở trẻ mầm non và tiểu học). Ảnh: Duy Hiệu.

Kể từ ngày 1/1/2025, hai nghị định do Chính phủ ban hành sẽ chính thức có hiệu lực.

Xe đưa đón học sinh phải sơn màu vàng đậm

Đầu tiên là quy định về xe buýt đưa đón học sinh. Theo Nghị định số 151/2024/NĐ-CP, xe ôtô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải được sơn màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe.

Ngoài việc sơn màu vàng đậm, mặt trước và hai cạnh bên xe phía trên cửa sổ phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe chuyên dùng chở trẻ em mầm non, học sinh.

Loại xe này cũng cần có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe; có niên hạn sử dụng không quá 20 năm. Đồng thời, xe phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định của pháp luật.

Đối với loại ôtô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón trẻ, xe phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe chở trẻ em mầm non, học sinh đặt ở mặt trước và hai cạnh bên xe phía trên cửa sổ.

Nghị định cũng yêu cầu loại xe này phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định; có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe.

Khi đưa đón trẻ mầm non và tiểu học, xe cần bố trí tối thiểu một người quản lý trên mỗi xe ôtô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trong suốt chuyến đi. Nếu là xe 29 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) và chở từ 27 trẻ em mầm non và học sinh tiểu học trở lên, xe phải bố trí tối thiểu 2 người để giám sát trẻ.

Người quản lý, người lái xe có trách nhiệm kiểm tra trẻ em mầm non, học sinh tiểu học khi xuống xe; không được để trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trên xe khi người quản lý và người lái xe đã rời xe.

Nghị định này cũng đặt ra yêu cầu đối với người lái xe ôtô đưa đón trẻ. Cụ thể, người lái phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách.

xe buyt hoc sinh anh 1

Nhà trường được giao nhiệm vụ hướng dẫn, giáo dục học sinh cách tham gia giao thông an toàn. Ảnh: Xây dựng Chính sách.

Đánh giá học sinh dựa trên việc tham gia giao thông

Thứ hai là thêm tiêu chí xếp loại hạnh kiểm học sinh kể từ năm 2025. Cụ thể, Nghị định số 151/2024/NĐ-CP yêu cầu yêu cầu gia đình học sinh không giao xe cho con em mình điều khiển khi chưa đủ điều kiện theo quy định, đồng thời thường xuyên nhắc nhở con em thực hiện đúng cam kết đã ký và trao đổi, nắm bắt thông tin với nhà trường việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của học sinh khi tham gia giao thông.

Các gia đình cũng cần phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan thực hiện giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh.

Về phía nhà trường, các trường phải đưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh.

Ngoài ra, trách nhiệm của trường bao gồm tổ chức cho học sinh, gia đình học sinh ký cam kết chấp hành quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ với các nội dung sau:

  • Học sinh không điều khiển xe mô tô khi chưa đủ điều kiện theo quy định.
  • Học sinh không điều khiển xe gắn máy khi chưa hoàn thành chương trình hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn.
  • Gia đình học sinh không giao xe cho học sinh điều khiển khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Nghị định mới cũng liệt kê một số nội dung hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh bắt đầu vào học THPT và cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm:

  • Phương pháp nhận biết và xử lý các tình huống nguy hiểm khi lái xe.
  • Cấu tạo và chức năng của các bộ phận xe gắn máy, phương pháp bảo dưỡng xe, kiểm tra xe an toàn.
  • Văn hóa tham gia giao thông; trách nhiệm của người điều khiển xe cơ giới; cứu giúp người bị tai nạn giao thông.
  • Cách khởi động và tắt máy, cách sử dụng ga, phanh, thay đổi số, sử dụng các thiết bị bảo hộ.
  • Tư thế lên ngồi lái xe, xuống xe an toàn.
  • Khởi hành, điều chỉnh tốc độ phù hợp, dừng xe an toàn.
  • Lái xe theo 4 hình mẫu bao gồm đi qua hình số 8, đi qua vạch đường thẳng, đi qua đường có vạch cản, đi qua đường gồ ghề.
  • Các nội dung khác có liên quan.
  • Học sinh thực hành lái xe gắn máy an toàn theo quy định.

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.

Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.

TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.

Chính phủ kỳ vọng 100% học sinh đạt trình độ ngoại ngữ theo quy định

Đề án mới của Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu 100% học sinh phổ thông đạt trình độ ngoại ngữ theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông.

Thái An

Bạn có thể quan tâm