Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những rủi ro cần biết trước khi quyết định hút mỡ

Hút mỡ không phải kỹ thuật mới và khó. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tìm hiểu về rủi ro, bất tiện khi lựa chọn phương pháp làm đẹp này.

Hút mỡ là một trong những phương pháp được phụ nữ ưa chuộng để cải thiện số đo, đặc biệt ở vòng 2. Theo bác sĩ Nguyễn Vũ Phương Ngọc (tu nghiệp tại Thái Lan, nguyên giảng viên khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM), kỹ thuật hút mỡ được thực hiện từ những phẫu thuật viên nhiều kinh nghiệm có thể đạt được kết quả tốt.

Thông thường, các bác sĩ thẩm mỹ hút từ 500 cc đến 3 lít mỡ. Hiện nay, các chuyên gia báo cáo số lượng mỡ hút một lần là 10-20 lít. Bệnh nhân của họ là những người có thân hình to lớn, có thể xếp vào nhóm béo phì. Nguy cơ tai biến do hút mỡ khối lượng lớn cao hơn rất nhiều so với những ca thông thường.

"Theo quy ước, tất cả phẫu thuật đều phải được thực hiện trong tư thế bệnh nhân nằm để đảm bảo về mặt gây mê hồi sức, tránh sốc, rối loạn mạch, huyết áp...", bác sĩ Phương Ngọc nói.

Biến chứng về y khoa

Theo bác sĩ Nguyễn Vũ Phương Ngọc, hút mỡ là phẫu thuật rất an toàn trong điều kiện bệnh nhân được chọn lựa, chuẩn bị kỹ. Bên cạnh đó, phẫu thuật viên được huấn luyện đúng đắn, có kinh nghiệm, tiến hành trong một phòng mổ trang bị đầy đủ dụng cụ, trang thiết bị cần thiết của ngoại khoa chung và gây mê hồi sức, đảm bảo yếu tố vô trùng.

Nguy cơ tai biến có thể xảy ra khi số vùng được lớn, lượng mỡ hút ra nhiều, thời gian phẫu thuật dài.

Theo các bác sĩ Trung tâm Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, phẫu thuật hút mỡ thường được tiến hành dưới gây mê toàn thân. Một số ít trường hợp thừa mỡ khu trú, phẫu thuật có thể tiến hành dưới gây tê vùng.

Gây tê cũng tiềm ẩn các biến chứng về tim mạch, hô hấp, sốc phản vệ, thần kinh khiến người bệnh có nguy cơ tử vong nhanh chóng nếu không được xử lý kịp thời.

Vì vậy, người bệnh khi thực hiện những phẫu thuật lớn cần được gây mê theo quy định trong các bệnh viện lớn, bởi bác sĩ chuyên khoa tạo hình thẩm mỹ có chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm.

rui ro can biet truoc khi quyet dinh hut mo anh 1

Phẫu thuật hút mỡ thường được tiến hành dưới gây mê toàn thân. Ảnh: Sohu.

Người bệnh sẽ được bác sĩ khám kỹ lưỡng trước mổ, kiểm tra sức khỏe tổng quát trước khi gây mê, đặc biệt là xét nghiệm máu, miễn dịch, chụp X-quang tim phổi.

Ngoài ra, hút mỡ có thể dẫn đến tai biến trong và sau phẫu thuật như dị ứng thuốc gây tê, gây mê; chảy máu, tụ máu, tụ dịch, tràn dưỡng chấp dưới da, hoại tử da, nhiễm trùng vùng mổ… Trong đó, biến chứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng người bệnh là tắc mạch do mỡ (tắc mạch phổi, tắc mạch não).

Khi tiến hành hút mỡ, phẫu thuật viên dùng ống rỗng nhỏ gọi là cannula đưa qua các đường rạch da nhỏ vào tổ chức mỡ dưới da để làm tan chúng và hút ra qua hệ thống máy hút.

Động tác hút mỡ có thể làm vỡ mạch máu. Sự di chuyển của những tế bào mỡ tự do vào trong máu có thể gây ra tắc mạch các cơ quan quan trọng tim, phổi, não… khiến người bệnh suy thở, ngừng tim và tử vong.

Các bác sĩ cũng cho hay nếu biến chứng này xảy ra ở chi, người bệnh có thể biểu hiện đau ở đầu mút chân, tay sau phẫu thuật. Ngoài ra, việc hút mỡ thô bạo có thể làm thủng hoặc ảnh hưởng các cơ quan nội tạng trong bụng hoặc gây chảy máu ra ngoài, chảy máu bên trong, dẫn tới tử vong.

Theo bác sĩ Nguyễn Vũ Phương Ngọc, phù phổi cấp cũng có thể gặp nếu kỹ thuật làm trương nước đi kèm với một lượng dịch truyền quá nhiều. Thành bụng có thể bị thủng, tổn thương nội tạng. Nguy cơ cao khi như hút mỡ bụng trên bệnh nhân đã có sẹo mổ thành bụng.

Nhiều nghiên cứu báo cáo tỷ lệ tử vong khoảng từ 1/20.000 đến 1/5.000. Những nguyên nhân thường gặp gây tử vong theo thứ tự giảm dần là:

- Thuyên tắc phổi do huyết khối từ chi dưới khoảng 25%.

- Thủng nội tạng là 15%,

- Tai biến do gây mê (đường thở, trúng độc thuốc mê, thuốc tê): 10%

- Thuyên tắc mỡ: 8,5%.

- Suy tim là 5,5 %.

- Nhiễm trùng 5,5%.

- Chảy máu 4,5%.

- Những nguyên nhân không rõ khác khoảng 28%.

rui ro can biet truoc khi quyet dinh hut mo anh 2

Hậu phẫu, các y bác sĩ đeo đai định hình bụng cho bệnh nhân. Ảnh: Quỳnh Trang.

Biến chứng về thẩm mỹ

Phẫu thuật hút và bơm mỡ đòi hỏi độ vô khuẩn tuyệt đối nếu không rất dễ gây nhiễm trùng lan tỏa gây viêm cân da, hoại tử. Hơn nữa, việc hút mỡ đòi hỏi bác sĩ phải có chuyên môn sâu về thẩm mỹ để tránh các biến chứng như hút mỡ không đủ, không cân đối hoặc hút quá nhiều, để lại những vùng lõm, bề mặt không đều, da lỏng lẻo, da không co lại đồng đều sau mổ... Các biến chứng này gây ra những nếp gấp, đôi khi bệnh nhân cần phải phẫu thuật để sửa lại, có thêm sẹo.

"Việc hút mỡ đúng kỹ thuật, trên người khỏe mạnh bình thường, da chưa bị lão hóa và độ đàn hồi tốt, sau khi hút mỡ, da sẽ tự động co lại, ít để lại vết nhăn. Da và thần kinh có thể bị tổn thương do bị ma sát, va chạm, thủng. Hút nhiều, quá sát da, sau mổ, da sẽ bị nhăn nheo, lồi lõm hoặc đổi màu", bác sĩ Ngọc cho hay.

Vì vậy, phẫu thuật viên cần tính toán chi tiết để hút lượng mỡ phù hợp cho từng người bệnh. Về lý thuyết, hút mỡ không nên hút một lần thật nhiều mà có thể hút nhiều lần để đạt kết quả tốt nhất về mặt thẩm mỹ.

Các bệnh ung thư có thể phát hiện qua siêu âm

Thực tế, kỹ thuật siêu âm có giúp phát hiện ung thư. Tuy nhiên, chúng chỉ có thể phát hiện khi tế bào ung thư đã xuất hiện và thành hình rõ ràng.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm