Phân biệt rắn độc
Tối 15/10, anh Lô Văn Toản (37 tuổi) - Phó Công an xã Xiêng Hương, huyện Tương Dương, Nghệ An đã tử vong sau khi bị rắn cạp nong cắn ít giờ.
Ban đầu, nghĩ vết cắn chỉ gây xước tay nên anh Toản chủ quan không đến bệnh viện mà tự mình nặn máu độc ra rồi rửa tay và tiếp tục vào nhà xem tivi. Khoảng hơn 1 giờ sau, nạn nhân bất ngờ có dấu hiệu buồn nôn, khó thở, tức ngực, chân tay sưng dần. Người nhà vội chở anh Toản vào bệnh viện Đa khoa huyện Tương Dương cấp cứu. Sau gần 1 giờ vào viện, nạn nhân đã tử vong.
Cũng trong tháng 10, khoa Cấp cứu hồi sức Bệnh viện Quân y 121 Cần Thơ đã tiếp nhận và cứu sống bệnh nhân Hồ Văn Năm (63 tuổi, ngụ ở xã Tân Lộc, quận Thốt Nốt) bị rắn lục đuôi đỏ phóng ra từ cây mận, cắn vào bàn tay phải. Tuy nhiên, gia đình không đưa ông đến bệnh viện cấp cứu mà đến nhà thầy lang để điều trị bằng cách đắp thuốc. Sau gần nửa ngày, không những không thuyên giảm mà vết thương nhiễm trùng, rối loạn đông máu, nguy hiểm đến tính mạng nên gia đình cấp tốc đưa đến ông đến bệnh viện.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Kiên, Trưởng khoa Cấp cứu hồi sức bệnh viện này, trường hợp của ông Năm nếu vào trễ thêm vài giờ thì sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Thống kê của bệnh viện Quân y 121 cho biết, từ đầu năm đến nay có đến 354 ca bị rắn cắn đưa đến điều trị, trong đó 345 ca bị rắn lục đuôi đỏ cắn.
Từ việc này cho thấy, còn rất nhiều người chủ quan với nọc độc của rắn và cũng không thể phủ nhận, có thể họ chưa biết nhận dạng rắn độc và rắn không độc.
Việc phân biệt rắn độc và rắn không độc nhiều khi rất khó. Ảnh: Việt Tường |
Các chuyên gia cho biết, việc phân biệt rắn độc và rắn không độc nhiều khi rất khó. Tuy nhiên ở Việt Nam, người dân có thể nhận ra được một số loại rắn độc thường gặp dựa vào các đặc điểm đặc trưng bên ngoài của rắn: rắn hổ mang (khi chuẩn bị tấn công thì cổ bạnh, phát âm thanh đặc trưng); rắn cạp nong (thân mình "khúc vàng khúc đen"); rắn cạp nia (thân mình "khúc trắng khúc đen"); họ rắn lục (đầu to hình thoi hoặc tam giác)…
Rắn độc thường có hai răng độc lớn (còn gọi là móc độc) và thường ở vị trí răng cửa hàm trên, do đó khi cắn thường để lại vết cắn đặc trưng có thể giúp phân biệt rắn độc. Răng độc đóng vai trò như một kim tiêm dưới da hoặc tiêm vào bắp thịt (một số trường hợp hiếm gặp thì tiêm trực tiếp tĩnh mạch) dẫn nọc độc vào cơ thể nạn nhân. Một số loại rắn hổ mang mặc dù ở cách nạn nhân một khoảng cách vẫn có thể phun nọc độc về phía nạn nhân và gây tổn thương mắt, có thể từ đó gây nhiễm độc toàn thân.
Về thành phần nọc độc rắn, bao gồm rất nhiều chất độc khác nhau và phục thuộc vào số lượng nọc độc được bơm khi bị cắn.
Số lượng nọc độc thường thay đổi, tuỳ thuộc nhiều yếu tố: loại rắn, kích cỡ con rắn, mức độ vết thương cơ học, một răng độc hay cả hai cùng xuyên qua da, số nhát cắn. Bản thân con rắn cũng có thể tự kiểm soát việc nọc độc có được tống ra khi cắn hay không. Có không ít các trường hợp bị rắn độc cắn mà số lượng nọc độc được bơm ít, không đủ gây ngộ độc (gọi là "vết cắn khô"). Tuy nhiên rắn độc không bao giờ hết nọc độc, kể cả sau khi đã cắn nhiều lần, rắn cũng không trở nên ít độc hơn sau khi ăn mồi.
Con rắn hổ mang này đã khiến một nam học viên tại Đồng Tháp phải bỏ mạng. Ảnh: Minh Anh |
Trong hầu hết các trường hợp, các bác sĩ cho biết, nọc độc xâm nhập vào cơ thể theo con đường mạch bạch huyết (không phải mạch máu thông thường). Con đường vận chuyển nọc độc này sẽ trở nên nhanh hơn và nhiều hơn khi cơ thể vận động. Nếu nạn nhân, đặc biệt vùng cơ thể bị cắn không hạn chế vận động thì nọc sẽ xâm nhập nhanh hơn.
Nạn nhân sẽ nhanh chóng bị ngộ độc hơn, ngộ độc nặng hơn nếu vết thương sâu, nhiều nọc độc, loại rắn độc hơn, cơ thể nhỏ bé, sức khoẻ của nạn nhân đang không tốt và đặc biệt nạn nhân vận động nhiều sau khi bị cắn.
Các triệu chứng thường xuất hiện sớm, nhanh chóng và gây nguy hiểm cho nạn nhân, dễ tử vong. Biểu hiện về thần kinh thường là liệt, trước tiên thường là mắt không thể mở to, đau họng, khó nuốt, nói khó, sau đó là khó thở; biểu hiện về tim mạch thường là loạn nhịp tim…
Sơ cứu khác nhau, tùy loại rắn độc
Theo khuyến cáo tại trang thông tin BV Bạch Mai (Hà Nội), khi có người bị rắn độc cắn, điều đầu tiên cần nghĩ là làm sao cho nọc độc của rắn từ vết cắn xâm nhập vào trong cơ thể chậm hơn và ít hơn, nhờ đó nạn nhân có đủ thời gian để kịp được vận chuyển đến cơ sở y tế khi chưa có biểu hiện ngộ độc.
Đồng thời, không để bệnh nhân tự đi lại; áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường). Việc làm này để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt. Tuy nhiên, không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm; cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề. Và sau đó, vận chuyển bệnh nhân nhanh nhất có thể đến cơ sở y tế. Nếu bệnh nhân khó thở, khẩn trương hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay...).
Hiện nay, người dân hay rỉ nhau cách sơ cứu khi bị rắn cắn là buộc garo phía trên vị trí bị thương. Tuy nhiên, việc làm này dễ dẫn đến phải cắt bỏ chi hoặc liệt.
BV Bạch Mai khuyến cáo, không được sử dụng biện pháp garo chi (tay/chân) dễ làm tắc nghẽn hoàn toàn động mạch (mạch máu vận chuyển máu từ tim đi nuôi dưỡng các bộ phận của cơ thể). Nhiều trường hợp sau đó hoại tử phải cắt chi.
Có thể hoại tử chi nếu sơ cứu rắn cắn không đúng cách. Ảnh minh họa |
Việc trích, rạch, châm, chọc tại vùng vết cắn được các nghiên cứu khoa học trên thế giới cho thấy không có lợi ích mà còn gây hại thêm cho bệnh nhân (tổn thương thêm mạch máu, dây thần kinh... nhiễm trùng nặng); việc hút nọc độc cũng không đáng tin cậy khi các nhà sản xuất thiết bị hút đặc biệt ủng hộ việc dùng các sản phẩm của họ.
Thậm chí, các cách chữa trị kiểu truyền miệng “cho điện giật” cũng đã từng xuất hiện nhưng các bác sĩ BV Bạch Mai khẳng định chưa bao giờ có những chứng minh về lợi ích của nó mà còn gây hại thêm cho bệnh nhân.
“Gây điện giật trong sơ cứu rắn cắn mặc dù được các nhà sản xuất thiết bị này ủng hộ nhưng sự thật cũng không đem lại lợi ích”, thông tin chia sẻ trên trang web của BV Bạch Mai viết.
Việc cố gắng bắt hoặc giết rắn cũng không được các bác sĩ khuyến khích. Thay vào đó, các chuyên gia cho rằng, nếu rắn đã chết hoặc bắt được rắn phải đem cùng với bệnh nhân đến bệnh viện để nhận dạng. Tuy nhiên, ngay cả đầu rắn đã chết vẫn có thể cắn người, cần cẩn thận khi mang rắn.
Ngoài ra, bệnh nhân bị rắn cắn tuyệt đối không được đắp đá, chườm lạnh và tuyệt đối không bôi hóa chất, thuốc, lá cây… lên vết cắn.
Trong hầu hết các trường hợp, các bác sĩ cho biết, nọc độc xâm nhập vào cơ thể theo con đường mạch bạch huyết (không phải mạch máu thông thường). Con đường vận chuyển nọc độc này sẽ trở nên nhanh hơn và nhiều hơn khi cơ thể vận động. Nếu nạn nhân, đặc biệt vùng cơ thể bị cắn không hạn chế vận động thì nọc sẽ xâm nhập nhanh hơn.
Nạn nhân sẽ nhanh chóng bị ngộ độc và ngày càng nặng nếu vết thương sâu, nhiều nọc độc, loại rắn độc hơn, cơ thể nhỏ bé, sức khoẻ của nạn nhân đang không tốt và đặc biệt nạn nhân vận động nhiều sau khi bị cắn.
Các triệu chứng thường xuất hiện sớm, nhanh chóng và gây nguy hiểm cho nạn nhân, dễ tử vong. Biểu hiện về thần kinh thường là liệt, trước tiên thường là mắt không thể mở to, đau họng, khó nuốt, nói khó, sau đó là khó thở và loạn nhịp tim.