Từ mô hình băng tải đa năng
Ý tưởng giành HC vàng của cậu học trò nhỏ nảy sinh khi nhiều lần theo cha là lái xe tải chở vật liệu. Hoan quan sát thấy công nhân tốn nhiều công sức khi tự tay xúc từng xẻng cát, đá đưa lên xe.
Cậu nghĩ đến một chiếc băng chuyền được điều khiển tự động, có thể đưa các vật liệu lên xe và ngược lại, vừa tiết kiệm sức người, vừa nâng cao năng suất lao động.
Nguyễn Văn Hoan bên mô hình rô-bốt cứu hộ đa năng tham dự cuộc thi sáng tạo khoa học kĩ thuật dành cho học sinh phổ thông năm 2015. |
Hoan vào các cửa hàng phế liệu mua ôtô đồ chơi cũ, khung nhôm rồi sáng tạo mô hình với từng chi tiết để ghép thành chuỗi hoạt động theo ý tưởng đã đặt ra. Khi bắt tay vào làm, cậu thực sự say mê, có khi quên cả ăn cơm, còn chểnh mảng một số môn học. Thấy con trai thường xuyên thức khuya, bố mẹ nhắc nhở em đi ngủ sớm. Cậu tắt điện, chờ bố mẹ ngủ rồi lại mày mò lắp ráp dưới ánh đèn học.
Băng tải đa năng có hai phần chính, gồm băng tải và gầu xúc. Phần băng tải có dây băng và con lăn hoạt động bằng mô tơ, giá đỡ làm bằng khung cửa nhôm cũ. Phần gầu xúc được kết thành một chuỗi liên hoàn, di chuyển theo các góc độ, phương hướng trên, dưới, trái, phải rất linh hoạt.
Hoan hoàn thiện thêm chức năng như hệ thống rửa cát. Cậu dùng môtơ đấu chung 2 nguồn điện, khi hệ thống gầu xúc hoạt động thì băng tải cũng chuyển động, tránh cát sỏi rơi vào sẽ làm tắc nghẽn băng chuyền. Hoan cho biết, ứng dụng này có thể sử dụng rộng rãi để xúc cát, đá, than ở các xí nghiệp, nhà máy, nâng cao năng suất lao động. Băng chuyền có thể kéo dài từ mép bờ sông lên tận đê và ngược lại.
Mô hình đã đạt giải nhất Hội thi khoa học và kỹ thuật tỉnh Bắc Giang, giải nhì cuộc thi Khoa học và kỹ thuật quốc gia năm 2013. Băng chuyền đa năng còn lọt vào top 10 sản phẩm được Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) gửi tham dự Triển lãm sáng tạo khoa học công nghệ trẻ châu Á 2014 và giành Huy chương vàng.
Tới rô-bốt cứu hộ đa năng
Nguyễn Văn Hoan sinh ra và lớn lên ở vùng quê có địa hình bán sơn địa, vừa có rừng vừa có núi lại nhiều ao hồ sông suối. Việc xảy ra hỏa hoạn hay đuối nước là vấn đề thường xuyên xảy ra nhưng do địa hình chia cắt nên việc cứu người không hề đơn giản.
Nguyễn Văn Hoan bên mô hình băng tải đa năng năm 2014. |
Từ thực tế đó, Hoan đã nghiên cứu đề tài sáng tạo robot cứu hộ đa năng. Sản phẩm của Hoan có cách thức sử dụng dễ dàng và di chuyển trên các bề mặt địa hình khác nhau, nhất là nơi khó di chuyển như đối núi, nhà cao tầng hay mặt nước trong trường hợp hỏa hoạn, đuối nước, lũ lụt.
Quá trình nghiên cứu và hoàn thành sản phẩm của chàng trai quê vải Bắc Giảng vỏn vẹn trong 3 tháng. Vật liệu em dùng chỉ sử dụng những vật liệu đơn giản, sẵn có ở địa phương cùng kiến thức tham khảo trên sách vở và Internet.
Cánh tay của robot được thiết kế tốt hơn, có thể gắp và cứu hỏa linh hoạt với tốc độ nhanh và khả năng xoay theo nhiều hướng. Robot cũng được gắn hệ thống camera, micro không dây để quan sát hình ảnh và theo dõi âm thanh truyền về trung tâm điều khiển.
Sản phẩm mới này của Hoan hiện đang tham dự cuộc thi sáng tạo khoa học kĩ thuật cho học sinh phổ thông năm 2015 được tổ chức ở Bắc Ninh (từ ngày 8-10/3).
Ngoài các sản phẩm trên, Hoan còn sáng tạo ra mô hình cần cẩu đa năng, máy cắt ngọn dưa giúp cho việc làm nông của mẹ em hiệu quả hơn.
Trong lớp, Hoan được các bạn gọi là cậu bé hạt tiêu bởi dáng người nhỏ nhắn không khác gì học sinh cấp 2. Ngoài đam mê sáng tạo, em cũng có nhiều tài lẻ như làm diều, khắc chữ trên bút chì cho các bạn trong lớp.
Thầy Phạm Văn Lâm, giáo viên chủ nhiệm lớp 11A3 nhận xét: "Hoan có lực học khá lại rất thông minh và sáng tạo. Em say mê với những mô hình. Trong những năm tới, nếu có điều kiện phát triển tôi tin Hoan tiến xa".