Đề bài: Nếu được phép thay đổi kết thúc truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy, em có thay đổi không? Nếu thay đổi, em sẽ thay đổi theo hướng nào? Tại sao?
Đề ra của giáo viên tuy có hình thức mở nhưng thực chất muốn củng cố lại kiến thức về thể loại truyện truyền thuyết và bài học rút ra từ câu chuyện này. Thế nhưng, bên cạnh những bài làm khẳng định giữ nguyên kết thúc là những màn tưởng tượng sinh động của học sinh.
Hình ảnh minh họa truyền thuyết An Dương Vương. |
Em L.T.T.H đã để cho Mị Châu tự sát, sau đó nhà vua đau buồn quá cũng tự sát bên cạnh xác Mị Châu. Hai cha con được rùa vàng đưa xuống biển. Em tỏ ra khá bức xúc khi giải thích: “Người xưa có câu, hổ dữ không ăn thịt con. Hành động của An Dương Vương thật là dã man và độc ác, đã chém cổ đứa con gái duy nhất của mình. Lỗi ban đầu là tại sự lơ là, mất cảnh giác của nhà vua, sau đó khi giặc đến chân thành, ông vẫn ngồi đánh cờ. Người đáng bị trừng trị đầu tiên là ông chứ không phải Mị Châu”.
Khác với sự lí giải logic như H., em N.M.(một học sinh cá biệt của lớp) đã có sự sáng tạo đậm chất “kim tiền”:
“Chàng đang tắm ở giếng thì thấy hình ảnh Mị Châu ở dưới đáy giếng. Tưởng đó là thật, chàng nhảy xuống, nhưng chàng nghĩ lại thì ra là ảo giác vì Mị Châu đã chết rồi. Vì thế chàng bèn leo lên lại. Ngờ đâu chàng đang leo giẫm phải cục xà bông nên đã té xuống giếng và chết đuối. Thật là xui xẻo cho Trọng Thủy, trước khi té chàng quên bọc tiền khi xuống âm phủ chàng không có tiền gọi điện về cho triệu Đà. Lúc đó có một nhỏ bán vé số đi ngang, Trọng Thủy móc túi và may sao còn 1 xu. Trọng Thủy đã dùng số tiền đó để mua vé số”. Cũng may, làm đến đó thì hết giờ, nếu không, theo đà tưởng tượng này, có lẽ Trọng Thủy của em sẽ trúng số độc đắc.
Em L.K.C. còn có trí tưởng tượng cụ thể và sinh động hơn, có lẽ do ảnh hưởng của việc đọc nhiều các vụ án mạng: “Ngay sau khi Trọng thủy tự tử ở giếng Loa thành, vì yêu nhớ vợ da diết, xác của chàng rữa ra ngấm qua mạch, hồn chàng (sau khi bay lên như một điều kì lạ) bị gió thổi bay đi ra biển rồi lại tạt xuống biển Đông”.
Dạng đề mở được áp dụng nhiều ở chương trình Ngữ văn lớp 10 nhằm kích thích khả năng sáng tạo, tư duy độc lập của học sinh, nhưng nếu không cẩn thận, nó sẽ trở thành cái bẫy để người chấm hứng chịu các kiểu tưởng tượng kỳ quái của học sinh.