Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những sao Việt phải chuyển nghề để mưu sinh

Câu chuyện nhạc sĩ chuyển thành nhà giáo, ca sĩ chuyển nghề kinh doanh, MC… đến nay không còn xa lạ nữa.

Những sao Việt phải chuyển nghề để mưu sinh

Câu chuyện nhạc sĩ chuyển thành nhà giáo, ca sĩ chuyển nghề kinh doanh, MC… đến nay không còn xa lạ nữa.

>>Sao Việt thất vọng về các cuộc thi truyền hình thực tế
>>Những sao Việt bừng sáng một lần rồi tắt ngúm

Thời buổi “người khôn của khó”, show đã hiếm, nhiều phòng trà ca nhạc cũng phải đóng cửa hoặc chuyển sang kinh doanh cơm văn phòng, đất diễn của các ca sĩ ngày càng ít. Khi mà nguồn thu từ việc đi hát không đủ để nuôi sống bản thân, gia đình, rất nhiều người trong số họ đã phải “động não”, kết hợp đi hát với kinh doanh để tăng thu nhập.

Ca sĩ kiêm ông chủ, bà chủ

Đầu tiên, phải kể đến gia đình Cẩm Vân – Khắc Triệu. Năm 2009, cặp nghệ sĩ nổi tiếng đã bắt tay vào một công việc mới xem ra chẳng ăn nhập gì với việc ca hát là kinh doanh tôm khô. Công ty Song Hưng do Khắc Triệu làm chủ tịch HĐQT, còn Cẩm Vân làm giám đốc chi nhánh TP. HCM làm ăn khấm khá đã tạo nguồn thu nhập chính cho cặp vợ chồng nghệ sĩ. Đến lúc này, ca hát với họ chỉ là một cuộc dạo chơi cho thỏa đam mê chứ không còn là một nghề kiếm sống.

Cẩm Vân trong vai trò bà chủ kinh doanh tôm khô.

“Cô dâu Thy Dung” nổi tiếng một thời cũng đã bỏ nghề chuyển sang làm kiểm toán cho một công ty xuất nhập khẩu. Theo người đẹp này, để làm được một cú đột phá trong âm nhạc thì cần phải đầu tư nhiều. Với cô, điều đó vẫn chưa thể thực hiện được trong điều kiện hiện tại. Hiện nay, Thy Dung đã cùng con gái chuyển sang Mỹ sinh sống và hầu như không tham gia ca hát nữa. Những lần chia sẻ với báo chí, Thy Dung tỏ ra ngậm ngùi vì buồn nhớ những ngày được đứng dưới ánh đèn sân khấu với sự cổ vũ của khán giả. Quả là “Cơm áo không đùa với khách thơ…”.

“Cô dâu Thy Dung” giờ đã hoàn toàn vắng bóng trên các sân khấu ca nhạc.

Một số giọng hát đã tạo được ít nhiều tiếng vang ở các sân khấu nhỏ miền nam như: Xuân Phú, Đình Nguyên, Quang Minh… thỉnh thoảng còn có những hợp đồng thu âm với các hãng băng đĩa nhưng với các ca sĩ đã đứng tuổi thì hầu như không còn cơ hội. Để tăng thêm thu nhập, họ hùn vốn mở quán cà phê, giải khát, nhà hàng, thậm chí cả quán cơm bình dân. Chàng rapper Đinh Tiến Đạt bên cạnh việc làm phòng thu cũng mở hẳn một quán cà phê có tên gọi Lộc Vừng để… “lấy ngắn nuôi dài”.

Đinh Tiến Đạt với vai trò ông chủ quán cà phê.

Mới đây, trong buổi casting của cuộc thi Vietnam's Next Top Model ở Hà Nội, một số khán giả yêu nhạc bất ngờ khi nhận ra chàng ca sĩ Thanh Duy của Vietnam Idol lẫn vào những dáng áo đen của các nhân viên tổ chức sự kiện. Điều đó phần nào lý giải nguyên nhân tại sao bấy lâu nay, khán giả không hề thấy một sản phẩm mới của chàng ca sĩ nhiều tiềm năng này.

Thanh Duy tạm dừng ca hát để làm nhân viên một công ty tổ chức sự kiện.

Nhạc sĩ cũng long đong chuyển nghề

Những người yêu mến tài năng của nhạc sĩ Đức Trí chắc hẳn xót xa nhiều khi thấy anh chia sẻ trên trang cá nhân: “Năm sau mà còn nghệ với chả thuật thì đến cơm nguội cũng có khi chẳng có mà ăn”. Là một nhạc sĩ được đào tạo bài bản, có tâm hồn và thực tài, Đức Trí ghi dấu ấn trong lòng khán giả bằng những sáng tác rất đẹp và có phong cách. Vậy mà bẵng đi một thời gian, người ta không nghe thêm được một bài hát mới nào của anh. Cái lặng lẽ của một người mà tung bài nào ra, bài đấy thành hit đã gây ra nhiều e ngại về một mất mát của làng nhạc Việt.

 Nhạc sĩ Đức Trí.

Khán giả quan tâm kháo nhau, phải chăng Đức Trí lấy vợ rồi nên cảm xúc không còn lãng mạn và tươi mới như xưa? Nhưng có lẽ, cái chính là giờ Đức Trí đã không chỉ là một nhạc sĩ, anh còn là người đàn ông của gia đình, phải lo toan, tính toán với những ám ảnh về thời cuộc và cả cơm áo gạo tiền. Những thông tin về việc Đức Trí phải bán nhà vì vỡ nợ, Music Face tan vỡ gần đây cũng là điều dễ hiểu. Hiện tại, Đức Trí ít làm nhạc hơn. Anh mở lớp dạy nhạc và giữ vai trò giảng viên ở Đại học Sài Gòn đã gần 2 năm nay.

Bên cạnh trường hợp của Đức Trí, rất nhiều nhạc sĩ khác cũng phải kiêm thêm nhiều công việc để đảm bảo đời sống. Nguyễn Hồng Thuận ngoài sáng tác còn kiêm vai trò bầu show. Nhạc sĩ Vũ Quốc Việt cũng ít sáng tác hơn để đảm nhiệm vai trò biên tập cho bar cà phê Điểm Hẹn Sài Gòn (TP. HCM). Anh chia sẻ: “Tôi đã quyết định dành nhiều thời gian cho kinh doanh nhằm ổn định cuộc sống. Làm nhạc sĩ là mơ ước cả đời, nhưng bây giờ quả thật khó mà sống được với nghề. Không bán được nhiều bài độc quyền, không đòi được tác quyền; các hãng băng đĩa không còn làm album nhiều như trước mà chỉ có ca sĩ tự làm…”.

Các nhạc sĩ khác như Võ Thiện Thanh, Hoài An, Hoài Phúc, Nguyễn Duy Hùng… hiện cũng chọn cho mình một công việc khác, không còn miệt mài sáng tác như trước nữa.

“Cuộc đời mà lại xót xa…”

Kinh tế khó khăn tác động đến mọi mặt của đời sống. Có những người vì khó mà bỏ nghề, nhưng vẫn có những ca sĩ, nhạc sĩ vẫn kiên trì theo đuổi sự nghiệp và niềm đam mê âm nhạc. “Cuộc đời mà lại xót xa/Thì sao cây táo lại nở hoa…” (Lưu Quang Vũ); trong bóng tối của sự khó khăn bao trùm, chúng ta càng có điều kiện để ngắm nhìn những ngôi sao tỏa sáng.

Theo Tiin

 

Theo Tiin

Bạn có thể quan tâm