Theo báo cáo mới nhất năm 2018 của Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS UNAIDS, trong thế kỷ này, số người chết liên quan đến AIDS hiện ở mức thấp nhất với dưới 1 triệu người tử vong mỗi năm nhờ sự tiếp cận ổn định với việc điều trị kháng virut. Hiện nay, 3/4 số người bị nhiễm HIV trên thế giới nhận thức được tình trạng của mình - bước quan trọng để thực hiện việc điều trị. Và tính đến nay, tổng số người đang điều trị HIV đạt mức kỷ lục với 21,7 triệu người, tăng 2,3 triệu người kể từ cuối năm 2016.
Tuy nhiên, điều trị HIV mới chỉ dừng lại ở thuốc kháng virus có tên gọi ARV. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết đến nay, điều trị bằng thuốc ARV được coi là điều trị đặc hiệu vì nó làm ức chế sự nhân lên của virus, từ đó duy trì được lượng virus thấp nhất trong máu và duy trì được tình trạng bình thường của hệ miễn dịch.
Điều đó cho thấy việc tìm kiếm một loại vắc xin có thể loại bỏ được hoàn toàn virus HIV vẫn là một con đường dài, đầy gian nan. Dẫu vậy, những câu chuyện dưới đây vẫn là tia sáng để thắp lên hy vọng và động lực cho những nhà nghiên cứu đang làm việc không mệt mỏi để tìm ra lối thoát cho những người nhiễm HIV.
“Bệnh nhân Berlin”
Timothy Ray Brown, 52 tuổi, là một trong số 70 triệu người nhiễm HIV, và là người duy nhất trên thế giới được điều trị khỏi loại virus quái ác vốn tưởng như vô phương cứu chữa này.
Ông Brown đang tận hưởng cuộc sống vui vẻ của mình ở Cape Town như bao người khỏe mạnh khác. Ảnh: Eric Risberg/AP |
“Cuộc đời tôi có thể tóm gọn lại trong hai câu. Tôi bị nhiễm HIV và cách điều trị duy nhất là dùng thuốc AZT (một loại thuốc kéo dài sự sống của người nhiễm HIV và hạn chế sự lây truyền của loại virus này cùng với nhiều tác dụng phụ). Sau đó tôi được chẩn đoán mắc ung thư máu”, ông kể lại.
Trớ trêu thay, căn bệnh ung thư chính là liều thuốc đã chữa HIV cho ông Brown. Dù được sinh ra ở Mỹ, ông lại sống ở Berlin, Đức, lúc đó ông đã gặp Tiến sĩ Gero Huetter, người đã quyết định chữa trị bệnh ung thư của ông bằng liệu pháp cấy ghép tế bào gốc. Nhưng tiến sĩ Gero lại quyết định thí nghiệm bằng việc cấy ghép với ông Brown. Ông đã chủ động tìm kiếm nguồn tài trợ cho một đột biến sinh học dạng hiếm gọi là gen CCR5 “Delta32”. Đột biến này khiến cơ thể sản sinh tế bào CD4 mà không có thụ thể CCR5. Thiếu những thụ thể này, HIV không thể liên kết và truyền bệnh cho các tế bào CD4.
Ông Brown cho biết đây là một ý tưởng cấp tiến “nghe như là khoa học viễn tưởng”, ông thừa nhận rằng mình nghi ngờ về kế hoạch của Tiến sĩ Huetter và ban đầu ông cũng từ chối tham gia. Bởi “50% số bệnh nhân cấy ghép tế bào gốc đều chết và tôi không muốn là một trong số đó”.
Cuối cùng ông cũng đồng ý khi bản thân bị thiếu máu do căn bệnh ung thư. Ông nhận được hai ca cấy ghép tế bào gốc từ người hiến tặng đặc biệt, một vào năm 2007 và lần thứ hai vào năm 2008 khi bệnh bạch cầu tái phát.
Ông Brown cho hay: “Các bác sĩ thậm chí còn tiến hành sinh thiết não cho tôi. Họ bảo rằng đang tìm kiếm tế bào ung thư bạch cầu nhưng tôi biết họ đang tìm dấu hiệu HIV, bởi vì não bộ là một trong những nơi mà virus HIV thường ẩn náu".
Sau khi không còn bất kỳ dấu hiệu nào của HIV, ông Brown được giới thiệu với thế giới với cái tên “bệnh nhân Berlin” bởi ông muốn giấu danh tính mình. Nhưng đến năm 2010, ông đã quyết định xuất hiện trước công chúng.
Ông biết mình là một sự tò mò khoa học và cơ thể ông sẽ có thể bị “mổ xẻ và đem ra làm thí nghiệm về HIV” sau khi chết. Nhưng hiện tại ông đang tận hưởng cuộc sống ở Cape Town với bạn đời của mình và cảm thấy hạnh phúc khi được sống. Mặc dù sau nhiều cuộc điều trị, ông đã bị chấn thương thần kinh, gây ảnh hưởng tới việc di chuyển và khả năng ngôn ngữ.
Tính đến năm 2017, tổng số người nhiễm HIV trên toàn thế giới là 36,9 triệu người, trong đó tập trung đông nhất ở khu vực Bắc và Nam Phi với 19,6 triệu người. Ngoài ra, số lượng trẻ em dưới 15 tuổi nhiễm HIV là 1,8 triệu trẻ.
Trong năm 2017, một nửa trên tổng số 1,8 triệu trẻ em nhiễm HIV toàn thế giới được điều trị. Ảnh: World Vision |
Ông Michel Sidibé, Giám đốc điều hành UNAIDS, chia sẻ: “Trẻ em đang bị bỏ lại phía sau. Trong khi về tổng thể, việc điều trị HIV đang ở mức cao nhưng trẻ em đang phải chịu một sự bất công rất lớn. Chỉ một nửa số trẻ em dưới 15 tuổi được điều trị vào năm ngoái”.
Trẻ em từ 0-4 tuổi thường bị nhiễm HIV từ khi còn trong bụng mẹ. Dẫu vậy, trường hợp của “em bé Nam Phi” đã giúp nhiều trẻ em có thêm hy vọng sẽ không phải điều trị bằng thuốc trong những năm tháng trưởng thành.
“Em bé Nam Phi”
Theo một báo cáo được đưa tại hội nghị ở Paris năm 2017, một em bé bị nhiễm HIV từ khi sinh ra và trải qua một đợt điều trị ngắn đã sống sót khỏe mạnh trong suốt 9 năm qua mà không cần thêm một loại thuốc nào. Trường hợp này được thế giới biết đến với cái tên “em bé Nam Phi”.
Trước đó, vào năm 2007, một cuộc thử nghiệm trên trẻ sơ sinh nhiễm HIV từ khi sinh ra đã được tiến hành tại Nam Phi, một trong những điểm nóng nhất của HIV trên thế giới. Những đứa trẻ này được lựa chọn ngẫu nhiên và chia thành hai nhóm điều trị, một nhóm được điều trị trong 40 tuần với thuốc kháng virus và nhóm còn lại là 96 tuần. “Em bé Nam Phi” này là một trong 143 đứa trẻ được điều trị trong khóa ngắn hơn. Khi quãng thời gian điều trị bằng thuốc kết thúc, các nhà nghiên cứu đã không còn tìm thấy virus HIV trong máu của em.
Nam Phi là khu vực “nóng” nhất trên thế giới về tình trạng người dân bị HIV cũng như số lượng trẻ em nhiễm bệnh ngay từ khi sinh ra. Ảnh: CNN |
Các nhà nghiên cứu đã hy vọng rằng họ có thể đúc kết được nhiều từ trường hợp này để có thể cứu những đứa trẻ khác không phải dùng thuốc hàng ngày trong suốt cuộc đời.
Tuy nhiên, hy vọng này của các nhà nghiên cứu đã tan vỡ khi họ phát hiện ra rằng “em bé Nam Phi” không hoàn toàn được chữa khỏi. Mặc dù không có sự lan truyền của HIV nhưng thông qua các kỹ thuật thử nghiệm tiên tiến, họ phát hiện ra một khối chứa virus tích hợp bên trong một tỉ lệ nhỏ tế bào miễn dịch. Nhưng xét về tổng thể, hệ thống miễn dịch của đứa trẻ hoàn toàn khỏe mạnh, không có dấu hiệu nhiễm HIV cũng như các triệu chứng của căn bệnh.
Ông Anthony S. Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NIAID), người tài trợ cho dự án nghiên cứu, nói: “Cần nghiên cứu thêm mới có thể kết luận về sự thuyên giảm HIV trong thời gian dài của những đứa trẻ nhiễm bệnh. Tuy nhiên trường hợp này đã củng cố hy vọng cho chúng tôi rằng, bằng việc điều trị cho trẻ nhiễm HIV trong giai đoạn ngắn bắt đầu từ giai đoạn phôi thai, chúng tôi có thể cứu chúng khỏi gánh nặng điều trị suốt đời cũng như hệ quả về sức khỏe”.
Câu chuyện của “em bé Nam Phi” là trường hợp thứ ba của trẻ bị nhiễm HIV mà vẫn khỏe mạnh trong một thời gian dài không cần điều trị. Trước đó, các nhà nghiên cứu đã báo cáo về một em bé Pháp sinh năm 1996 nhiễm HIV từ khi sinh ra và được điều trị khi 3 tháng tuổi. Đứa trẻ này đã sống khỏe mạnh và không tìm thấy virus HIV trong người trong suốt 11 năm sau đó.
Thật khó có thể khẳng định đến khi nào con người mới có được loại thuốc chữa trị được căn bệnh này khi mới chỉ có rất ít người may mắn sống sót, trong khi con số những người mắc HIV vẫn chưa dừng lại. Đồng thời, nhiều khó khăn trong việc chữa trị HIV đang tồn tại như phân biệt đối xử, điều kiện về thiết bị, cơ sở y tế, nhận thức của cộng đồng...
Song, điều khiến chúng ta có thể lạc quan là tính đến năm 2017, 75% người sống chung với HIV đều đã hiểu được tình trạng của mình, 79% đã được tiếp cận điều trị và 81% trong số đó đã ức chế được virus HIV.
Ông Sidibé khẳng định: "Có một giải pháp cho những thách thức này. Đó là trách nhiệm của các nhà lãnh đạo, chính phủ các quốc gia và cộng đồng quốc tế trong việc đầu tư đầy đủ về mặt tài chính và thiết lập một hệ thống pháp lý, chính sách cần thiết để đưa những công việc của các nhà sáng chế đến với rộng rãi toàn thế giới”.