Khi làn sóng Hàn Quốc "xâm lăng" khắp châu Á, kéo theo đó là những ngôi sao giải trí sang chảnh, những bộ phim truyền hình dày đặc trai xinh, gái đẹp giàu có, sung túc đã tô hồng cuộc sống tại Hàn Quốc, biến quốc gia này trở thành biểu tượng của sự lý tưởng, thiên đường đáng ngưỡng vọng. Nhưng, đằng sau những thước phim gây bão, lại là những câu chuyện khác.
Khoảng cách giàu nghèo xa vời vợi
Năm 2012, khi ca khúc Gangnam Style ra đời và "làm mưa làm gió" toàn cầu, người ta đã bàn về tính trào lộng, về sự giàu có phủ ngập ở khu phố sầm uất Gangnam và cuộc sống nghèo đói đối lập ở ngay gần đó - khu ổ chuột lớn nhất Hàn Quốc có tên Guryong. Năm 2019, khi bộ phim (Parasite) Ký sinh trùng của đạo diễn Bong Joon Ho gây bão màn ảnh thế giới, công chúng một lần nữa phải nhìn thẳng vào khoảng cách giàu nghèo xa vời vợi ở Hàn Quốc.
Ký sinh trùng là bộ phim hiếm hoi dũng cảm xoáy sâu vào bản chất cái nghèo ở xứ kim chi. Có nhiều bộ phim Hàn khác cũng đề cập đến cái nghèo nhưng đa phần mới chỉ nói được cái vỏ hoặc chỉ dùng nó để làm nền cho một chuyện tình cổ tích nào đó.
Khu ổ chuột Guryong. Ảnh: The Guardian. |
Sự chênh lệch giàu - nghèo tại Hàn Quốc đang có chiều hướng gia tăng. Đầu tháng 4/2019, Cục Thống kê Quốc gia Hàn Quốc công bố kết quả điều tra về phúc lợi tài chính hộ gia đình, trong đó bổ sung thêm một số chỉ số mới so sánh về chênh lệch thu nhập hộ gia đình.
Một trong các chỉ số mới được bổ sung là "tỷ lệ P90/P10," tức tỷ lệ thu nhập của nhóm 10% có thu nhập cao nhất với nhóm 10% có thu nhập thấp nhất. Tỷ lệ này của Hàn Quốc là 5,79 lần (năm 2017), tăng so với mức 5,74 lần năm 2016.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) coi "tỷ lệ P90/P10" là thước đo chính để đánh giá về sự bất bình đẳng thu nhập theo từng quốc gia. Tỷ lệ này tăng có nghĩa là bất bình đẳng về thu nhập cũng đang tăng. Điều này chứng tỏ tình trạng phân hóa giàu - nghèo tại Hàn Quốc đang ngày càng trở nên sâu sắc hơn.
Rất nhiều người cao tuổi ở Hàn Quốc phải sống trong cảnh cô đơn, đói khổ, phải tự mưu sinh. Ảnh: Financial Times. |
Năm 2016, OECD thống kê có khoảng 50% người cao tuổi Hàn Quốc sống trong cảnh nghèo đói, dù khi đó nước này đang là nền kinh tế phát triển thứ 4 châu Á và thứ 11 thế giới.
Phụ nữ - những “nô lệ” xinh đẹp
Những bộ phim tình cảm lãng mạn đã vẽ ra một bức tranh ngọt ngào về cuộc sống của phụ nữ tại Hàn Quốc. Trên thực tế, lối ứng xử lịch thiệp với nữ giới chỉ có trong phim hoặc mang tính hình thức. Đàn ông nước này quan niệm phụ nữ chỉ nên ở nhà nội trợ, chăm con.
Năm 2018, tờ CNN đăng tải một bài viết lý giải vì sao phụ nữ Hàn Quốc không muốn lấy chồng, sinh con. Phỏng vấn một cô gái tên Jan Yun Hwa, CNN nhận được câu trả rằng cô không chỉ thờ ơ với hôn nhân mà còn không muốn yêu đương. Cô lo ngại nguy cơ bị người yêu tung cảnh nóng để trả thù và nạn bạo hành gia đình. Khi được hỏi về cách nhìn của đàn ông với phụ nữ ở Hàn Quốc, Yun Hwa mô tả bằng hai từ "nô lệ".
Năm 2015, Văn phòng Công tố Hàn Quốc (SPO) đưa ra số liệu chính thức về nạn bạo lực gia đình. Có đến 60% vụ bạo hành bị công tố viên từ chối vào năm 2015 và chỉ có 15,6% là thành công đưa ra xét xử. Tỷ lệ bạo lực gia đình tái phạm sau cảnh cáo tại Hàn Quốc tăng mạnh từ 7,5% năm 2008 lên 32,2% năm 2012.
Ngày 7/7, dư luận châu Á chấn động vì vụ chồng Hàn bạo hành dã man người vợ Việt trong suốt 3 giờ đồng hồ. |
Tại Hàn Quốc, trong hầu hết mọi cuộc xung đột, nếu không có bằng chứng rõ ràng, phụ nữ là đối tượng bị chỉ trích trước tiên. Điển hình là vụ ly hôn giữa Song Joong Ki và Song Hye Kyo gần đây. Mặc dù nguyên nhân chính xác dẫn đến việc cặp đôi đường ai nấy đi vẫn chưa được làm rõ, không ít cư dân mạng Hàn đã vội vàng mỉa mai và đổ lỗi cho Song Hye Kyo.
Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) gần đây cho thấy quốc gia này chỉ đứng thứ 115/149 về bình đẳng giới, kém hơn cả Việt Nam (77/149).
Không chỉ là nạn nhân của bạo lực và bị đối xử bất công trong gia đình, phụ nữ Hàn Quốc còn bị xem nhẹ tại nơi làm việc. Đứng trước cơ hội xây dựng sự nghiệp, họ lép vế hơn hẳn đàn ông. Những ngân hàng lớn nhất Hàn Quốc như KB Kookmin Bank, KEB Hana Bank và Shinhan Bank từng bí mật loại bỏ hồ sơ của các nữ ứng cử viên và tự động nâng điểm thi tuyển đầu vào cho nam ứng viên.
Kpop và những trò biến thái, bóc lột sức lao động
Khán giả đã quá quen với hình ảnh những ngôi sao giải trí ăn mặc lộng lẫy, sống sang chảnh với vô vàn người hâm mộ vây quanh. Nhưng đằng sau vẻ hào nhoáng và đẹp đẽ đó là những thác loạn cùng vấn nạn bóc lột sức lao động nhức nhối.
Công nghiệp giải trí của Hàn Quốc có thể xuất khẩu đến nhiều quốc gia, tạo ra sức mạnh văn hóa toàn cầu trị giá hàng tỷ USD. Nhưng những bê bối tình dục, ma túy thời gian qua đã tạo ra cơn địa chấn chưa từng có, rung chuyển thế giới Kpop.
Trong một tuần của tháng 3, có tới 4 thần tượng Kpop nổi tiếng xin lỗi, tuyên bố rút khỏi showbiz sau khi lộ những cuộc trò chuyện trong nhóm chat sex. Họ lập thành một nhóm ca sĩ thân thiết, trong đó có Seungri (cựu thành viên Big Bang) trên mạng xã hội. Thay vì nói về âm nhạc hay vũ đạo, các chàng trai này chia sẻ video tình dục, ảnh sex với các cô gái. Họ thản nhiên nói về chuyện quay video sex bằng camera giấu kín.
Bê bối liên quan đến hiếp dâm, môi giới mại dâm và quay lén clip sex của Seungri và những người bạn hồi tháng 3 khiến làng giải trí châu Á sốc nặng. |
Thần tượng tại Hàn phải trải qua quá trình tập luyện và đào thải khắc nghiệt. Chuyên gia văn hóa Jang Duk Hyun cho biết ở Hàn Quốc, các lò đào tạo được gọi là trại huấn luyện quân sự. Các thực tập sinh được tuyển dụng, kiểm soát, nhào nặn thành thần tượng hoàn hảo về giọng hát và cả ngoại hình. Hơn một thập kỷ qua, không ít nghệ sĩ đã lên tiếng tố cáo sự bóc lột của các công ty giải trí. Họ công khai cả bản hợp đồng cấm nghệ sĩ hẹn hò.
Theo CNN, các ngôi sao Kpop từ lâu đã được “bảo vệ chặt chẽ”, sống với hình tượng sạch phía sau sân khấu. Nhưng họ lại được yêu cầu phát hành những sản phẩm âm nhạc có yếu tố “tính dục”. Nhiều năm qua, khán giả đã quen với hình ảnh các ca sĩ nữ mặc gợi cảm, váy áo bó sát và thể hiện những động tác vũ đạo gợi dục trên sân khấu. Trong các MV của nhóm nhạc nam, vũ công nữ gợi cảm mê hoặc trước ống kính là điều không thể thiếu.
Học hoặc chết, nhiều bằng cấp quan trọng hơn nhiều tiền
Bên cạnh đó, bằng cấp, hình thức là điều kiện quan trọng nhất quyết định tương lai của một người tại Hàn Quốc. Ở Việt Nam, học đại học chỉ là một trong số những con đường dẫn đến thành công. Nhưng ở xứ kim chi, muốn có được một chỗ đứng trong xã hội, người trẻ chỉ được chọn giữa việc điên cuồng học hoặc ngay lập tức bị đào thải.
Tại Hàn Quốc, phụ huynh và học sinh cạnh tranh gay gắt để giành được một suất vào trường đại học danh tiếng. Họ cho rằng đó là lợi thế lớn nhất cho sự nghiệp giới trẻ sau này. Vì vậy, học sinh Hàn ôn thi đại học từ rất sớm, bắt đầu từ lúc 13-14 tuổi. Ngoài ra, họ còn đổ xô tham gia các lớp học thêm hay tìm gia sư kèm cặp. Học sinh bậc trung học ở Hàn Quốc thường đi học từ 8h30 sáng và trở về nhà vào lúc 11h đêm.
Năm 2015, chính phủ Hàn Quốc ước tính ngành dịch vụ gia sư có tổng giá trị lên đến 20 tỷ USD. Thông thường khoảng 25% thu nhập của các bậc cha mẹ Hàn là dùng để lo tiền học cho con.
Phụ huynh Hàn Quốc cầu nguyện cho con cái đỗ đạt trong kỳ thi đại học tại đền Jogye ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AP. |
Chạy đua để học, cạnh tranh gay gắt để vào được trường danh tiếng nhưng trong 3 năm qua, tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ Hàn đã tăng mạnh, nhất là với những lao động có bằng đại học.
Tỷ lệ tự tử của nước này cũng tăng cao từ năm 2000 cho đến hiện tại với đối tượng trải khắp từ học sinh, sinh viên, người lớn cho đến người già, nữ giới cho tới nam giới. Số liệu của tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy Hàn Quốc là một trong những quốc gia đứng đầu về tỷ lệ tự tử.