Sốt xuất huyết có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Ảnh: Johnson & Johnson. |
Cụ thể, so với năm 2021, số ca mắc sốt xuất huyết năm 2022 ở Malaysia đã tăng hơn 150% và số ca tử vong tăng 180%.
Chia sẻ với The Star, PGS.TS Verna Lee Kar Mun, chuyên gia y học gia đình tại Đại học Y khoa Quốc tế, nhận định việc bảo vệ bản thân khỏi bệnh sốt xuất huyết không khó, nhưng một số người vẫn dễ dàng bị đánh lừa vì những quan niệm sai lầm về căn bệnh này. Bà chỉ ra những suy nghĩ sai lầm về bệnh sốt xuất huyết.
Chỉ bị sốt xuất huyết một lần trong đời
Theo tiến sĩ Verna Lee Kar Mun, thế giới ghi nhận có 4 loại huyết thanh sốt xuất huyết và điều này đồng nghĩa là một người có thể bị mắc bệnh đến 4 lần. Do đó, việc miễn dịch hoàn toàn chỉ có thể xảy ra nếu một người đã bị mắc tất cả 4 loại huyết thanh này.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý là những lần nhiễm trùng tiếp theo có thể nghiêm trọng hơn lần đầu tiên và mỗi lần nhiễm trùng đều làm tăng khả năng mắc bệnh sốt xuất huyết nặng.
Sốt xuất huyết nặng là căn bệnh nguy hiểm cần phải nhập viện để điều trị và nó có thể dẫn đến những hậu quả tàn khốc như suy nội tạng. Vì vậy, bà Verna Lee khuyên mọi người nên tuyệt đối tránh bị mắc sốt xuất huyết lặp đi lặp lại.
Miễn là không bị bệnh thì không nguy hiểm
Bệnh sốt xuất huyết được chia làm 3 giai đoạn khác nhau. Đầu tiên là giai đoạn sốt, đặc trưng ở việc sốt cao đột ngột 1-2 ngày. Trong thời gian này, bệnh nhân có thể bị đau nhức cơ thể, đau đầu kèm theo đau sau mắt, mặt đỏ bừng, đôi khi nổi mẩn đỏ trên da hoặc phát ban.
Kế đến là giai đoạn nguy hiểm. Đây là lúc cơn sốt dịu đi và nhiều người có thể cảm thấy rằng họ đang khỏe hơn. Nhưng thực tế, 1-2 ngày này là thời gian bệnh nhân có thể bị sốc nếu các mao mạch rò rỉ huyết tương, dẫn đến giảm huyết áp đột ngột.
Không những vậy, giai đoạn này cũng sẽ quyết định liệu bệnh nhân có khỏi bệnh và chuyển sang trạng thái phục hồi hay trở nên tồi tệ hơn, sau đó bị sốt xuất huyết nặng.
Tương tự nhiều bệnh do virus khác, sốt xuất huyết có thể sẽ tự nhiên thuyên giảm. Trong hầu hết trường hợp, bệnh nhân chỉ cần tự chăm sóc tại nhà và điều quan trọng cần nhớ là uống nhiều nước để ngăn ngừa mất nước do rò rỉ huyết tương.
Bà Verna Lee khuyến cáo bất cứ ai bị sốt xuất huyết đều nên uống ít nhất 3 lít nước mỗi ngày trong 3 ngày đầu tiên.
Sốt xuất huyết chỉ là một bệnh nhẹ thông thường
Việc những người bị mắc sốt xuất huyết có thể hồi phục tại nhà không đồng nghĩa là căn bệnh này không có gì đáng lo ngại. Trang The Star thông tin có khoảng 1% bệnh nhân sẽ bị sốt xuất huyết nặng, còn được gọi là sốt xuất huyết Dengue thể nặng, bắt buộc phải nhập viện.
Biểu hiện chảy máu có thể bắt đầu trong giai đoạn sốt, thường là ở da hoặc nướu. Nếu không được kiểm soát tốt, tình trạng của bệnh nhân có thể xấu đi trong giai đoạn nguy hiểm, điều đó bắt buộc họ phải nhập viện.
Những người có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh thường hồi phục sau 2 ngày, nhưng nếu tình trạng viêm nhiễm ảnh hưởng đến các cơ quan như tim, gan hoặc não, quá trình hồi phục có thể mất đến một tuần, thậm chí lâu hơn nếu có biến chứng.
Đối với những người bị huyết áp thấp, các triệu chứng có thể bắt đầu sớm hơn và phụ nữ đang có kinh nguyệt có thể bị chảy máu nặng hơn. Các dấu hiệu khác của sốt xuất huyết nặng bao gồm đau dữ dội ở bụng, nôn mửa dai dẳng, thở nhanh và có máu trong chất nôn hoặc phân.
Chỉ có thể xét nghiệm sốt xuất huyết sau 3 ngày
Theo tiến sĩ Verna Lee, đúng là các triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết rất mơ hồ, vì sốt có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh khác nhau. Nhưng với bệnh sốt xuất huyết, cơn sốt cao thường đến đột ngột, trong khi ở Covid-19, cơn sốt lại khởi phát chậm hơn.
Việc xét nghiệm nhanh kháng nguyên sốt xuất huyết S1 có thể giúp phát hiện bệnh ngay từ ngày đầu tiên. Do đó, mọi người không nên trì hoãn việc tìm tư vấn y tế nếu đột nhiên bị sốt cao. Cần lưu ý rằng giai đoạn sốt chỉ kéo dài 1-2 ngày, sau đó là giai đoạn nguy hiểm khi bệnh nhân có thể đột ngột trở nên tồi tệ hơn.
Diệt muỗi là đủ để phòng chống sốt xuất huyết
Tiến sĩ Verna Lee nhận định những nỗ lực như phun sương tiêu diệt muỗi trưởng thành, loại bỏ nước tù đọng trong cống rãnh công cộng và những nơi khác đã giúp ngăn chặn các địa điểm sinh sản của muỗi.
Tuy nhiên, những cách làm này lại kéo theo rất nhiều chi phí, nhân lực và chỉ mang đến hiệu quả một phần. Tệ hơn nữa là có bằng chứng cho thấy muỗi đã trở nên kháng thuốc trừ sâu thông thường được sử dụng trong sương mù. Vì vậy, việc vừa phòng, chống sốt xuất huyết, vừa tiết kiệm chi phí là thách thức không nhỏ đối với các quốc gia trên thế giới.
Đối với người mắc bệnh tim, việc di chuyển đường dài để khám bệnh luôn đặt ra nhiều thách thức rất lớn. Nhưng nhờ sự phát triển của Telehealth, bệnh nhân giờ đây có thể khám chữa bệnh từ xa. Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Câu chuyện từ trái tim - BS Nguyễn Lân Hiếu.
Câu chuyện từ trái tim của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu là tập hợp những ghi chép về các vấn đề thời sự xã hội, từ y tế, giáo dục đến môi trường, thể hiện trăn trở của tác giả trong các vấn đề xã hội.
Với văn phong nhẹ nhàng nhưng ngắn gọn do được ông viết trong khoảng thời gian giữa những ca mổ, cuốn sách như một giãi bày về nghề y, về trái tim người thầy thuốc và trái tim của bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân tim mạch.