Sean Connery với loạt 007: Sau gần 10 năm lăn lộn với công việc diễn xuất, sự nghiệp của tài tử người Scotland thực sự sang trang khi anh vào vai James Bond trong tập phim Dr. No (1962). Kể từ đó đến nay, hình ảnh chàng điệp viên hào hoa phong nhã dưới sự thể hiện của Sean Connery trở thành chuẩn mực đối với bất cứ ai muốn nhận vai 007.
|
Sean Connery có tổng cộng bảy lần sắm vai James Bond. Nam diễn viên từng thừa nhận rằng mình “mắc nợ” Dana Broccoli - vợ của nhà sản xuất Albert R. Broccoli, bởi bà là người luôn cố gắng thuyết phục chồng mình giao nhân vật cho ông, bất chấp sự phản đối đến từ tác giả nguyên tác văn học là Ian Fleming. Ngoài ra, đạo diễn Terence Young là người đã dạy cho Sean Connery từng cử chỉ của James Bond, từ đi lại, nói chuyện, cho tới ăn uống. Rốt cuộc, ông không phụ lòng tin tưởng của cả hai, và đến nay trở thành biểu tượng vĩ đại trong lịch sử điện ảnh.
|
George Lazenby với On Her Majesty's Secret Service (1969): Năm 1968, Sean Connery quyết định thôi sắm vai James Bond (để rồi sau này trở lại ở tập Diamonds are Forever). Trong một lần đi cắt tóc, Albert R. Broccoli tình cờ gặp George Lazenby. Bị cuốn hút bởi chàng trai trẻ, ông mời anh tới tham dự buổi thử vai để chọn ra James Bond mới. Tại đó, Lazenby háo hức tới nỗi suýt đấm vỡ mũi một chỉ đạo hành động. Nhưng hành động ấy lại gây ấn tượng mạnh cho Broccoli, và ông bất chấp nhiều lời can ngăn về kinh nghiệm diễn xuất “bằng 0” của Lazenby để giao vai diễn cho anh.
|
Sau khi On Her Majesty’s Secret Service (1969) ra mắt, bộ phim phải hứng chịu nhiều lời chê bai, nhưng bản thân George Lazenby vẫn nhận được lời mời đóng thêm sáu phim nữa. Song, những lời “quân sư” thiếu căn cứ của người đại diện và thái độ kiêu căng của tài tử đã khiến Broccoli không còn giữ nổi kiên nhẫn. Rốt cuộc, anh rời thương hiệu 007 chỉ sau đúng một tập phim. Sau này, khi nhìn lại lịch sử loạt phim, nhiều người lại đánh giá rằng George Lazenby mang phong thái giống với nhân vật ở nguyên tác văn học của Ian Fleming nhất. |
Pierce Brosnan với loạt 007: Nếu như không vướng hợp đồng với loạt phim truyền hình trinh thám Remington Steel của đài NBC, tài tử người Ireland đã đến với 007 từ thập niên 1980. Rốt cuộc, anh phải chờ tới GoldenEye năm 1995, và nỗ lực tiếp thêm sức sống cho chàng điệp viên hào hoa phong nhã qua tổng cộng bốn tập phim.
|
Ở thời điểm đầu thập niên 1990, thương hiệu 007 bị tranh chấp dữ dội giữa các đơn vị sản xuất và nó thực sự cần một luồng gió mới. GoldenEye và Pierce Brosnan thực sự làm được điều đó, khi bộ phim thu 350 triệu USD toàn cầu, đồng thời nhận điểm 80% trên chuyên trang Rotten Tomatoes. Như nhà phê bình quá cố Roger Ebert đã nhận xét, nam diễn viên giúp nhân vật “trở nên nhạy cảm và gần gũi hơn”. Kể từ đó về sau, cái tên Pierce Brosnan cũng được cả thế giới biết tới.
|
Daniel Craig với loạt 007: Khi Pierce Brosnan “dứt áo ra đi” kể từ sau Die Another Day (2002), các nhà sản xuất của 007 lại bước vào một cuộc tìm kiếm mới. Họ khiến cộng đồng fan giận dữ khi chọn một chàng trai tóc vàng là Daniel Craig - người trước đó mới chỉ xuất hiện trong một số tác phẩm độc lập, cũng như chủ yếu sắm vai phụ trong các dự án lớn như Lara Croft: Tomb Raider, Road to Perdition hay Munich.
|
Nhưng những lời chỉ trích không còn nữa sau khi Casino Royale ra mắt năm 2006. Có lẽ do chịu ảnh hưởng một chút từ Jason Bourne mà James Bond bỗng trở nên gai góc, bạo lực, thực tế, và “đời” hơn bao giờ hết. Cộng thêm phần nội dung lôi cuốn, Casino Royale và Daniel Craig mang đến hình ảnh chàng điệp viên 007 phù hợp với thời hiện đại. Nếu như Quantum of Solace (2009) thất bại ở phần kịch bản, thì loạt phim ngay lập tức lấy lại phong độ với Skyfall (2013) - tập 007 đầu tiên cán mốc doanh thu 1 tỷ USD. Chỉ tiếc rằng Spectre (2015) lại gây thất vọng tràn trề và có thể đánh dấu lần cuối cùng Daniel Craig vào vai James Bond.
|
Tom Cruise với loạt Mission: Impossible: Trường hợp của Tom Cruise hơi đặc biệt một chút khi anh thành danh từ cuối thập niên 1980, mà điển hình là với Top Gun (1986) và Rain Man (1988). Sự ra đời của Mission: Impossible vào năm 1996, tuy gây ra nhiều tranh cãi khi tác phẩm thay đổi nội dung nguyên tác truyền hình, nhưng tiếp tục giúp cho tài tử điển trai củng cố vị thế trong mắt người hâm mộ.
|
Song, kể từ sau năm 2005, cái tên Tom Cruise trở nên “mất nhiệt” tại phòng vé bởi những lùm xùm về đời tư liên quan tới giáo phái Scientology. Lúc này, anh chỉ còn biết “bấu víu” vào thương hiệu Mission: Impossible để tiếp tục ghi điểm với công chúng. May mắn thay, lần lượt Ghost Protocol (2011) và Rogue Nation (2015) đều là những bộ phim vừa ăn khách, vừa được lòng giới phê bình. Ở tuổi 54, Tom Cruise vẫn tự mình thực hiện nhiều pha hành động nguy hiểm, bởi anh hiểu rằng chỉ khi các tập phim Mission: Impossible ăn khách, những dự án khác của mình mới có thể được “bật đèn xanh”.
|
Matt Damon với loạt Bourne: Trước thế kỷ XXI, Matt Damon góp mặt trong rất nhiều bộ phim danh giá như Good Will Hunting (1997), Saving Private Ryan (1998) hay The Talented Mr. Ripley (1999). Nhưng chỉ khi vào vai chàng siêp điệp viên mất trí nhớ Jason Bourne, tài tử mới chính thức trở thành sao hạng A tại Hollywood. Mở màn bằng The Bourne Identity (2002), nhân vật được cho là đã thổi đến luồng gió mới tới dòng phim điệp viên trong lúc loạt 007 của Pierce Brosnan đang dần trở nên “sáo mòn”.
|
Lần lượt những Brad Pitt, Russell Crowe, Arnold Schwarzenegger, Tom Cruise và Sylvester Stallone khước từ đạo diễn Doug Liman, mở đường cho Matt Damon đến với thương hiệu. Trước đó, anh chưa từng tham gia bất cứ phim hành động nào và đây là thử thách thực sự đối với chàng trai trẻ khi ấy. Đến nay, thương hiệu Bourne đã trải qua năm tập phim, mới nhất là Jason Bourne (2016), và thật khó để có thể tưởng tượng ai khác thay thế Matt Damon vào vai nhân vật biểu tượng này.
|
Gary Oldman với Tinker Tailor Soldier Spy (2011): Khởi nghiệp từ năm 1979, tài tử xứ sở sương mù không còn lạ lẫm với công chúng qua hàng loạt bộ phim nổi tiếng như Sid and Nancy (1986), JFK (1991), Dracula (1992), Léon: The Professional (1994), hay sau này là vai phù thủy Sirius Black trong loạt Harry Potter và cảnh sát trưởng Gordon ở loạt Batman của Christopher Nolan. Tuy nhiên, có một điều kỳ lạ rằng Gary Oldman chưa từng một lần được Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh nước Mỹ để mắt tới.
|
Mọi chuyện chỉ thay đổi vào đầu năm 2012. Sắm vai gã điệp viên lão luyện George Smiley trong Tinker Tailor Soldier Spy (2011), ông nhận đề cử Nam diễn viên chính xuất sắc tại Oscar. Đây là tác phẩm mang đề tài nội gián dựa trên nguyên tác văn học của John le Carre, chủ yếu thiên về những cuộc đấu trí hơn là hành động súng đạn. Ở đó, Gary Oldman có cơ hội phô diễn hết khả năng diễn xuất nội tâm, nhất là bằng ánh mắt và những cử chỉ nhỏ nhặt nhất. Mới đây, ông đã xác nhận mình sẽ thêm một lần nữa vào vai George Smiley trong thời gian tới.
|
Ben Affleck với Argo (2012): Trên thực tế, Ben Affleck nổi lên từ khi anh thắng giải Kịch bản gốc xuất sắc cùng người bạn thân Matt Damon với Good Will Hunting (1997). Sau đó, anh mải miết góp mặt trong các bộ phim bom tấn giải trí dạng "dễ xem, chóng quên" như Armageddon (1998) hay Pearl Harbour (2001), để rồi chìm trong quãng thời gian “đen tối”, được quan tâm nhiều hơn bởi câu chuyện tình với Jennifer Lopez hơn là các tác phẩm điện ảnh.
|
Cũng có đôi lúc Ben Affleck tỏa sáng như với Hollywoodland (2006), nhưng đây là thời điểm tài tử bắt đầu phát hiện ra niềm đam mê làm phim. Anh chuyển sang ghế đạo diễn, vừa chỉ đạo, vừa diễn xuất, cứ thế dần dần tích lũy kinh nghiệm. Sau một The Town (2010) tương đối thành công, Ben Affleck khiến tất cả ngỡ ngàng khi nâng cao tượng vàng Oscar hạng mục Phim truyện xuất sắc với Argo (2012). Đó là bộ phim mà anh vừa làm đạo diễn, vừa sắm vai chính là mật vụ Tony Mendez. Tác phẩm đồng thời mở ra mối quan hệ tốt đẹp giữa Ben Affleck với hãng Warner Bros., giúp anh giờ nắm giữ vai siêu anh hùng Batman.
|
Taron Egerton với Kingsman: The Secret Service (2014): Trước mùa lễ Valentine 2014, có lẽ không nhiều người biết đến cái tên Taron Egerton bởi chàng trai trẻ mới chỉ xuất hiện trong vỏn vẹn hai bộ phim ngắn. Nhưng mọi chuyện xoay chuyển 180 độ sau khi Kingsman: The Secret Service ra mắt, thu về 414,4 triệu USD toàn cầu.
|
Khi ấy, chàng trai 24 tuổi vùng Cheshire đảm nhận vai chính là điệp viên tập sự Gary “Eggsy” Unwin. Anh không phụ lòng mong đợi của đạo diễn Matthew Vaughn, luôn tỏ ra tự tin trên màn ảnh dù phải diễn chung với nhiều “cây đa cây đề” như Colin Firth, Michael Caine, Samuel L. Jackson hay Mark Strong. Taron Egerton đang tham gia thực hiện Kingsman 2 và dự kiến sắm vai Robin Hood trong bộ phim mới về nhân vật “thảo khấu rừng xanh”. Trong hai năm gần đây nhất, tài tử còn được tạp chí GQ bầu chọn vào top 50 người đàn ông nước Anh có phong cách ăn mặc đẹp nhất.
|