Cảnh tượng xung quanh nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở thành phố Pripyat, Ukraine sau thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử nhân loại. Sự việc xảy ra ngày 26/4/1986 khi lò phản ứng số 4 thuộc nhà máy điện nguyên tử phát nổ. Vụ nổ làm phát tán một số lượng lớn các hạt phóng xạ từ nhà máy lan rộng ra nhiều vùng phía tây Liên bang Xô Viết, Đông và Tây Âu, Scandinavia, Anh và phía đông nước Mỹ. Nhiều vùng rộng lớn thuộc Ukraine, Belarus và Nga bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: RT
|
Thiết bị trong một phòng điều khiển ở nhà máy Chernobyl trơ khung sắt. Lượng phóng xạ trong vụ nổ phát tán ra môi trường lớn gấp 400 lần quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima năm 1945. Cơ quan Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đánh giá thảm họa hạt nhân Chernobyl ở cấp độ 7 theo thang INES. Ảnh: Caters News |
Tượng lính cứu hỏa tham gia khắc phục hậu quả trong thảm họa Chernobyl. Họ chết vì phơi nhiễm phóng xạ chỉ vài tuần hoặc vài tháng sau sự cố. Ảnh: AFP |
Những phương tiện tham gia ứng cứu thảm kịch Chernobyl bị vứt bỏ vì nhiễm xạ. Một khu rừng nằm cách nhà máy 25 km được dọn dẹp để quy tập các phương tiện. Trực thăng, xe bọc thép, xe cứu hỏa hay ôtô tải nằm phơi mưa nắng suốt 3 thập niên qua. Ảnh: RT |
Từ một thành phố xinh đẹp với 50.000 người sinh sống, Pripyat trở nên hoang vắng và không bóng người kể từ ngày kinh hoàng 30 năm trước. “Chernobyl là một trong số những nơi nguy hiểm nhất mà tôi từng tới. Dù không gian xung quanh thanh bình, người ta vẫn không thể né tránh cảm giác lạnh người khi ở nơi này”, nhà sản xuất phim tài liệu Danny Cooke nói sau nhiều lần tới thăm Chernobyl và các thành phố bị bỏ hoang gần Pripyat. Ảnh: Caters News |
Một con búp bê bị vứt bỏ trên ghế trong ngôi nhà hoang. Theo các nhà khoa học, nồng độ phóng xạ ở thành phố Pripyat chỉ quay về mức bình thường và an toàn cho con người sinh sống trong 24.000 năm nữa. Ảnh: Cater News |
Những con búp bê cùng mặt nạ phòng khí nằm chỏng chơ trên nền đất ngổn ngang. Ảnh: ER |
Bàn ghế, giá sách, cửa sổ của một lớp học đầy bụi. Ảnh: Caters News |
Theo số liệu thống kê của tổ chức Hòa bình Xanh, khoảng 93.000 người chết vì phóng xạ trong thảm kịch Chernobyl. Trong giai đoạn 1990 đến 2004, các báo cáo tiếp tục chỉ ra cái chết của khoảng 200.000 người có liên quan tới thảm kịch. Tuy nhiên, con số thực tế rất khó thống kê. Ảnh: Caters News |
Hàng trăm mặt nạ phòng khí nằm la liệt bên trong một tòa nhà ở Pripyat. Gần 20 năm sau thảm họa, giới chức mới hoàn tất việc đóng lò phản ứng cuối cùng ở Chernobyl. 14 năm sau vụ nổ, nhà máy điện hạt nhân Chernobyl vẫn tiếp tục sản xuất điện. Nó chỉ đóng cửa hoàn toàn vào năm 2000 dưới sức ép của cộng đồng quốc tế. Ảnh: Caters News |
Tranh
graffiti về bé trai nhiễm phóng xạ dường như đang phải chịu đau đớn được vẽ trên tường của một căn nhà hoang. Ảnh: Caters News |
Chính phủ Ukraine cùng nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đã chi hàng trăm triệu USD để khắc phục hậu quả. Với nỗ lực của chính quyền địa phương và cộng đồng quốc tế, hiện nay lượng phóng xạ tại khu vực xung quanh lò phản ứng số 4 không còn cao như trước. Ảnh: Caters News |
Tuy nhiên, điều xót xa nhất ám ảnh nhân loại là thảm kịch để lại hậu quả vô cùng lớn đối với nhiều thế hệ. Vova, 15 tuổi, điều trị tại Bệnh viện Ung thư Trẻ em ở thành phố Minsk năm 2000. Nhiều đứa trẻ mắc dị tật hoặc bệnh nguy hiểm như ung thư ngay từ khi chào đời vì cha, mẹ nhiễm phóng xạ từ vụ nổ ở nhà máy điện nguyên tử Chernobyl. Ảnh: Paul Fusco/Magnum Photos |
Igor bị cha mẹ bỏ rơi từ khi em mới lọt lòng. Em được đưa tới Trung tâm Chăm sóc Trẻ em ở Belarus. Khi chào đời, cậu bé đã không bình thường cả về thể chất và thần kinh. Ảnh: Long Shadow Of Chernobyl |
Cha của hai em bé dị tật vì phóng xạ đút thức ăn cho các con tại bệnh viện ở Belarus. Cho tới nay, hậu quả từ vụ nổ lò phản ứng vẫn khiến những người còn sống ám ảnh và day dứt. Ảnh: RT |