N
gày 5/9, học sinh, sinh viên cả nước sẽ bước vào năm học mới 2018-2019. Trước thềm khai giảng, ngành giáo dục đang phải đối mặt hàng loạt khó khăn như gian lận thi cử, áp lực về sĩ số học sinh/lớp ở khu vực thành thị, thiếu giáo viên, hay cơ sở vật chất, trường học bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.
Chống gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia
Năm 2018, ngành giáo dục vướng phải bê bối lớn liên quan kỳ thi THPT quốc gia. Hàng trăm bài thi bị can thiệp sửa điểm, nâng điểm. Chỉ tính Hà Giang, 330 bài thi được nâng điểm, có thí sinh được tăng đến 29,95 tổng điểm.
Sự việc khiến dư luận phẫn nộ, lên án, nhất là khi một số cán bộ của ngành giáo dục (cán bộ sở GD&ĐT) liên quan tiêu cực
Nếu như ở Hà Giang, điểm thi thực tế của thí sinh đã được trả lại, thì ở Hoà Bình và Sơn La, với thủ đoạn sửa điểm tinh vi hơn, Bộ Công an và Bộ GD&ĐT chưa đưa ra kết luận cuối cùng. Điều đó đồng nghĩa thí sinh chưa được trả lại điểm gốc.
Việc trả lại điểm thi thực tế cho thí sinh các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và xử lý thích đáng những cá nhân sai phạm, thí sinh có liên quan, cũng là nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục trong năm mới.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: L.Q. |
Câu chuyện tiêu cực trong ngành giáo dục được đề cập trong nhiều năm trước và nó càng "nóng" hơn bao giờ hết khi xảy ra hàng loạt gian lận thi cử ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La.
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT phải khắc phục hạn chế và hoàn thiện kỳ thi THPT quốc gia. Đây là nhiệm vụ nặng nề, áp lực bởi ngành cần lấy lại niềm tin của cộng đồng. Người dân đang trông đợi những thay đổi có hiệu quả ở kỳ thi này.
Quá tải học sinh ở thành phố
Câu chuyện thiếu phòng học, cả phòng học thường lẫn chức năng còn xảy ra ở các thành phố lớn. Những năm gần đây, tốc độ đô thị hoá tăng nhanh. Các khu đô thị, khu công nghiệp liên tiếp được xây mới. Việc xây dựng các khu đô thị mới không đồng bộ với xây dựng trường, lớp học dẫn đến quá tải trường, lớp.
Đặc biệt, với sự gia tăng đột biến của lứa “rồng vàng 2012" vào lớp 1 năm nay, bài toán sĩ số càng trở nên khó giải quyết hơn.
Năm học mới, cả TP.HCM dự kiến đón thêm hơn 67.000 học sinh, tăng 4% so với năm trước. Thành phố xây thêm gần 900 phòng học nhưng chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu của học sinh.
Trong khi đó, theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, tại trường tiểu học và THCS ở Hà Nội, tình trạng các trường phân bố không đồng đều dẫn đến thiếu trường, lớp học trong nội thành.
Cá biệt năm nay, với số học sinh tăng 5%, có những lớp sĩ số 60-70 học sinh, trong khi quy định của Bộ GD&ĐT là 35 em/lớp. Nhiều trường chỉ nhận học sinh đúng tuyến đã không đủ chỗ. Đơn cử quận Cầu Giấy, năm học này, tăng 3 trường nhưng số học sinh tăng gần 2.800 em.
Cơ sở vật chất không đảm bảo dẫn đến tỷ lệ giáo viên/học sinh, đặc biệt ở bậc tiểu học, cao hơn các nước trong khu vực. Theo số liệu của World Bank, ở Việt Nam, một giáo viên tiểu học phải phụ trách 19 em, trong khi ở Malaysia, một giáo viên chỉ phải đảm nhận 11 em.
Giải bài toán cơ sở vật chất
Tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng hoạt động giáo dục và đào tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2018-2019.
Ở một số địa phương, tình trạng thiếu trường, lớp học, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học vẫn còn phổ biến.
Tỉnh miền núi phía Bắc Điện Biên là một ví dụ. Năm học mới, tỉnh này có hơn 9.000 lớp học, trong đó, hơn ⅓ là phòng học bán kiên cố và phòng học tạm. Số lượng phòng học này cũng chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu của học sinh.
Ða số trường học thiếu phòng chức năng, nhà đa năng. Một số trường chưa có nhà ban giám hiệu, thiếu nhà nội trú, bếp, nhà ăn, công trình vệ sinh hay nước sạch.
Đó là chưa kể những trận lũ quét, sạt lở phá huỷ trường, lớp học ở tỉnh miền núi Sơn La hay Thanh Hoá, Nghệ An mới đây.
Năm học mới, ngành giáo dục sẽ rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của cơ sở giáo dục để các địa phương xây mới, sửa chữa, cải tạo, đồng thời điều chỉnh, bổ sung và ban hành các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật với cơ sở vật chất trường, lớp học, thiết bị dạy học cho phù hợp chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để đạt được mục tiêu của chương trình.
Nâng cao chất lượng giáo viên ngoại ngữ
Trước xu thế hội nhập, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo, là nội dung quan trọng trong định hướng năm học 2018-2019.
Tuy nhiên, thống kê của Bộ GD&ĐT hồi tháng một chỉ ra rằng cả nước vẫn thiếu 5.616 giáo viên tiếng Anh. Cùng với đó, chất lượng giáo viên ngoại ngữ chưa cao khi 33% cấp THCS và 26% cấp THPT đạt chuẩn.
Trước thềm năm học mới, các tỉnh Lai Châu, Thanh Hoá đều cho biết thiếu khoảng 300 giáo viên bộ môn này. Thiếu giáo viên tiếng Anh không chỉ xảy ra ở các tỉnh, mà còn ở các thành phố lớn.
Nâng cao chất lượng giáo viên là một trong những vấn đề quan trọng của ngành giáo dục. Ảnh mỉnh họa: Việt Hùng. |
Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết gần như trường nào cũng thiếu giáo viên tiếng Anh. Việc tuyển dụng được đánh giá là “vô cùng khó". Năm học 2018-2019, TP.HCM cần tuyển 360 giáo viên các môn thì có đến gần ¼ là giáo viên tiếng Anh.
Thiếu giáo viên ngoại ngữ, đi kèm trình độ giáo viên chưa đảm bảo, dẫn đến hiệu quả đào tạo môn học này chưa cao. Kết quả thi THPT vừa qua cho thấy tiếng Anh là môn thi có điểm trung bình 3,91, thấp thứ hai sau môn Lịch sử, với gần 80% thí sinh đạt điểm dưới trung bình.
Bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho giáo viên tiếng Anh cũng là một trong những ưu tiên để chuẩn bị áp dụng chương trình phổ thông mới trong năm học 2019-2020.
Loay hoay giải bài toán thừa, thiếu giáo viên cục bộ
Đây là vấn đề trầm kha của nền giáo dục Việt Nam. Năm học mới 2018-2019, thống kê chưa đầy đủ từ 43 tỉnh, thành cho thấy, các trường học đang thiếu gần 76.000 giáo viên, trong đó số giáo viên mầm non chiếm gần 60%.
Giáo dục mầm non cũng là một trong những ưu tiên của năm học mới khi nhu cầu trông giữ trẻ ngày càng tăng và hàng loạt những vấn đề bạo hành trẻ em nổi cộm trong những năm gần đây.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng GD&ĐT, cho biết giáo viên mầm non thiếu ở rất nhiều địa phương, đặc biệt ở tỉnh Điện Biên hay khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Chỉ riêng tại Hà Tĩnh, giáo viên mầm non còn thiếu 800 người, khoảng 1.200 trẻ không được nhập học vì thiếu giáo viên cũng như trường lớp.
9 nhiệm vụ chủ yếu năm học 2018-2019 của ngành giáo dục
- Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục.
- Sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, giảng viên.
- Định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông.
- Xây dựng các định dạng đề thi theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc.
- Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy học.
- Giao mạnh quyền tự chủ và trách nhiệm cho trường đại học.
- Thúc đẩy hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo.
- Giải quyết dứt điểm thiếu nhà vệ sinh và nước sạch ở trường học.
- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.