Những thách thức khi thiết kế siêu xe McLaren P1
Quá trình hoàn thiện bản sản xuất siêu xe P1 đã diễn ra với rất nhiều thay đổi và những nghiên cứu kỹ lưỡng từng chi tiết nhỏ của xe.
Chuyên gia Frank Stephenson bên siêu xe McLaren P1. |
Bên cạnh yếu tố con người, việc thiết kế P1 cũng có sự đóng góp nhiều của những chiếc máy vi tính. Theo trưởng bộ phận thiết kế của McLaren, Frank Stephenson, có những chi tiết họ không hề nghĩ tới mà phải nhờ máy tính chỉ ra, sau đó họ chỉ trau chuốt lại đường nét cho phù hợp hơn với kiểu dáng của xe.
Ban đầu, Ron Dennis, giám đốc điều hành của McLaren, đưa ra ý tưởng cho Frank rất ngắn gọn, đó là tạo ra một siêu xe kế nhiệm huyền thại McLaren F1, có khả năng cạnh tranh với đối thủ đến từ Ferrari, đảm bảo đủ lực nén 600 kg xuống mặt đường khi xe chạy với vận tốc 258 km/h và phải là siêu xe sử dụng động cơ hybrid, ứng dụng công nghệ KERS.
Khi đó, Frank đã cảm thấy vô cùng áp lực khi phải tạo ra một siêu xe ứng dụng những công nghệ mới, tuy nhiên lại phải vượt qua một siêu xe khác đã rất thành công trước đó là chiếc F1 huyền thoại.
Trong quá khứ, Frank cũng đã từng tham gia rất nhiều dự án thiết kế các mẫu xe nổi tiếng thế giới, như dòng xe Mini Cooper, Maserati Gran Sport, Maserati MC12, Ferrari F430, Ferrari FXX, Fiat 500 và Alfa Romeo Mito. Tuy nhiên, làm việc tại McLaren lại có những khác biệt. Frank chia sẻ: “Nhiều hãng xe muốn tạo nên ấn tượng với người dùng bằng kiểu dáng bắt mắt của sản phẩm, tuy nhiên chúng tôi lại không muốn yếu tố mỹ thuật có tầm quan trọng lớn hơn yếu tố vận hành. Cũng như việc thiết kế một chiếc máy bay chiến đấu, họ sẽ tạo ra một chiếc máy bay siêu nhanh chứ không chú trọng đến việc thiết kế phải đẹp mắt”.
Thiết kế bên sườn của P1 cũng rất đặc biệt. Một phần vỏ xe đã được loại bỏ, bởi theo Frank thì nó không cần thiết. Chính điều này cũng tạo nên một điểm nhấn cho P1, mang lại cảm giác P1 đang phơi bày “bộ xương” của mình. Tuy nhiên, đây không phải là một yếu tố giúp P1 trở thành mẫu xe hàng đầu thế giới. Điều quan trọng là các kỹ sư của McLaren cần tính toán kỹ lưỡng về tác động của các luồng khí lên chiếc xe.
Frank cho biết: “McLaren P1 sở hữu động cơ rất mạnh mẽ nên hoàn toàn có thể đạt tốc độ cao một cách dễ dàng, mà không cần tính toán quá nhiều đến yếu tố khí động học. Tuy nhiên, phần đầu xe được tính toán rất kỹ lưỡng để có thể tạo ra lực nén khoảng 600 kg khi chạy ở tốc độ cao”.
Bí mật của việc tạo ra lực nén của P1 nằm ở bộ khuếch tán gió. Một điều cũng hết sức quan trọng đó là khoảng cách gầm xe, bởi dòng khí càng di chuyển nhiều ra phía sau lực nén sẽ càng lớn. Đây chính là lý do để các chuyên gia của McLaren thiết kế khuếch tán gió của xe rất đặc biệt.
Những người quan tâm nhiều đến McLaren P1 có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt trên phiên bản sản xuất thương mại và bản concept P1 ra mắt hồi tháng 9 năm ngoái, bởi phần đuôi xe đã được thiết kế lại hoàn toàn khác biệt, nhằm thoát nhiệt tốt nhất cho xe. Frank cho biết: “Chúng tôi muốn lượng nhiệt bên trong xe được giải phóng ra bên ngoài nhiều nhất, do đó phần đuôi xe có một khu vực khá lớn được bảo vệ bởi một lớp lưới thép. Chính vì vây, chúng tôi phải cố gắng thiết kế cụm đèn pha rất nhỏ, mà vẫn đảm bảo độ sáng”.
Bên cạnh đó, các hốc gió của P1 cũng được thiết kế rất đặc biệt để có thể cung cấp đủ không khí cho cả hệ thống tăng áp và hệ thống làm mát. Do đó, đội ngũ thiết kế xe phải tìm cách phân chia luồng khí này một cách hợp lý, để có thể tối ưu hóa khả năng làm mát cho xe.
Hiện tại, Frank đang chịu trách nhiệm phát triển mẫu xe P13, để cạnh tranh với Porsche 911. Theo một số nguồn tin, P13 hoàn toàn khác biệt so với hai người anh em P1 và MP4-12C, với những tính năng hoàn toàn mới mẻ.
tuấn ngọc
Theo Infonet