Death Note (2017): Nếu như người Nhật chuyển thể thành công Cuốn sổ thiên mệnh lên màn ảnh rộng hồi thập niên 2000, thì người Mỹ lại khiến người xem ngao ngán. Năm 2017, Netflix và đạo diễn Adam Wingard trình làng Death Note. Ngay từ khi phim chưa lên sóng, tạo hình của Nat Wolff trong vai Light đã bị phàn nàn. Sau đó, Death Note bị chê là kém kịch tính, không thể hiện được tinh thần của nguyên tác, và tỏ ra rỗng tuếch. Điểm sáng hiếm hoi của bộ phim là Lakeith Stanfield trong vai L, và Willem Dafoe trong vai tử thần Ryuk. |
Terra Formars (2016): Sở hữu trên 100 tác phẩm xuyên suốt sự nghiệp, đạo diễn Takeshi Miike nhiều lần ghi điểm, nhưng ông cũng có lúc khiến người hâm mộ hụt hẫng đến khó tin. Điển hình là khi Miike chuyển thể loạt Terra Formars lên màn ảnh lớn. Cuộc chiến giữa con người với loài gián khổng lồ đi bằng hai chân trên Sao Hỏa từng gây hứng thú cho độc giả bao nhiêu, thì tỏ ra tẻ nhạt trên màn bạc bấy nhiêu. Phim có nhiều khoảnh khắc hài hước lạc tông so với bầu không khí nói chung. Và việc đưa quá nhiều nhân vật lên phim khiến người xem khó theo dõi. |
Attack of Titan (2015): Câu chuyện nhân loại co cụm trong các bức tường cao chọc trời để chống lại loài khổng lồ Titan là loạt manga ăn khách bậc nhất thập kỷ qua. Attack on Titan có vô số xuất phẩm ăn theo, trong đó có hai phim điện ảnh Nhật Bản năm 2015. Tuy nhiên, tác phẩm chuyển thể không thể truyền tải hết thông điệp của nguyên tác, đồng thời đưa ra quá nhiều thay đổi về nội dung, nhân vật khiến các fan không hài lòng. Fan của Attack on Titan tiếc nuối trước những gì mình chứng kiến, và hy vọng người Mỹ có thể làm tốt hơn trong tương lai. |
Lupin III (2014): Do Monkey Punch sáng táo, tên trộm Lupin đệ Tam là nhân vật tiêu biểu của văn hóa đại chúng Nhật Bản thông qua vô số đầu truyện tranh, phim hoạt hình. Tuy nhiên, tác phẩm điện ảnh live-action năm 2014 gây thất vọng lớn cho công chúng, từ nhân vật, nội dung, quay phim, bối cảnh. Đặc biệt, phần hành động của Lupin III cho thấy sự lười biếng của ê-kíp sản xuất với nhiều thủ thuật nhằm che giấu khả năng thực sự của dàn diễn viên. |
Dragon Ball Evolution (2009): 7 viên ngọc rồng là loạt truyện tranh gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ, và Dragon Ball Evolution giống như cái tát dành cho tất cả. Mọi thứ xung quanh phiên bản chuyển thể của Hollywood đều dở tệ, và đây đúng nghĩa là một sản phẩm “vắt sữa” thương hiệu. Sau hơn 10 năm, Dragon Ball Evolution vẫn thường bị gọi là phim chuyển thể từ truyện tranh gây thất vọng nhất mọi thời đại. |
Speed Racer (2008): Sau thành công của loạt Ma trận, chị em đạo diễn nhà Wachowski quyết định bắt tay chuyển thể loạt anime Mach GoGoGo với Emile Hirsch và Bi Rain. Series hoạt hình thực tế bắt nguồn từ loạt manga về tay đua cừ khôi Gō Mifune. Có kinh phí lên tới 120 triệu USD, Speed Racer sở hữu những khung hình rực rỡ, kỹ xảo ấn tượng. Nhưng phía sau đó là phần cốt truyện nhạt nhòa đến mức tẻ nhạt, các nhân vật “một màu”. Do đó, Speed Racer rốt cuộc bị cả báo chí lẫn số đông khán giả ghẻ lạnh. |
Devilman (2004): Devilman là một điểm sáng trong sự nghiệp của nghệ sĩ Go Nagai sau khi ra đời vào thập niên 1970. Thành công ban đầu dẫn đến nhiều phần hậu truyện, ngoại truyện, các xuất phẩm ăn theo thành công. Song, bộ phim điện ảnh năm 2004 không nằm trong số đó. Được cho là có kinh phí sản xuất lên tới gần 50 triệu USD, nhưng Devilman vẫn chỉ mang đến phần hiệu ứng kỹ xảo nghèo nàn. Phim bị chỉ trích nhiều nhất về chuyện trao các vai chính cho dàn sao giải trí không có kinh nghiệm diễn xuất. Họ tỏ ra đơ cứng, thiếu chuyên nghiệp trước ống kính. Trong một cuộc bầu chọn online, khán giả Nhật Bản xếp phim vào top 10 phim dở nhất thập niên 2000. |
Fist of the North Star (1995): Đây là bộ phim dựa trên loạt truyện tranh hành động cùng tên của Buronson và Tetsuo Hara hồi thập niên 1980. Do được phát hành trực tiếp ra băng đĩa, chất lượng nội dung và kỹ thuật của Fist of the North Star không được đảm bảo. Xuất phẩm giống như một tác phẩm hạng B nghèo nàn, chìm nghỉm trong thời kỳ dòng phim hành động cơ bắp đã dần thoái trào. Sau này, nhiều người thường chỉ nhớ đến bộ phim về việc diễn viên chính Gary Daniels (vai Kenshiro) đã dùng bao cao su làm đạo cụ hóa trang. |
Mutronics (1991): Bộ phim siêu anh hùng giả tưởng của đạo diễn Brian Yuzna thực tế có nội dung dựa trên loạt manga The Guyver của người Nhật. Trung tâm tác phẩm là Sean Barker (Jack Armstrong) - một cậu thiếu niên tiếp xúc với vật thể ngoài hành tinh rồi biến thành siêu chiến binh “The Guyver”. Thành phẩm bị đánh giá như phiên bản copy lười biếng của 5 anh em siêu nhân. Chưa kể, khả năng diễn xuất hạn chế của Jack Armstrong khiến nhân vật chính không nhận được cảm tình từ người xem. Hậu quả là anh bị thay thế ở phần tiếp theo Guyver: Dark Hero (1994). |