Zing trích dịch bài đăng trên Sixth Tone, nói về cuộc sống vật vờ của người lao động trẻ tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Họ chán nản môi trường làm việc nhưng cũng không có động lực để phấn đấu.
Cứ đến 5h sáng, những con phố yên tĩnh ở Sanhe lại trở nên nhộn nhịp. Một ngày mới của người lao động tại đây sẽ được bắt đầu với câu hỏi: “Mình có đủ tiền để sống qua hôm nay không?”. Nếu câu trả lời là có, họ sẽ tiếp tục chìm vào giấc ngủ và mặc kệ mọi thứ. Còn nếu ngược lại, họ vội vã thức dậy để ra ngoài kiếm tiền. Đa số đều chọn công việc đưa thư, thợ xây dựng hoặc nhân viên bảo vệ.
Không có hợp đồng lao động hợp pháp, tất cả chỉ thông qua thỏa thuận nhanh giữa đôi bên và tiền lương sẽ được thanh toán vào cuối ngày. Những người mới đến có thể tự do rong chơi vài hôm cho đến khi hết tiền thì chu kỳ này lại bắt đầu.
Sự cạnh tranh khắc nghiệt tại thị trường lao động Trung Quốc. |
Cuộc sống của những người trẻ tại Sanhe, nằm ở phía nam Thâm Quyến, thu hút sự chú ý của công chúng vào khoảng 3 năm trước. Trái ngược với hình ảnh xa hoa về người lao động nhập cư, khung cảnh ở đây có vẻ buồn tẻ với những thanh niên bị “mắc kẹt” trong các nhà máy, xí nghiệp.
Họ không quan tâm đến một công việc chính thức và đã quen với chất lượng cuộc sống thấp. “Câu thần chú” của họ là: Làm một ngày, chơi 3 bữa”.
Môi trường làm việc tồi tệ
Những người có khả năng chịu đựng sự nghèo đói trong thời gian dài được gọi là "huyền thoại Sanhe".
Theo nghiên cứu của nhà xã hội học Tian Feng vào năm 2018, những thanh niên này hoàn toàn không hài lòng với điều kiện làm việc kém ổn định như hiện nay. Họ cho rằng mình bị bao vây bởi những áp lực nặng nề và phải vật lộn để thoát khỏi nó.
Với những người có thu nhập đủ sống, bối cảnh tại đây khiến họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các mối quan hệ đáng tin cậy, tạo dựng công ăn việc làm lâu dài và hòa nhập với thành phố.
Hình ảnh các công nhân ngủ tạm bợ ở nơi công cộng tại Thâm Quyến. |
Sau sự ra đời của chính sách “cải cách và mở cửa” vào cuối những năm 1970, hàng triệu người đã di cư từ trung tâm Trung Quốc về các thành phố ven biển để tìm việc làm. Số lượng đổ xô đến xin việc tại các nhà máy ở những khu thị trấn cũng tăng mạnh.
Theo Sixth Tone, điều này mang lại lợi ích to lớn cho sự phát triển của Thâm Quyến, nơi đã trở thành một trong những trung tâm sản xuất lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, những năm gần đây, các ngành công nghiệp dần tự động hóa và chuyển vào khu vực nội địa để tìm kiếm lao động giá rẻ.
Trong khi đó, tại các doanh nghiệp dọc bờ biển, nhiều nhà tuyển dụng trở nên khổ sở với việc đáp ứng những đòi hỏi của thế hệ lao động mới, bao gồm ký túc xá phải có máy lạnh, Wi-Fi, không được ý kiến về chủ nghĩa cá nhân và lối sống thất thường của nhân viên.
Những công nhân trẻ thường uống rượu cả đêm kể cả khi ngày mai phải đi làm. |
Nhiều thanh niên Sanhe thì phàn nàn về cách quản lý và điều kiện làm việc tồi tàn, thiếu thốn trong nhà máy. Họ cảm thấy hụt hẫng và cho rằng bị các công nghệ mới đẩy xuống tầng lớp cuối cùng của xã hội.
Tuy nhiên, thực tế, việc thiếu kiến thức cơ bản, kỹ năng mới là thứ tước đi giá trị cạnh tranh và khả năng thăng tiến của họ trong thị trường lao động.
Bám trụ tại thành phố
Tian Feng cho biết điều ông thường nghe được từ những người lao động tại đây là sự chán ghét khi bị bóc lột, vật lộn với “cơm áo gạo tiền” và nạn phân biệt đối xử.
Không muốn bị thay thế bởi những thành phần khác, thanh niên Sanhe hy vọng tìm được một công việc có thể sống theo lý tưởng của họ. Nếu không đạt được điều đó, họ thà "ngồi yên, ăn và chờ chết".
Điều đó không có nghĩa họ sẽ rời khỏi Thâm Quyến. Nhiều người vẫn muốn bám trụ lại thành phố và không có ý định trở về quê.
Tuy nhiên, việc hòa nhập với cuộc sống thành thị không hề dễ dàng. Họ phải đối mặt với viễn cảnh thất nghiệp dài hạn do thiếu kỹ năng và mối quan hệ xã hội, cũng như khả năng bị loại trừ, cô lập khỏi môi trường hiện đại.
Để “có thứ bỏ bụng”, thanh niên Sanhe làm hầu hết công việc chân tay ở thành phố và sống vật vờ từ tiền lương ít ỏi. Các công việc này không yêu cầu kỹ năng hay trình độ chuyên môn cao mà chỉ đơn giản là sự bỏ công sức, thời gian để đổi lấy lợi ích kinh tế.
Vì không có nguồn thu nhập cố định, cuộc sống của người lao động tại đây đầy bấp bênh. Khi nhu cầu tuyển dụng giảm xuống, cơ hội việc làm và tiền lương cũng sẽ cạnh tranh hơn.
Nhiều người chán nản với cuộc sống tại các thành phố lớn nhưng cũng không muốn bỏ về quê. |
Ngay cả khi một người tìm được việc làm, điều đó vẫn không đảm bảo họ sẽ hạnh phúc, ấm no hơn.
Tại các vùng nông thôn ở miền Trung và miền Tây Trung Quốc, nguồn lực giáo dục không đủ để giúp người trẻ vượt qua những rào cản này. Nhiều thanh niên Sanhe lớn lên như "những đứa trẻ bị bỏ rơi", cha mẹ của họ làm công nhân xa nhà nên không tiện chăm sóc con cái. Thông qua Internet và điện thoại di động, họ được tiếp xúc với nền văn hóa đa dạng với nhiều cạm bẫy.
Ngoài ra, họ không cảm thấy việc kết hôn, lập gia đình là một điều quan trọng và chán ghét công việc đơn điệu, buồn tẻ tại nhà máy.
Nhiều người tự hỏi: “Tại sao thanh niên Sanhe không thay đổi lối sống của họ?”. Theo lập luận của 2 nhà kinh tế học Abhijit Banerjee và Esther Duflo trong cuốn sách Poor Economics, những người nghèo “thường nghĩ rằng bất kỳ sự thay đổi lớn lao nào đều tốn thời gian trước những vấn đề cấp bách mà họ phải đối mặt”.
Những áp lực vô hình khiến cuộc sống của người lao động trẻ tại Thâm Quyến trở nên khó khăn hơn. |
Sau một thời gian dài làm việc “nay đây mai đó” và sống bên lề đường, một số thanh niên Sanhe đã đánh mất tài sản cơ bản nhất của họ, đó là thẻ căn cước. Điều này khiến họ khó tìm được một công việc, thậm chí là nơi ở ổn định trong tương lai.
Việc đó cũng đồng nghĩa với mong muốn thoát khỏi cuộc sống tăm tối và tiến lên các nấc thang cao hơn của họ sẽ giống như một giấc mơ viển vông.
Theo Sixth Tone, so với việc giải quyết hoàn cảnh hiện tại của thanh niên Sanhe, mục tiêu cấp bách hơn mà chính phủ Trung Quốc phải đối mặt là giúp người trẻ sinh ra ở nông thôn không trở nên giống thành phần này. Để làm được điều đó, các thành phố phải thay đổi chính sách phân biệt đối xử đối với người lao động nhập cư.
Bên cạnh đó, các nhà chức trách phải đảm bảo thu hẹp khoảng cách giữa phát triển thành thị và nông thôn để những người trẻ sinh ra ở miền Trung, miền Tây Trung Quốc có thể hưởng những lợi ích của một nền giáo dục tốt hơn.