Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những 'thầy thuốc như mẹ hiền' cứu trẻ sơ sinh

Các bác sĩ, điều dưỡng và bảo mẫu ở đơn vị cấp cứu nhi sơ sinh thuộc khoa nhi, Bệnh viện đa khoa Kiên Giang được nhiều người đánh giá "mỗi thầy thuốc đúng như một mẹ hiền”.

Bác sĩ Trần Quốc Diểu - trưởng trại nhi sơ sinh - cho biết năm 2014 đơn vị tiếp nhận trên 2.300 trường hợp cấp cứu. Theo dõi 5 năm trở lại đây cho thấy mỗi năm tỉ lệ bệnh nhân nhi sơ sinh tăng khoảng 15%. Tỷ lệ trẻ sinh non, nhẹ cân chiếm tới 60%, còn lại là trẻ bị suy hô hấp, nhiễm trùng sơ sinh, vàng da… Khoảng 80% trẻ sinh non đến từ các vùng nông thôn.

Đơn vị đã cứu sống nhiều trường hợp trẻ sinh non cân nặng chỉ 1-1,5 kg, thậm chí dưới 1 kg. Gần đây, trại nhi sơ sinh tiếp tục triển khai phẫu thuật mắt cho trẻ sơ sinh, vì trẻ sinh non thường bị mù. "Dần dần sẽ tăng cường khả năng chẩn đoán và can thiệp tiền sản”, bác sĩ Danh Tý, Trưởng khoa nhi BVĐK Kiên Giang, cho biết.

Niềm hạnh phúc của vợ chồng chị Võ Thị Thanh Tuyền và anh Lê Bá Na bên đứa con thơ vừa được cứu sống.

Niềm hạnh phúc của vợ chồng chị Võ Thị Thanh Tuyền và anh Lê Bá Na bên đứa con thơ vừa được cứu sống.

Nuôi con thay mẹ từ lúc lọt lòng

Trại nhi sơ sinh được thành lập chính thức vào tháng 11/2008. Từ năm 2003, khoa nhi đã đưa các y, bác sĩ đi đào tạo tại bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM. Hiện nay, đơn vị này có 36 nhân sự, trong đó 6 bác sĩ, còn lại là điều dưỡng và bảo mẫu.

Điều dưỡng trưởng của trại nhi sơ sinh Ngô Bích Thuận cho biết một ngày đêm làm việc ở đây chia làm 2 kíp trực, điều dưỡng và bảo mẫu trực 12 tiếng, còn bác sĩ thì phải trực suốt 24 tiếng đồng hồ. 

Vào đầu mỗi kíp trực, bác sĩ, điều dưỡng sẽ tiến hành kiểm tra sức khoẻ của từng bé, sau đó bắt đầu các khâu chăm sóc theo thứ tự ưu tiên bé bệnh nặng trước, nhẹ sau, thường là các việc: thêm dịch truyền, tiêm thuốc theo y lệnh của bác sĩ… Còn các bảo mẫu sẽ vệ sinh, thay tã rồi cho các bé bú sữa với thời gian cách nhau 3 tiếng một lần.

Theo điều dưỡng Thuận, trẻ nhi sơ sinh được đưa đến trại mắc nhiều thứ bệnh khác nhau, nhưng nhiều nhất là trẻ sinh non dưới 34 tuần, nhẹ cân dưới 2 kg, vàng da, suy hô hấp, nhiễm trùng sơ sinh…

Cực nhất là những trường hợp trẻ không tự thở máy được, lúc này các bảo mẫu sẽ thay phiên nhau mỗi người bóp bóng thở cho bé 30 phút, khi nào quá tải không đủ người thì phải nhờ tới người nhà vào bóp bóng.

Bên trong khu vực cấp cứu của trại nhi sơ sinh BVĐK Kiên Giang.

Bên trong khu vực cấp cứu của trại nhi sơ sinh BVĐK Kiên Giang.

Quá trình chăm sóc cho mỗi bệnh nhi sơ sinh thường kéo dài 15-20 ngày, nhưng cũng có trường hợp phải điều trị tới khoảng 2-3 tháng.

Trong khoảng thời gian này, những ngày đầu đời của bé hoàn toàn do các bác sĩ, điều dưỡng và bảo mẫu chăm sóc. Tới cuối gian đoạn tập bú các bé mới được bú mẹ, đến khi bé khoẻ hẵn mới cho xuất viện về nhà.

Sau đó vào mỗi sáng thứ ba hàng tuần các bé sẽ được người nhà đưa vào viện tái khám để đảm bảo bé hoàn toàn khoẻ mạnh, không gặp bất kỳ di chứng nào.

Chăm sóc cho từng mầm sống

Nữ bác sĩ trẻ 27 tuổi Lê Thị Thuý Hường chia sẻ, hàng ngày nhìn các bé nằm trong lồng ấp xanh xao, yếu ớt, ngoài kia là ánh mắt đau đáu lo âu của người thân nên mỗi người biết mình phải cố gắng chắt chiu từng mầm sống nhỏ nhất.

“Mỗi bé khoẻ mạnh rời trại là một phần thưởng vô giá. Rồi khi bé lớn lên được ba mẹ bế trở vào chụp hình lưu niệm với mấy cô điều dưỡng, bảo mẫu thì tụi tôi cảm thấy thật hạnh phúc”, bác sĩ Hường nói.

Điều dưỡng Ngô Bích Thuận tâm sự rằng, do quy định những ngày đầu cấp cứu bé không được gặp người thân, nên rất nhiều bậc cha mẹ bật khóc khi lần đầu tiên nhìn thấy con mình còn sống và khoẻ mạnh.

"Nhưng cũng có trường hợp dù rất đã rất nỗ lực vẫn không cứu nổi vì em bé quá yếu. Lúc đầu nhiều người vì xót con, thương cháu có nặng lời, trách móc, nhưng rồi sau đó họ trở lại khóc và cảm ơn chân thành, vì họ hiểu tụi tôi đã cố gắng hết mình. Chính nhờ những giọt nước mắt tri ân này mà tụi tôi thấy lòng mình nhẹ đi rất nhiều", điều dưỡng Thuận nói.

Còn bác sĩ Danh Tý kể chuyện thỉnh thoảng có người mang trái cây, nước ngọt, bánh trái, thậm chí gà, vịt, cá khô, mắm đồng… nhờ chuyển cho các bác sĩ ở trại nhi sơ sinh. "Tôi hỏi sao không mang xuống đó tặng trực tiếp, thì người ta nói mấy cô không nhận, tặng tiền lại càng không nhận nên đành mang quà thay lời tri ân".

Nước mắt tri ân

Chị Võ Thị Thanh Tuyền (20 tuổi, ngụ Thổ Châu, Phú Quốc), kể lại câu chuyện đứa con trai đầu lòng của mình được cứu sống trong nước mắt. Ngày 10/2, chị sinh nở khi thai mới được 8 tháng 3 ngày tuổi. Bé trai cân nặng chỉ 1,6 kg, ra đời hơn 1 tiếng thì ngưng thở. 

Anh Lê Bá Na, chồng chị Tuyền, đưa vợ con vượt quãng đường xa từ nơi ở lên trại nhi sơ sinh BVĐK Kiên Giang và nghe các bác sĩ dự đoán ban đầu rằng khả năng sống sót của con trai chỉ khoảng 10%. 

“Tưởng không cứu được, vậy mà sau nửa tháng con trai tôi bú được sữa mẹ, tôi còn nghe bác sĩ nói sắp được ra viện nữa. Thiệt tình tôi cũng không biết phải nói sao để tạ ơn các bác sĩ ở đây hết, chỉ biết hai vợ chồng và con trai tôi sẽ mang ơn suốt đời”, chị Tuyền xúc động nói.

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20150226/nhung-thay-thuoc-nhu-me-hien-cuu-tre-so-sinh/713907.html

Theo Khoa Nam/Báo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm