Thịt đỏ, gia cầm, hải sản
Purines là hợp chất hóa học khi được hấp thu vào cơ thể sẽ biến đổi thành axit uric. Nếu lượng axit uric trong cơ thể cao sẽ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh gút, gây nên các cơn đau dữ dội, kèm theo sưng, nóng và đỏ da.
Bạn nên hạn chế ăn thịt đỏ (thịt bò, thịt lợn và thịt cừu), cá (cá trích, cá cơm, cá thu, cá ngừ) và hải sản (tôm, sò điệp) vì các loại thực phẩm này chứa hàm lượng purines rất cao.
Chất béo
Chất béo bão hòa từ mỡ động vật làm giảm khả năng loại bỏ axit uric ra khỏi cơ thể, góp phần dẫn đến bệnh béo phì và bệnh gút. Thay vì tiêu thụ mỡ động vật, bạn nên dùng dầu thực vật để bảo vệ sức khỏe tốt hơn, các chuyên gia khuyến cáo.
Một số nghiên cứu mới đây còn chỉ ra rằng, tiêu thụ các loại sản phẩm sữa ít béo, rau xanh, cà chua, quả bơ, bánh mì, ngũ cốc, trứng, socola cũng có khả năng giảm nguy cơ mắc bệnh gút.
Chất ngọt
Các loại thực phẩm ngọt như bánh, kẹo, nước ngọt có chứa hàm lượng cao đường fructose - yếu tố gây tăng nhanh axit uric trong cơ thể. Vì vậy, nên hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm này, thay vào đó bạn có thể dùng nước ép trái cây nguyên chất 100% và các loại thực phẩm ít ngọt khác.
Rượu bia
Khi mắc bệnh gút, các bệnh nhân không nên uống rượu bia vì nồng độ cồn trong rượu bia sẽ gây trở ngại cho việc loại bỏ axít uric ra khỏi cơ thể, khiến bệnh gút trở nên nặng hơn. Tuy nhiên, nếu bạn không mắc bệnh gút, uống khoảng 148 ml rượu mỗi ngày vẫn an toàn đối với sức khỏe của bạn, các chuyên gia y tế Mỹ cho biết.
Ngoài ra, khi bệnh gút, bạn nên uống nhiều nước. Không chỉ giúp tăng cường sự trao đổi chất, phấn chấn tinh thần, làm đẹp da, uống nhiều nước mỗi ngày (khoảng 8-16 ly, 237 ml/ly) còn giúp loại bỏ axít uric ra khỏi cơ thể.
Bên cạnh việc áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý, bạn cũng nên tập thể dục ở mức độ vừa phải để điều tiết lượng chất béo và calo thừa, nhằm phòng ngừa bệnh gút cũng như mang lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe.