Rất nhiều loạt phim đã được lên kế hoạch từ sớm, nhưng rồi đổ bể chỉ vì thất bại ngay từ tập mở màn, như “The Dark Tower”, “Fantastic Four”, “Green Lantern”, “Speed Racer”...
|
The Dark Tower (2017): Hãng Sony muốn biến Tòa tháp Bóng đêm thành vũ trụ rộng lớn, trên cả màn ảnh nhỏ lẫn màn ảnh rộng. Nhưng hoài bão ấy không được thể hiện qua tập phim đầu tiên mới ra mắt hồi đầu tháng 8. Có kinh phí 60 triệu USD và thời lượng 95 phút, The Dark Tower bị chê là quá tầm thường so với nguyên tác của nhà văn Stephen King khi đã đơn giản hóa tối đa cốt truyện. Khán giả không hưởng ứng bộ phim, và với doanh thu tới nay chỉ rơi vào khoảng hơn 50 triệu USD, kế hoạch biến đây thành thương hiệu điện ảnh dường như sẽ tan biến.
|
|
The Mummy (2017): Bị khán giả Bắc Mỹ quay lưng, nhưng phiên bản tái khởi động Xác ướp Ai Cập vẫn kiếm được tiền từ các thị trường quốc tế nhờ ngôi sao Tom Cruise. Song, chất lượng tác phẩm rất xoàng, dù nó mang trọng trách mở đầu Vũ trụ Đen tối - Dark Universe. Hãng Universal đã tự tin công bố kế hoạch làm tập tiếp theo là Bride of Frankenstein (2019). Nhưng chất lượng của The Mummy sẽ gây ảnh hưởng tới kết quả của những tác phẩm tới đây của chuỗi phim quái vật.
|
|
Fantastic Four (2015): Thành công tái khởi động X-Men với tập First Class (2011), hãng Fox áp dụng chiến lược gần như tương tự cho Bộ tứ Siêu đẳng. Nhưng phiên bản phim 2015 thực sự là thảm họa về mặt nội dung, và cuối cùng chỉ mang về 168 triệu USD so với ngân sách sản xuất lên tới 120 triệu USD. Đạo diễn Josh Trank sử dụng Twitter để chỉ trích đội ngũ nhà sản xuất tại Fox đã can thiệp quá sâu vào quá trình làm phim, thậm chí kêu gọi khán giả không đi xem phim. Những thông điệp giận dữ sau đó bị xóa đi, nhưng mối quan hệ giữa hai bên hẳn không còn nguyên vẹn. Hiện Fox rất kín tiếng về kế hoạch tiếp theo dành cho dành cho Bộ tứ Siêu đẳng, nhưng gần như chắc chắn rằng bộ tứ Miles Teller, Michael B. Jordan, Jamie Bell và Kate Mara sẽ không trở lại.
|
|
The Lone Ranger (2013): Nhà sản xuất lừng danh Jerry Bruckheimer ấp ủ trình làng loạt “Cướp biển Caribbean tiếp theo” khi chiêu mộ Johnny Depp cho The Lone Ranger. Disney đã bỏ ra tới 375 triệu USD để thực hiện và quảng bá tác phẩm, để rồi chỉ thu lại được 260 triệu USD. Dĩ nhiên là khán giả chắc chắn không còn cơ hội gặp lại gã da đỏ Tonto trên màn ảnh rộng trong thời gian tới.
|
|
John Carter (2012): Disney muốn biến John Carter - tác phẩm điện ảnh dựa trên nguyên tác văn học của Edgar Rice Burroughs - thành cỗ máy kiếm tiền mới. Nhưng họ dường như đã “quá tay” khi chi ra hơn 250 triệu USD để sản xuất tập đầu tiên, cộng thêm khoảng 100 triệu USD để quảng bá tác phẩm. Sự thờ ơ của khán giả và giới phê bình bởi lối kể chuyện cũ kỹ rốt cuộc đã khiến John Carter chỉ thu nổi 284 triệu USD, và khiến nó trở thành một trong những quả “bom xịt” tệ hại nhất lịch sử điện ảnh.
|
|
Green Lantern (2011): Warner Bros. ban đầu muốn thực hiện bộ ba phim (trilogy) về siêu anh hùng Green Lantern cùng Ryan Reynolds. Nhưng bản thân chất lượng tác phẩm không tốt đã khiến kế hoạch đổ bể. Hãng phim chi ra hơn 200 triệu USD để thực hiện Green Lantern, để rồi chỉ có thể thu lại gần 220 triệu USD. Trong Vũ trụ siêu anh hùng DC (DCEU), Green Lantern vẫn chưa xuất hiện, và công chúng chưa rõ liệu ai sẽ là người kế nhiệm Reynolds.
|
|
Speed Racer (2008): Sau khi tạo ra một trong những bộ ba phim thành công nhất mọi thời đại là Ma trận, chị em đạo diễn nhà Wachowski bắt tay chuyển loạt phim hoạt hình Nhật Bản nổi tiếng lên màn ảnh rộng. Nhưng những hình ảnh kỹ xảo sặc sỡ không phải là điều mà ai cũng thích. Cốt truyện của Speed Racer không quá nổi trội, và phim trở thành mục tiêu công kích của giới phê bình. Rốt cuộc, kế hoạch dành cho Speed Racer 2 nhanh chóng tan biến.
|
|
The Golden Compass (2007): Có sự tham gia của hai ngôi sao Nicole Kidman và Daniel Craig, lại được thực hiện dựa trên một loạt truyện trẻ em nổi tiếng, nhưng The Golden Compass khiến hãng New Line Entertainment điêu đứng. Hình ảnh kỹ xảo hiện đại khiến kinh phí dự án đội lên tới 180 triệu USD, và doanh thu 320 triệu USD toàn cầu là không đủ. Cộng thêm những bài bình luận tiêu cực và nội dung khiến người theo đạo Thiên chúa giận dữ, The Golden Compass không bao giờ được thực hiện tiếp phần hai.
|
|
The Hitchhiker's Guide to the Galaxy (2005): Giới truyền thông và khán giả bỏ tiền mua vé theo dõi bộ phim điện ảnh dựa trên nguyên tác phát thanh của Douglas Adams đều cảm thấy thỏa mãn. Nhưng lượng người xem phim là rất ít ỏi, và tác phẩm khoa học viễn tưởng chỉ thu được hơn 100 triệu USD so với ngân sách khoảng 50 triệu USD. Do đó, dù The Hitchhiker's Guide to the Galaxy có nhiều sản phẩm ăn theo trước năm 2005, bộ phim điện ảnh không bao giờ có kế hoạch làm tiếp phần hai.
|
|
Sahara (2005): Paramount muốn chuyển thể loạt tiểu thuyết của Clive Cussler lên màn ảnh rộng với ngôi sao Matthew McConaughey. Nhưng tác phẩm hành động Sahara lại nhận nhiều lời chê bai từ quá sớm. Phim chỉ thu 120 triệu USD, so với kinh phí sản xuất là 130 triệu USD. Hậu quả là những cuốn sách tiếp theo của Cussler đến nay vẫn nằm im trên kệ.
|
|
Sky Captain and the World of Tomorrow (2004): Có Jude Law, Angelina Jolie, Gwyneth Paltrow tham gia, nhận sự hỗ trợ của công nghệ kỹ xảo tân thời khi ấy, cũng như được giới phê bình ca ngợi (nhà phê bình phim khó tính Roger Ebert chấm phim điểm 4/4), nhưng Sky Captain and the World of Tomorrow vẫn là thất bại về mặt kinh doanh. Kinh phí dự án là 70 triệu USD, nhưng số tiền mà bộ phim thu được chỉ là chưa đầy 60 triệu USD toàn cầu. Cho đến giờ, đây vẫn là phim điện ảnh dài duy nhất của đạo diễn Kerry Conran.
|
|
Master and Commander: The Far Side of the World (2003): Đây lại là một bộ phim chất lượng nữa, nhưng bị khán giả thờ ơ và không thể làm thêm hai phần tiếp theo như kế hoạch ban đầu. Có sự góp mặt của Russell Crowe, Master and Commander thậm chí còn nhận đề cử Phim truyện xuất sắc của Oscar. Điều đó không đồng nghĩa với thành công về mặt kinh doanh. Phim chỉ thu 220 triệu USD sau khi các nhà sản xuất đã phải bỏ ra tới 150 triệu USD để thực hiện dự án.
|
|
Daredevil (2003): Sau X-Men, hãng Fox tiếp tục chuyển thể một siêu anh hùng nữa lên màn ảnh rộng là Daredevil với Ben Affleck. Nhưng chính tài tử sau này cũng phải thừa nhận rằng người hùng của khu Hell’s Kitchen (New York) là một trong những vai diễn tệ nhất sự nghiệp. Fox “cố đấm ăn xôi” khi làm tiếp phần ngoại truyện Elektra (2005), nhưng vẫn vấp phải sự phản đối dữ dội từ khán giả, và đành phải buông bỏ Daredevil 2. Siêu anh hùng Daredevil hiện xuất hiện trên màn ảnh nhỏ qua series truyền hình do Marvel Studios và Netflix hợp tác sản xuất.
|
|
Godzilla (1998): Vũ trụ phim quái vật Monsterverse chuẩn bị cho ra mắt Godzilla: King of Monsters (2019) sau Kong: Skull Island (2017). Nhưng số phận của “vua các loài quái vật” tại Hollywood hồi cuối thế kỷ XX là vô cùng sóng gió. Dưới bàn tay nhào nặn của đạo diễn Roland Emmerich, phiên bản phim năm 1998 bị phản ứng gay gắt khi tạo hình của Godzilla đi quá xa nguyên tác, và nội dung tác phẩm thì nghèo nàn. Phim thất bại tại phòng vé Bắc Mỹ, nhưng vẫn thu bộn từ các thị trường quốc tế. Song, Godzilla của Roland Emmerich không bao giờ có phần hai, dù ông đã hé mở điều đó ở cuối phim.
|
|
The Rocketeer (1991): Sau khi Superman IV: The Quest for Peace (1987) trở thành “bom xịt”, các hãng phim thử tìm đến các siêu anh hùng ít tên tuổi hơn, và The Rocketeer là một trong số đó. Tuy bộ phim năm 1991 không tệ, nhưng lượng fan của người hùng là quá ít ỏi, và không thể khiến The Rocketeer có tiếp phần hai. Trên thực tế, ngoại trừ Blade, những siêu anh hùng ít nổi tiếng dạng này thường là những canh bạc thất bại, như Jonah Hex hay Spawn sau này đã chứng minh.
|
phim nhiều phần thất bại
Green Lantern
The Lone Ranger
The Dark Tower
John Carter
Fantastic Four (2015)