Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những thương hiệu phim bom tấn càng làm càng dở

“Phần sau dở hơn phần trước” là lời nguyền tồn tại suốt bấy lâu nay tại Hollywood mà có không ít thương hiệu phim bom tấn từng mắc phải.

Shrek: Từng đoạt tượng vàng Oscar tại hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc nhất năm 2002, Shrek lập tức trở thành một thương hiệu danh giá của DreamWorks. Với sự tham gia lồng tiếng của nhiều ngôi sao hạng A gồm Mike Myers, Eddie Murphy, Cameron Diaz…, bộ phim gây tiếng vang trong làng điện ảnh, khi thoát ra khỏi mô-típ những nàng công chúa xinh đẹp, hoàng tử bảnh mã như khán giả thường hay thấy ở các bộ phim của Disney.

Trên đà thành công, hãng phim quyết định cho ra mắt thêm ba phần tiếp theo vào các năm 2004, 2007 và 2010. Tuy nhiên, đến phần bốn Shrek Forever After, giới phê bình không còn mặn mà với chàng chằn tinh như tám năm về trước. Qua thời gian, sự hài hước trong loạt phim Shrek trở nên thiếu tinh tế, và bản thân nhân vật chính trở nên phụ thuộc, mất đi cá tính nổi bật. Điểm sáng duy nhất là nhân vật phụ Mèo đi hia, và chú mèo đáng yêu sau đó cũng có một bộ phim riêng vào năm 2011.

Indiana Jones: Phần đầu của loạt phim Indiana Jones mang tên Raiders of the Lost Ark (1981) đến từ đạo diễn Steven Spielberg và tài tử Harrison Ford là một tác phẩm phiêu lưu hành động kinh điển của Hollywood. Hai tập phim tiếp theo mang tựa đề Indiana Jones and the Temple of Doom (1984) và Indiana Jones and the Last Crusade (1989) dù rất hấp dẫn nhưng cũng thường bị coi là chưa thể vượt qua được cái bóng của Chiếc rương thánh tích.

Tuy nhiên, thương hiệu Indiana Jones trở nên “sứt mẻ” nghiêm trọng với Kingdom of the Crystal Skull, tập phim thứ tư được trình làng sau gần hai thập kỷ thai nghén. Sở hữu một kịch bản thiếu logic, chứa đựng nhiều chi tiết “hoang đường”, lồng ghép yếu tố người ngoài hành tinh, cộng thêm tuyến nhân vật phản diện đến từ Liên Xô gây tranh cãi, bộ phim trở thành đề tài tiếu lâm trên các diễn đàn điện ảnh và là nỗi thất vọng toàn tập đối với những người yêu mến nhân vật khảo cổ học lừng danh. Dẫu vậy, các nhà làm phim vẫn đang ấp ủ thực hiện phần 5 của Indiana Jones trong thời gian tới.

Transformers: Các người máy biến hình gây ra rất nhiều tranh cãi khi luôn đạt doanh thu cao ngất ngưởng tại phòng vé nhưng lại nhận được vô số lời chê bai từ giới phê bình. Tuy nhiên, tập phim Transformers đầu tiên là một cuộc cách mạng trên màn ảnh rộng, đặc biệt ở phần kỹ xảo. Kịch bản phim vẫn nằm ở mức chấp nhận được, với nhiều màn chạm trán giữa con người và robot.

Những tập phim sau đó gồm Revenge of the Fallen, Dark of the Moon, Age of Extinction, dù hoành tráng hơn nhưng lại có nội dung nhàm chán, dài dòng quá mức cần thiết. Các cảnh đánh đấm gần như đơn thuần chỉ diễn ra giữa các robot. Ngoài ra, tập phim mới nhất lấy bối cảnh tại Hong Kong, Trung Quốc và bị “tố” là có quá nhiều màn quảng cáo lộ liễu cho các thương hiệu nổi tiếng tại nơi đây.

Terminator: Loạt phim hành động khoa học viễn tưởng kéo dài qua hơn ba thập kỷ, trong đó đỉnh cao là hai tập phim đầu tiên The TerminatorTerminator 2: Judgment Day, đưa tên tuổi của đạo diễn James Cameron lên hàng huyền thoại tại Hollywood. Judgment Day cũng là một cột mốc đáng nhớ đối với lịch sử điện ảnh qua những màn kỹ xảo hiện đại, thậm chí là không hề gây ra cảm giác lỗi thời cho tới tận ngày nay.

Nhưng Terminator 3: Rise of the Machines của Jonathan Mostow không tạo ra được bước đột phá, còn Terminator: Salvation của McG thì bị người hâm mộ Kẻ hủy diệt lên án do có phần ý tưởng nghèo nàn, phá hỏng mạch logic mà James Cameron từng cố gắng tạo ra trước đó. Cả hai đều bị coi là những cái bóng vô hồn của các tác phẩm năm xưa. Hiện tập thứ năm, Terminator Genisys, vừa mới đóng máy và sẽ tái khởi động cả loạt phim, sau cú thất bại khó bào chữa của Terminator: Salvation.

Alien: Chuyên viên thiết kế H.R. Giger cùng đạo diễn Ridley Scott tạo ra một trong những con quái vật ngoài hành tinh mẫu mực nhất trong lịch sử điện ảnh với tác phẩm Alien hồi 1979. Tới năm 1986, James Cameron nối tiếp thành công ấy với Aliens được đánh giá cao không kém.

Chuyện bắt đầu xấu đi từ Alien³ (1992) của David Fincher khi tác phẩm bị coi là có nội dung nhàm chán, rập khuôn. Alien: Resurrection (1997) của Jean-Pierre Jeunet tiếp tục đẩy những lời chê bai của giới phê bình và người hâm mộ đi xa hơn. Các bộ phim ăn theo AVP: Alien vs. Predator chỉ là những nỗ lực tuyệt vọng nhằm bòn rút túi tiền khán giả của những nhà sản xuất. Và ngay cả bộ phim tiền truyện Prometheus (2012) của chính Ridley Scott cũng không thể khiến số đông thỏa mãn do đặt ra quá nhiều câu hỏi chưa được giải đáp thỏa đáng.

Star Wars: Ba tập phim Chiến tranh giữa các vì sao đầu tiên dù được thực hiện từ thập niên 1970 - 1980 nhưng luôn được coi là những cột mốc bản lề trong lịch sử điện ảnh nhân loại. Sở hữu nội dung hấp dẫn, kỹ xảo hình ảnh cách tân, Star Wars IV, VVI chinh phục nhiều thế hệ khán giả trong suốt hơn ba thập kỷ qua.

Trước thềm năm 2000, Star Wars Episode I: The Phantom Menace ra đời. Đây là phần tiền truyện, kể lại quá khứ của ác nhân Darth Vader lừng danh. Kỳ vọng đến từ khán giả là khủng khiếp và đạo diễn George Lucas đã hoàn toàn thất bại, khi cốt truyện và diễn biến tâm lý các nhân vật trong phim bị đánh giá thấp. Niềm tin người hâm mộ chỉ được khôi phục đôi chút qua Attack of the ClonesRevenge of the Sith, nhưng cả ba phim tiền truyện quả thực không thể sánh ngang với các tác phẩm trong quá khứ. Hiện các nhà sản xuất đang tiếp tục thực hiện phần VII với đạo diễn J.J. Abrams, kể về những sự kiện sau Star Wars VI.

Jurassic Park: Công viên kỷ Jura của đạo diễn Steven Spielberg và biên kịch David Koepp là một cú hit tại phòng vé hồi 1993. Những con khủng long sinh động trên màn ảnh, nhiều màn hành động hồi hộp, giật gân khiến giới phê bình đánh giá bộ phim không hề kém cạnh so với tác phẩm kinh điển Jaws trong quá khứ.

Nhưng chính vì Jurassic Park quá thành công mà The Lost World (1997) sau đó không thể vượt qua cái bóng của tác phẩm tiền nhiệm, cho dù nó cũng do chính bộ đôi Spielberg - Koepp thực hiện. Jurassic Park III (2001) của Joe Johnston lâm vào tình cảnh tương tự và không gây ra được bước đột phá cần thiết cho loạt phim. Sau gần 15 năm, phần bốn mang tên Jurassic World sẽ ra mắt trong năm 2015. Khán giả hy vọng những tiến bộ trong công nghệ kỹ xảo điện ảnh sau ngần ấy năm trời sẽ giúp các chú khủng long thêm một lần nữa chinh phục các phòng vé.

The Matrix: Ra mắt khán giả năm 1999, The Matrix lập tức gây sốt tại các phòng vé. Tác phẩm giúp dòng phim khoa học viễn tưởng thay đổi hoàn toàn diện mạo trước thềm thiên niên kỷ mới nhờ một cốt truyện sáng tạo, các pha hành động kỹ xảo mãn nhãn, mang đậm tính cách mạng. Sau khi kết thúc quá trình trình chiếu, The Matrix đạt doanh thu 463 triệu USD toàn cầu.

Dù không cần thiết phải có phần tiếp theo nhưng The Matrix Reloaded vẫn được thực hiện và trình chiếu trong mùa hè 2003, đạt doanh thu lên tới 742 triệu USD. Kèm với đó là nỗi thất vọng vô biên đối với những ai từng hâm mộ The Matrix. Các tuyến nhân vật vô nghĩa, kịch bản được kéo dài không cần thiết, rời rạc, thiếu logic khiến The Matrix Reloaded trở nên cực kỳ đáng quên. Các nhà làm phim khép lại mạch truyện mới bằng The Matrix Revolutions vào cuối năm 2003, chỉ đạt doanh thu toàn cầu 427 triệu USD. Thất bại này được coi là hệ quả tất yếu từ chất lượng yếu kém của Reloaded hồi mùa hè.

T.L. (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm