Cô đơn
Cô đơn là một trong những tình khúc tiêu biểu cho phong cách viết nhạc lãng mạn, êm dịu mà sâu lắng của Nguyễn Ánh 9. Đã nhiều ca sĩ thể hiện ca khúc này, từ trong nước đến hải ngoại nhưng người mà tác giả phải tìm xin bằng được số điện thoại sau khi nghe hát là NSƯT Đức Long.
Giọng nam trầm ấm áp, khắc khoải, tự sự và “đặt sệt” Hà Nội của Đức Long giúp người nghe cảm nhận đầy đủ tâm hồn, tình cảm của Nguyễn Ánh 9 như một tấm gương phản chiếu thông qua các nốt nhạc. Ngoài Đức Long, Trần Thu Hà cũng được xem là một trong những giọng hát nữ thể hiện thành công ca khúc này. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 từng đệm đàn cho ái nữ của Trần gia và khen cô sở hữu chất giọng mộc mạc, chân thành.
Không
Nhắc đến gia tài âm nhạc của Nguyễn Ánh 9 không thể không nhắc đến Không – nhạc phẩm nổi tiếng toàn châu Á và từng được “giọng ca bảy phần ngọt ngào, ba phần diễm lệ” của Đặng Lệ Quân thể hiện. Khi biết Không được diva châu Á hát bằng tiếng Hoa, Nguyễn Ánh 9 cũng hết sức bất ngờ vì ông chưa từng gặp Đặng Lệ Quân lần nào. Sau này, nhiều người cho rằng có thể một người Hoa nào đó đã đến Sài Gòn và mang giai điệu của Nguyễn Ánh 9 về nước và viết lời Hoa cho ca khúc.
Cơ duyên để Nguyễn Ánh 9 viết bài hát này là Khánh Ly. Trong một lần lưu diễn tại Nhật, Khánh Ly đứng chờ thang máy lên phòng khách sạn, thấy người bạn mình mang vẻ mặt buồn buồn, Khánh Ly lên tiếng hỏi: "Còn thương nó không bạn?", ý muốn hỏi về một người bạn gái quen biết Nguyễn Ánh 9 vào thời đó. Sẵn guitar trên tay, Nguyễn Ánh 9 cất tiếng hát: "Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa...". Đến khi trở về Việt Nam, Khánh Ly đề nghị ông soạn nhạc phẩm này. Trước đề nghị đó, ông đã hoàn tất nhạc phẩm trong một thời gian ngắn. Sau này, Không được Elvis Phương thể hiện và anh cũng là giọng ca Việt gắn bó nhất với ca khúc này.
Buồn ơi, chào mi
Buồn ơi, chào mi là một ca khúc buồn nói về tình yêu. Nhiều người thắc mắc tại sao Nguyễn Ánh 9 hay viết về nỗi buồn cũng như sự lỡ hẹn trong tình yêu, có chăng nhạc sĩ đã trải qua nhiều cuộc tình đau khổ và dang dở, ông trả lời “Giống như câu thơ Tình chỉ đẹp khi còn dang dở… Khi mình mới yêu nhau, không ai mang cái xấu cái dở của mình để nói với nhau, Chỉ yêu thương thôi. Thành vợ thành chồng rồi những cái dở sẽ lộ ra hết. Dang dở của tình yêu giống như thức ăn có vị chua, có cay cay mới ngon.”
Bằng Kiều là ca sĩ thể hiện Buồn ơi, chào mi được yêu thích nhất. Giọng nam cao với âm sắc đẹp của nam ca sĩ chinh phục hàng triệu trái tim người nghe nhạc khi hát ca khúc này. Anh thể hiện sáng tác của Nguyễn Ánh 9 không nhiều nhưng lại ra chất Nguyễn Ánh 9 trong Buồn ơi, chào mi. Đây cũng là một trong những ca khúc làm nên tên tuổi của Bằng Kiều lòng công chúng yêu nhạc.
Mùa thu cánh nâu
Mùa thu cánh nâu được Nguyễn Ánh 9 viết vào khoảng đầu những năm 1970 – thời gian ông đệm đàn cho Thái Thanh và Khánh Ly – 2 trong 3 giọng ca nổi bật nhất Sài Gòn lúc bấy giờ, cũng là hai nữ ca sĩ mà Nguyễn Ánh 9 nói rằng ông mê nhất khi được hòa đàn cùng thanh âm của giọng hát.
Khánh Ly được xem là người thể hiện thành công nhất Mùa thu cánh nâu. Giọng hát lieu trai, âm tính mà u hoài của nữ danh ca khiến tác phẩm của Nguyễn Ánh 9 như “hổ thêm cánh”. Nghe Mùa thu cánh nâu qua giọng hát của Khánh Ly người nghe dễ cảm thấy buồn nhưng lại không phải là nỗi buồn của sự đau khổ mà là nỗi buồn lãng mạn, đượm màu tiếc nuối “Buồn như lá thu ngày tháng hao mòn/ Em về chiều nay, thu vàng trên tay”
Lặng lẽ tiếng dương cầm
Nguyễn Ánh bảo khi ông viết ca khúc Lặng lẽ tiếng dương cầm có câu: "lặng lẽ một tiếng đàn trong đêm, một nỗi buồn không tên, một tình yêu tôi đã quên'' và bà xã đã nói rằng: "Anh à, anh nói tình yêu đã quên nhưng em biết anh không quên đâu, thế nên anh phải viết là "một tình yêu đâu dễ quên". Và đó là một trong những ca khúc mà Nguyễn Ánh 9 viết tặng vợ mình vì bà đã đồng cảm tới từng nốt nhạc trong sang tác của chồng.
Ai đưa em về
Ai đưa em về là một trong những ca khúc không thể không nhắc đến của Nguyễn Ánh 9. Câu hát “Đêm nay ai đưa em về” thậm chí còn trở nên quen thuộc với rất nhiều người nghe nhạc, thân thuộc như lời ăn tiếng nói hàng ngày. Nội dung ca khúc nói về nỗi cô đơn, sự tiếc nuối của một tình yêu trọn vẹn. Ở đó, nhân vật như van xin thời gian dừng lại để được sống với những khoảnh khắc của tình yêu thay vì phải trải qua những phút ly tan: “Thời gian ơi xin dừng lại/ Thời gian ơi xin dừng lại/ Cho đôi tình nhân yêu trong muộn màng/ Đừng khóc ly tan”.
Ai đưa em về nằm trong album Cô đơn của ca sĩ Thế Sơn - nhưng người được cho thể hiện thành công nhất bài hát này lại là danh ca Thái Châu. Ngoài Thế Sơn, Thái Châu, một số giọng ca trong nước cũng từng hát và được một bộ phân khán giả yêu thích, trong đó có Đàm Vĩnh Hưng.
Tình yêu đến trong giã từ
Tình yêu là cảm hứng xuyên suốt trong các sáng tác của Nguyễn Ánh 9 và cũng là nguồn đề tài bất tận để ông viết lên những ca khúc để đời. Tình yêu đến trong giã từ là một trong những ca khúc như thế. Bài hát minh chứng cho phong cách âm nhạc của Nguyễn Ánh 9 đó là dù có buồn thương, nuối tiếc thì các sáng tác của ông luôn ẩn chứa những mầm hy vọng đầy lãng mạn. Ngay trong giã từ, trong sự chia ly, người ta vẫn có thể yêu nhau và biết đâu câu chuyện lại bắt đầu từ đó.
Tình yêu đến trong giã từ được nhiều ca sĩ thể hiện, đặc biệt là các giọng ca nữ nhưng người gắn bó hơn cả là Cẩm Vân. Giọng “vàng mười” ấm áp, trầm khàn mà khỏe khẳn của Cẩm Vân không chỉ khiến Nguyễn Ánh 9 hài lòng mà ngay cả những yêu nhạc cũng phải yêu thích và công nhận. Ngoài Cẩm Vân, Ngọc Lan và Mỹ Lệ cũng là những nữ ca sĩ được khá nhiều người nghe khi thể hiện ca khúc này của Nguyễn Ánh 9.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tên thật là Nguyễn Đình Ánh. Ông sinh năm 1939 tại Phan Rang, Ninh Thuận. Năm 18 tuổi ông bắt đầu theo đuổi con đường âm nhạc. Ông khởi đầu sự nghiệp viết nhạc rất tình cờ, trong một chuyến đi Nhật biểu diễn cùng ca sĩ Khánh Ly.
Ngày 20/3, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 được đưa đến bệnh viện Hoàn Mỹ TP HCM để cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Tuy nhiên, sau gần một tháng nằm viện, nhạc sĩ hôn mê trở lại và ra đi vào trưa ngày 14/4.