Câu chuyện về quán bún bò 1.000 đồng/bát vào sáng thứ Sáu đầu tiên của tháng đã thu hút được sự chú ý của rất nhiều người. Khách đến ăn cảm thấy khá dễ chịu không chỉ bởi được ăn một bát bún ngon, đầy đặn nhưng giá chỉ bằng 1/3 cốc trà đá mà còn bởi cách phục vụ nhiệt tình, nhẹ nhàng của nhân viên quán. Ít ai nghĩ rằng, những nhân viên đó lại đang làm việc không lương, thậm chí đến ăn một bán bún cũng chỉ muốn trả đủ tiền như bình thường để dành bát bún 1.000 đồng cho người khác.
Nguyễn Hồng Nhung (sinh năm 1986), nhân viên Ngân hàng tại Xuân La (quận Tây Hồ, Hà Nội) là một tình nguyện viên khá đặc biệt. Dáng người mảnh khảnh, trắng trẻo cùng cặp kính cận thường trực trên khuôn mặt nhưng lúc nào cũng luôn tay, luôn chân chạy quanh quán để bưng bê, dọn dẹp, nhận những tờ giấy bạc 1.000 đồng và không bao giờ quên “cháu/em cảm ơn ạ!” đến mức có vị khách hàng phải đáp lại “Cô phải là người cảm ơn mới đúng chứ”.
Quán bún bò 1.000 đồng. |
Tình cờ biết ý định bán bún 1.000 đồng của chàng trai Châu Ngọc Điệp qua mạng Facebook, Nhung ngỏ ý muốn góp tiền để Điệp làm thêm bún bán cho mọi người. “Anh Điệp bảo không cần tiền, chỉ cần sức nên mình đã xin đến đây để phục vụ quán trong những ngày bán bún từ thiện” – Nhung kể. Khi được hỏi về công việc hiện tại, Nhung cho biết, mỗi tháng chỉ có 1 ngày nên cô xin nghỉ nửa ngày ở cơ quan để đến đây giúp việc.
Nhìn cô gái nhỏ nhắn vã mồ hôi bê bún cho khách, cô Nguyễn Thị Oanh (mẹ của Điệp) kể: “Nhung nó nhanh nhẹn lắm, có lẽ ngày thường ít phải làm những việc thế này nên vẫn còn lúng túng. Nhưng đấy lại chính là lúc người ta đang làm bằng cái tâm”. Đến từ sáng sớm, làm việc liên tục nhưng cứ mỗi khi bảo Nhung đi ăn, cô gái lảng đi chuyện khác. “Tranh thủ vắng khách ra ăn ngay đi, không ăn là lần sau không cho giúp việc ở đây nữa đâu đấy!” – đôi lúc cô Oanh phải quát lên.
Trường hợp của chị Quyên lại khác. Là một người sống bằng nghề buôn bán đồng nát, một lần nhận được tờ giấy thông báo quán bún bò O Chanh (Xã Đàn) bán 1.000 đồng/bát, chị không tin nên đến ăn thử. “Không bao giờ tôi nghĩ mình lại được ăn bán bún như vậy giá 1.000 đồng, lại còn được uống cả trà đá nữa” – chị Quyên kể lại. Cũng từ hôm đó, thỉnh thoảng đi qua quán bún, chị Quyên lại ghé vào thu dọn và rửa một số bát đũa của quán. “Có hôm rửa bát xong là chị Quyên dắt xe đi luôn, bảo chị ăn bát bún thì chị hẹn vào đúng hôm bán bún 1.000 đồng sẽ ăn” – anh Điệp cho biết.
Nguyễn Hồng Nhung vẫn còn lúng túng trong khi làm phục vụ tại quán. |
Ngoài ra, quán bún 1.000 đồng còn xuất hiện khá nhiều bạn tình nguyện viên trẻ hầu hết là sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng của Hà Nội. Nhóm bạn Vũ Văn Anh, Trịnh Thị Hạnh, Chu Thị Trinh (cùng sinh năm 1995) là những bạn điển hình. Biết được thông tin trên Facebook, các bạn đã liên hệ và đi xe buýt từ trong Hà Đông ra để phục vụ tại quán trong ngày thứ Sáu đầu tiên của tháng. Là bạn nam tình nguyện duy nhất làm ở quán, Vũ Văn Anh đảm nhận công việc đứng ngoài cửa trông xe và… thuyết phục mọi người vào ăn bún 1.000 đồng giữa trời nắng nóng. “Em không biết làm việc phục vụ, dọn dẹp nên chỉ biết ra đây đứng trông xe cho mọi người ăn thôi. Tuy xe của khách chỉ là những xe đạp hay quang gánh nhưng đều là những tài sản dùng để mưu sinh của họ” – Văn Anh tươi cười. Còn bạn Trịnh Thị Hạnh thì kể: “Gần như khách nào vào cũng hỏi em: Có phải bún 1.000 đồng không? Buổi đầu em phải giải thích khá nhiều vì khách không tin, nhưng hôm nay thì câu hỏi đó đến với em ít hơn rồi”.
Cô Nguyễn Thị Oanh chia sẻ với PV niềm vui của mình khi nhắc về hai cậu con trai và các bạn tình nguyện viên: "Nhận được sự giúp đỡ bằng công sức và tinh thần của mọi người cô thấy rất vui, hiện nay mỗi ngày thứ Sáu cửa hàng bán được 150 bát bún nhưng nếu những ngày tiếp theo có nhiều khách hơn, cô sẽ tăng dần số lượng để đáp ứng mong muốn của người nghèo. Đây là ý tưởng của 2 con trai cô đều đang đi làm những công việc riêng. Cô rất mừng vì các con đều có mong muốn thực lòng làm những việc thiện”.