Những tranh luận cân não tại phiên phúc thẩm VN Pharma
Thứ hai, 30/10/2017 08:00 (GMT+7)
08:00 30/10/2017
Hôm nay, 30/10, HĐXX sẽ tuyên án vụ VN Pharma. Cùng nhìn lại những tranh luận đáng chú ý trong 4 ngày xét xử phúc thẩm vừa qua.
4 ngày xét xử phúc thẩm, HĐXX đã tập trung làm rõ số tiền 7,5 tỷ đồng được cho là chi hoa hồng cho các bác sĩ. Từ việc phủ nhận đây là tiền hoa hồng trong các phiên xử trước, bị cáo Hùng đã thừa nhận số tiền này là do các nhân viên bán hàng (gọi là trình dược viên) đến gặp bác sĩ và chủ động chi chứ không chi cho bệnh nhân. Tuy nhiên, Hùng không hề biết chi cho ai: "Lúc này bị cáo đã bị bắt nên không biết đã chi cho những ai".
Xoay quanh sự tồn tại của công ty Helix Canada, chủ toạ phiên toà cho rằng thời điểm đó công ty này chưa được cấp phép tại Việt Nam, thế nên việc cấp giấy uỷ quyền cho Võ Mạnh Cường là không hợp lý. Bị cáo Võ Mạnh Cường khai rằng trong quá trình làm việc, người đàn ông tên Raymundo đã cấp giấy uỷ quyền cho mình nên bị cáo này tin tưởng.
Trong phần xét hỏi, bị cáo Võ Mạnh Cường thừa nhận hành vi nâng khống giá thuốc H-Capita 500 mg từ 27 USD lên 75 USD nhưng khẳng định mình không hưởng lợi từ khoản tiền này. Đồng thời, Cường khai rằng Cục Quản lý Dược đã cấp phép cho lô thuốc này và Cường tin tưởng vào Cục Quản lý Dược.
Thẩm phán Phạm Thị Duyên hỏi: “Theo bị cáo thì bao nhiêu hành vi đủ buộc tội bị cáo?”. Võ Mạnh Cường trả lời rằng: “Thẩm phán hỏi như vậy cũng giống như hỏi bị cáo muốn đi tù hay không, như vậy thì khó trả lời quá”.
Là kế toán trưởng tại công ty VN Pharma, bị cáo Phương khai mình chỉ làm nhiệm vụ theo chỉ đạo của tổng giám đốc, chứ không hề biết có khoản nào chi hoa hồng cho các bác sĩ hay không. Đồng thời, Phương thừa nhận bản thân có làm sai trong nghiệp vụ. Đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh: "Bản thân là kế toán trưởng mà thực hiện việc thu chi không theo nguyên tắc kế toán mà theo chỉ đạo. Các bị cáo rất coi thường pháp luật".
Thẩm phán Phạm Thị Duyên xét hỏi bị cáo Nguyễn Minh Hùng về đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo này. Bị cáo Hùng nói rằng lý do Hùng làm đơn kháng cáo vì nhận thấy phiên toà sơ thẩm chưa làm rõ bản chất sự thật vụ án.
“Bị cáo đã bị HĐXX cấp sơ thẩm quy kết bị cáo hàng loạt hành vi. Sau khi bị truy tố về 5 hành vi, bị cáo chỉ có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo suy nghĩ như thế nào về lời khai của mình?”, thẩm phán Phạm Thị Duyên hỏi. Sau khi bị cáo Hùng trả lời rằng mình đã khai rất trung thực, vị thẩm phán hỏi tiếp: “Trung thực một vấn đề chứ có khi nào nó giải thích cho nhiều vấn đề không?”.
Viện kiểm sát liên tục chất vấn bị cáo Phạm Văn Thông về việc viết tiêu chuẩn thuốc H-Capita. Trong những email công bố tại tòa được cho là của ông Thông trao đổi với Nguyễn Minh Hùng, trong đó có nói rõ việc phát hiện những điểm sai trên FSC (tiêu chuẩn thuốc) và yêu cầu "phải sửa". Tuy nhiên, bị cáo Thông khẳng định mình không sửa mà chỉ gợi ý để bên công ty VN Pharma xem lại.
Bà Phạm Thị Vân Hạnh (Phó trưởng phòng Quản lý kinh doanh thuộc Cục Quản lý Dược) cho biết điều kiện hồ sơ thủ tục cấp phép công ty nước ngoài tại Việt Nam dựa vào thông tư 17 năm 2001, quy định cụ thể từng loại hồ sơ và trong quá trình cấp phép, việc xác minh, truy xuất nguồn gốc của công ty đăng ký căn cứ vào giấy tờ mà công ty nộp. Từ đó, chủ tọa phiên toà hỏi: “Vậy là không cần biết công ty đó có thật hay không, giấy tờ có hợp lệ hay không?”.
Bà Hạnh trả lời rằng: “Chúng tôi làm theo quy trình, để đơn giản hóa thủ tục hành chính”.
Phát biểu tranh luận, luật sư Nguyễn Đình Hưng bào chữa cho bị cáo Nguyễn Minh Hùng, đề nghị VKS giải đáp rõ quyết định bắt tạm giam hai bị cáo Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường. Ông Hưng nói: “Chúng tôi cảm nhận rằng việc xảy ra tại phiên tòa này xưa nay chưa có. Vụ việc này ảnh hưởng đến thân chủ tôi nên khi tuyên bố, bị cáo Hùng đã choáng, ảnh hưởng tinh thần”.
Đáp lại, kiểm sát viên Nguyễn Văn Tùng nói: “Xin giải thích thêm cho luật sư và những người có ý định thắc mắc về việc này: Theo quy định tại Điều 243 Bộ Luật Tố tụng Hình sự, sau khi nhận hồ sơ vụ án, Tòa án có quyền, không có điều nào giới hạn quyền của Tòa phúc thẩm. Lệnh bắt này hoàn toàn đúng pháp luật”.
Kết thúc phiên xét xử ngày 23/10, Viện kiểm sát phát biểu quan điểm cho rằng cần hủy án để điều tra lại từ đầu. Kiểm sát viên Nguyễn Văn Tùng cũng trả lời các luật sư rằng VKS chưa có quy kết các bị cáo có phạm tội hay không mà chỉ đang đặt vấn đề. Luật sư Trương Anh Tú, bào chữa cho bị cáo Phương đáp: "Việc phân tích của VKS vô hình trung là sự định hướng cho quá trình điều tra tiếp theo. Tôi cho rằng, quyết định hủy án để điều tra lại thì không nên có quan điểm định hướng mà phải điều tra lại từ đầu một cách cụ thể".
Được nói lời sau cùng, Nguyễn Minh Hùng vừa khóc vừa nói: "Bị cáo đã bị tạm giam 2 năm rưỡi, bị cáo đã mất tất cả rồi. Bị cáo xin chấp nhận hình phạt để trở về, phục vụ tốt cho xã hội. Xin tòa cho bị cáo tại ngoại để chăm lo cho bố mẹ và người vợ đang có thai”. Nghe đến đây, chủ toạ Phạm Công Mười nhắn nhủ đến Hùng và các bị cáo khác: "Việc mua thuốc ung thư kém chất lượng, nâng khống thuốc lên nhiều lần, bị cáo có nghĩ đến các bệnh nhân ung thư mang trên mình "án tử" không? Bị cáo đã đẩy bệnh nhân ung thư và người nhà của họ vào tận cùng của đau khổ và khánh kiệt. Ngoài bản án này thì các bị cáo sẽ còn đối mặt với bản án lương tri cho đến sau này".
Việc TAND cấp phúc thẩm ra lệnh bắt tạm giam nguyên Tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường, Giám đốc công ty H&C, tại tòa khiến nhiều người bất ngờ.
"Tôi không hiểu tại sao đối với tội nghiêm trọng, phức tạp như vụ án VN Pharma mà các bị cáo lại được cho tại ngoại", luật sư Phùng Thanh Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM, nhận định.